23/11/2012 7:56 AM
Đơn vị tư vấn đề nghị chuyển kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt Hòa Hưng - Tân Kiên thành tuyến tàu điện ngầm (tuyến metro số 7) nhưng TP HCM không đồng ý vì cho rằng dự án không khả thi.

Ngày 22/11, Bộ GTVT đã làm việc với UBND TP HCM để lấy ý kiến về những điều chỉnh trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020.

Tại buổi làm việc, Công ty CP tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (Tedi South) đã báo cáo những điều chỉnh của bản quy hoạch lần này so với Quyết định 101 năm 2007 của Thủ tướng về quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP HCM. Cụ thể, điều chỉnh tỷ lệ cơ cấu giao thông vận tải, điều chỉnh hướng tuyến đường trên cao số 1, tuyến BRT số 1, tuyến đường sắt Tân Thới Hiệp - Trảng Bàng…

Đơn vị tư vấn đề nghị xây dựng tuyến metro số 7 (Hòa Hưng - Tân Kiên) nhưng TP HCM cho rằng dự án không khả thi.

Trong khi đó, Bộ GTVT đề nghị chuyển tuyến đường sắt Hòa Hưng - Tân Kiên thành đường sắt đô thị (tuyến tàu điện ngầm metro số 7), có đường ray kết nối vào ga Hòa Hưng và ga Tân Kiên nhằm tăng năng lực vận tải hành khách đô thị. Lãnh đạo thành phố cho rằng việc này là không khả thi vì từ ga Hòa Hưng đến dọc theo đường 3/2 hiện nay khu dân cư rất ổn định, không nên giải tỏa.

Theo Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín, điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải TP HCM là rất cần thiết để làm cơ sở xây dựng và từng bước hoàn chỉnh, hiện đại hóa mạng lưới giao thông, phục vụ cho sự phát triển lâu dài của TP. "Tuy nhiên, quy hoạch phải dựa trên hai yếu tố cơ bản đầu tiên là tính khả thi và ít xáo trộn đến đời sống nhân dân. Bởi thực tế có những dự án đã đưa vào quy hoạch những hơn 20 năm vẫn chưa triển khai được, gây bất bình trong nhân dân", ông Tín nói.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, việc điều chỉnh quy hoạch giao thông TP HCM là cấp thiết, phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố, cả vùng và cả nước. Phía tư vấn sẽ có điều chỉnh quy hoạch cho hợp lý để Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm nay.

Ngày 28/8, UBND TP HCM đã tổ chức khởi công tuyến metro số 1 (Bến Thành Suối - Suối Tiên) với số vốn hơn 2 tỷ USD. Theo thiết kế tuyến metro số 1 có lộ trình dài gần 20 km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó, khoảng 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga).

Ngoài tuyến metro số 1, TP HCM dự kiến xây dựng thêm 6 tuyến metro khác gồm:

Tuyến số 2 (Thủ Thiêm - bến xe Tây Ninh) dài khoảng 20 km.
Tuyến số 4 (Nguyễn Văn Linh - cầu Bến Cát) dài 24 km.
Tuyến số 5 (cầu Sài Gòn - bến xe Cần Giuộc) dài khoảng 17 km.
Tuyến số 6 (Bà Quẹo - vòng xoay Phú Lâm) dài 6 km.

Riêng tuyến metro số 3 dài khoảng 23 km được tách làm hai:
Tuyến 3A (Bến Thành - Tân Kiên).
Tuyến 3B (ngã sáu Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước).

Theo Hữu Nguyên (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.