06/12/2012 1:37 PM
Năm 2013, khung giá đất trên địa bàn TP HCM không thay đổi nhiều so với năm trước, mức giá trần cao nhất đối với các khu "đất vàng" vẫn là 81 triệu đồng/m2. Cùng bảng giá đất, 7 tờ trình khác cũng được HĐND thông qua.

Chiều 5/12, tại buổi làm việc ngày thứ hai HĐND TP HCM đã nhất trí thông qua tờ trình về bảng giá các loại đất trên địa bàn trong năm 2013. Theo đó, giá đất giữ nguyên theo mức năm 2012, chỉ bổ sung hoặc điều chỉnh giá một số đường được nâng cấp, mới hoàn thành trong năm nay.

Cụ thể, so với năm 2012, bảng giá đất năm 2013 có 3.182 tuyến đường, đoạn đường; bổ sung giá cho 26 đường; loại bỏ giá 2 đường, sửa tên 10 đường do chia lại đường; điều chỉnh giá 3 đường do nâng cấp và cân đối.

Đối với đất đô thị và nông thôn, giá cao nhất là tại mặt tiền đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận 1, 81 triệu đồng/m2); giá thấp nhất tại khu dân cư Thiềng Liềng, huyện Cần Giờ (110.000 đồng/m2). Bảng giá các loại đất được áp dụng cho 5 mục đích, trong đó có việc tính giá trị quyền sử dụng đất để thu lệ phí trước bạ, chuyển quyền sử dụng đất; tính bồi thường đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai mà gây thiệt hại cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Giá đất ở đường Đồng Khởi (quận 1) vẫn giữ mức cao nhất trong bảng giá đất của TP HCM năm 2013 với 81 triệu đồng/m2. Ảnh: H.C.

Bảng giá của nhóm đất nông nghiệp năm 2013 không thay đổi so với năm 2012 do đã điều chỉnh hết giới hạn cho phép.

Theo UBND TP, việc xây dựng bảng giá các loại đất năm 2013 theo hướng giữ nguyên như năm 2012 nhằm tiếp tục ổn định và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội theo chủ trương của Chính phủ. Đây là năm thứ ba liên tiếp TP HCM giữ nguyên giá đất.

Cũng trong buổi làm việc chiều nay, HĐND TP HCM cũng nhất trí thông qua 8 tờ trình và nghị quyết, trong đó có Kế hoạch đầu tư xây dựng 3 năm 2013 - 2015 bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Dự kiến, tổng nguồn vốn ngân sách thành phố dành để chi cho đầu tư xây dựng cơ bản trong 3 năm 2013 - 2015 là hơn 43.200 tỷ đồng (không tính vốn ODA). Năm 2013 dự kiến gần 12.900 tỷ đồng, năm 2014 gần 14.500 tỷ đồng và năm 2015 chi hơn 15.900 tỷ đồng.

Các đại biểu HĐND TP HCM biểu quyết thông qua các tờ trình của UBND TP HCM chiều 5/12. Ảnh: H.C.

Liên quan đến kế hoạch biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính và tổng số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập năm 2013 của TP HCM, HĐND TP đồng ý kế hoạch biên chế công chức năm 2013 trong cơ quan, tổ chức hành chính của TP là gần 13.000 biên chế. Về kế hoạch biên chế các đơn vị sự nghiệp công lập, năm 2013, tổng biên chế là 119.090 người.

Cũng tại ngày làm việc thứ hai, ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở Giao thông vận tải đã được HĐND TP bỏ phiếu bầu làm Ủy viên UBND TP HCM nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Ngày mai, HĐND TP tiếp tục làm việc với phiên chất vấn các sở, ngành về các vấn đề cử tri quan tâm.

  • Lãng phí đất ở Hà Nội: Biết để... rút kinh nghiệm

    Lãng phí đất ở Hà Nội: Biết để... rút kinh nghiệm

    Chuyện những khu đất vàng trị giá cả nghìn tỷ đồng ở Thủ đô bị thu hồi vội vã rồi bỏ mặc cho cỏ mọc đã được nhắc đến nhiều.

  • Bập bênh Hà Nội

    Bập bênh Hà Nội

    Hà Nội rộng lớn của chúng ta đang chơi trò bập bênh. Một đầu thì nặng trĩu với tắc đường, bụi bặm, chật chội, ồn ào, suy tư, bức xúc... Một đầu vẫn thênh thang như chưa hề có sự... sáp nhập.

Theo Hữu Công (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.