Các nhà quản lý cũng khẳng định có biết tình trạng trên. Thế nhưng, họ biết để... rút kinh nghiệm chứ người dân Thủ đô chưa thấy cơ quan chức năng có hành động kiên quyết nào để chấm dứt sự lãng phí này.
Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, chỉ riêng 4 quận, huyện là: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ, và Từ Liêm đã có gần 20 khu đất bị bỏ hoang với tổng diện tích hơn 300.000 m² và 10 khu đất sử dụng sai mục đích có diện tích gần 160.000 m² (sử dụng làm bãi đỗ xe, sân bóng đá, điểm thu gom phế liệu, quán ăn, quán bia, gara sửa xe ôtô,....).
Điều đáng nói là các khu đất này đều có vị trí đẹp, như gần các trục đường lớn, khu dân cư, văn phòng sầm uất, có 2-3 mặt tiền,... và đều bị bỏ hoang lâu ngày. Có mảnh đất còn được “xí chỗ” tới cả chục năm nhưng chủ đầu tư không có bất kì động tĩnh nào trong suốt thời gian vừa qua.
Có thể dễ dàng nhẩm tính rằng, với giá đất đắt đỏ như ở Thủ đô thì 300.000 m² “đất vàng” kể trên có giá trị lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Bởi thế, việc để đất hoang như trên là một hành động gây lãng phí vô cùng lớn, khó có thể tính toán rạch ròi vì đây là một nguồn tài nguyên quý giá, hữu hạn của thành phố, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, hình ảnh những khu đất quây tôn kín mít giữa thành phố, khu dân cư còn làm mất mỹ quan đô thị và gây bức xúc cho người dân trong khu vực, đặc biệt là những người đã phải nhường nhà cho dự án của thành phố với mức đền bù khiêm tốn.
Thực chất, hiện tượng này không mới, các cơ quan chức năng cũng biết rõ tình trạng trên. UBND thành phố Hà Nội đã nhiều lần ra văn bản yêu cầu các sở, ngành liên quan kiểm tra, thống kê các trường hợp vi phạm, đề xuất phương án xử lý. Tuy nhiên, hiệu quả của các văn bản chỉ đạo này tới đâu lại chưa hề được ghi nhận.
Bên lề kỳ họp HĐND Hà Nội, ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường đã có trao đổi với báo chí về tình trạng lãng phí đất đai hiện nay ở thủ đô và lý giải nguyên nhân của tình trạng này là “quy hoạch sử dụng đất tính khả thi chưa cao, triển khai còn chậm, nhiều chủ đầu tư được chọn để thực hiện dự án cũng chưa đủ năng lực. Trong khi đó hậu kiểm lại không đạt chất lượng”.
Tuy thừa nhận rất nhiều “hạn chế” và “đã kiểm điểm” nhưng những gì mà Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội thực hiện mới chỉ là “rút kinh nghiệm những vấn đề này”, theo lời người đứng đầu Sở này.
Sự lãng phí đất đai của thành phố là thật! Tình trạng thất thoát nguồn thu ngân sách là thật! Sự bức xúc của người dân cũng là thật! Nhưng biện pháp của cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề này lại mới chỉ dừng ở mức… “rút kinh nghiệm” và đề xuất những phương án giải quyết cũ kỹ như nhiều đề xuất trước đó. Và đề xuất chỉ để… đề xuất chứ hành động thực tế chẳng mấy kiên quyết.
Có lẽ, chỉ khi nào các cơ quan chức năng ngừng “rút kinh nghiệm” và bắt tay vào xử lý vấn đề một cách mạnh mẽ, cứng rắn thì sự lãng phí những khu đất cả nghìn tỷ đồng ở Thủ đô mới được giải quyết dần dần.