Đến năm 2015, GDP bình quân đầu người của Hà Nội đạt 4.100 - 4.300 USD, đến năm 2020 đạt khoảng 7.100 - 7.500 USD và phấn đấu tăng lên 16.000 - 17.000 USD vào năm 2030 (tính theo giá thực tế).
Đây là một trong những định hướng phát triển Thủ đô trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của cả nước vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt.

Với quan điểm, phát huy nội lực, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực vào phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững, trong đó khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, Hà Nội đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2011 - 2015 đạt 12 - 13%/năm. Trước mắt, thời kỳ 2016 - 2020 đạt khoảng 11 - 12%/năm và khoảng 9,5 - 10%/năm thời kỳ 2021 - 2030.

Đến năm 2015, GDP bình quân đầu người của Hà Nội đạt 4.100 - 4.300 USD, đến năm 2020 đạt khoảng 7.100 - 7.500 USD và phấn đấu tăng lên 16.000 - 17.000 USD vào năm 2030 (tính theo giá thực tế). Trong cơ cấu kinh tế, tỷ trọng dịch vụ chiếm 54 - 55%, công nghiệp - xây dựng chiếm 41 - 42% và nông nghiệp là 3-4%.

Tổ chức không gian Hà Nội theo mô hình chùm đô thị
Hà Nội hôm nay

Năm 2020, khu vực dịch vụ chiếm 55,5 - 56,5%, công nghiệp - xây dựng chiếm 41 - 42% và nông nghiệp là 2 - 2,5%. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu trên địa bàn bình quân là 14 - 15%/năm thời kỳ 2011 - 2015 và 13 - 14% thời kỳ 2016 - 2020.

Về xã hội, quy mô dân số Hà Nội đến năm 2015 đạt 7,2 - 7,3 triệu người, năm 2020 khoảng 7,9 - 8 triệu người và năm 2030 khoảng 9,2 triệu người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 55% vào năm 2015 và 70 - 75% vào năm 2020, phát triển Thủ đô trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao của cả nước và có tầm cỡ khu vực.

Về kết cấu hạ tầng và bảo vệ môi trường, phấn đầu đến giai đoạn 2015 - 2020 đưa vào vận hành ít nhất 2 tuyến đường sắt đô thị, đến năm 2020 vận tải hành khách công cộng đáp ứng 35 - 45% nhu cầu đi lại của nhân dân.

Phát triển hệ thống cấp nước, đảm bảo cơ bản tất cả tất cả các hộ gia đình được cấp nước sạch theo tiêu chuẩn quốc gia. Đến năm 2020, trên 80% nước thải sinh hoạt được xử lý, xây dựng hệ thống thu gom nước thải và xử lý 100% nước thải các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề.

Diện tích nhà ở lên 23 - 24%m2/người vào năm 2015 và 25 - 30m2/người vào năm 2020 (tính trung bình cả khu vực đô thị và nông nghiệp). Phát triển mạng lưới vườn hoa, cây xanh, công viên, phấn đấu nâng diện tích đất cây xanh đạt 7 - 8m2/người vào năm 2015 và 10 - 12m2/người vào năm 2020.

Với quy hoạch được duyệt, Hà Nội sẽ phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ, khuyến khích phát triển các lĩnh vực dịch vụ: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bưu chính viễn thông, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục đào tạo, tư vấn, vận tải công cộng.

Cũng theo Quy hoạch tổng thể này, Hà Nội sẽ quyết tâm giải quyết ách tắc giao thông gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đầu tư xây dựng các tuyến vận tải công cộng lớn như đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, các công trình ngầm,...

Đô thị trung tâm là nơi bố trí trụ sở, các cơ quan Trung ương, cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể của quốc gia và thành phố, trụ sở các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; các cơ sở thương mại, giao dịch, dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm - chứng khoán, các viện nghiên cứu đầu ngành; trụ sở chính của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn; các cơ sở đào tạo chất lượng cao với quy mô phù hợp.

Đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Tây, Nam đến đường vành đai 4 và về phía Bắc đến khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía Đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên.

Các đô thị vệ tinh như: Đô thị Hòa Lạc, đô thị Sơn Tây, đô thị Xuân Mai, đô thị Phú Xuyên, đô thị Sóc Sơn… Việc hình thành và phát triển nhanh các đô thị vệ tinh có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm các chức năng về đào tạo, công nghiệp, dịch vụ, nhà ở,...

Đô thị Hòa Lạc có chức năng chính về khoa học - công nghệ và đào tạo. Đô thị Sơn Tây là đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng; trọng tâm là bảo tồn thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm và phát triển mới trung tâm phục vụ du lịch gắn với hồ Xuân Khanh, các dịch vụ đào tạo, y tế.

Đô thị Xuân Mai là đô thị dịch vụ - công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và hệ thống làng nghề. Đô thị Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa. Đô thị Sóc Sơn là đô thị phát triển về dịch vụ, khai thác tiềm năng Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Quảng Ninh vùng cảnh quan núi Sóc.

Khu vực ngoại thành sẽ hình thành các vành đai cây xanh gắn với phát triển các công viên sinh thái quy mô lớn. Còn gần 20 năm nữa để Hà Nội hoàn thành các mục tiêu đặt ra, tuy nhiên nếu không có những chính sách sách quyết liệt thì không chừng chúng ta cũng chỉ "mơ về nơi xa lắm"?
Theo N.Trọng - H.Sơn (Pháp Luật & Xã Hội)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.