Tại cuộc họp chiều 7/11/2012, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư báo cáo chi tiết từng dự án đang bị dừng, giãn, hoãn tiến độ, đề xuất giải pháp xử lý hiệu quả, đồng thời kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ chuẩn bị, sớm khởi công một số công trình chậm khởi công trong năm 2012.

Phải có số liệu cụ thể từng dự án

Đối với các dự án bị dừng, giãn, hoãn tiến độ theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, theo báo cáo của Vụ KHĐT (Bộ GTVT), hiện nay ngành GTVT có tổng số 37 dự án. Trong số đó, Bộ GTVT làm chủ đầu tư 8 dự án, Tổng cục ĐBVN 10 dự án, Cục ĐTNĐ 1 dự án, Cục Đường sắt VN 2 dự án, Tổng công ty Đường sắt VN 2 dự án, Cục Hàng hải 1 dự án và các sở GTVT 13 dự án.

Tổng mức đầu tư của các dự án này vào khoảng 64.500 tỷ đồng. Trong đó đã giải ngân từ năm 2011 trở về trước hơn 11.280 tỷ đồng. Kế hoạch vốn giai đoạn 2012 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ bố trí để hoàn thành đến điểm dừng kỹ thuật là 11.059 tỷ đồng để tránh lãng phí phần vốn đã đầu tư. Như vậy, phần vốn phải giãn đầu tư ra sau 2015 khoảng 42.000 tỷ đồng.

Quốc lộ 25, một trong số các dự án phải dừng, giãn tiến độ

Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên cho biết, khó khăn rất lớn đối với các dự án phải dừng, giãn, hoãn tiến độ thời gian qua là làm sao để đảm bảo ATGT thông suốt, trong khi thời gian hoãn, giãn tiến độ kéo dài đến tận sau năm 2015. Số tiền để dành cho việc đảm bảo giao thông, thi công các hạng mục dang dở rất lớn và thường phát sinh nhiều do thời gian chờ đợi kéo dài.

Để giải quyết khó khăn trên, từ tháng 5/2011, Bộ GTVT đã có Văn bản 2879/BGTVT-KHĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KHĐT phối hợp với các bộ, ngành xem xét giải quyết, tuy nhiên cho đến nay Bộ KHĐT vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Yêu cầu các đơn vị, cơ quan chức năng, chủ đầu tư, ban QLDA phải có báo cáo chi tiết từng dự án dừng, giãn, hoãn tiến độ, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Chỉ khi nào có báo cáo cụ thể từng dự án, tổng mức đầu tư bao nhiêu, đã làm được những gì, số tiền còn thiếu ra sao, giải pháp trong thời gian tới như thế nào,... mới có thể xử lý hợp lý và hiệu quả. Dự án nào có thể chuyển đổi hình thức đầu tư sang BOT, BT, PPP để giảm gánh nặng cho ngân sách thì phải đề xuất ngay. Công trình nào có thể thi công tiếp thì đề xuất cấp vốn, còn dự án nào phải tiếp tục dừng, giãn thì có giải pháp hợp lý, đồng thời có phương án đảm bảo giao thông hiệu quả để phục vụ lưu thông của phương tiện và cuộc sống người dân”.

Thúc đẩy tiến độ các dự án khởi công chậm

Đối với các dự án, công trình dự kiến khởi công trong năm 2012 nhưng bị chậm so với kế hoạch, tại cuộc họp Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu rà soát từng trường hợp cụ thể để có giải pháp thúc đẩy tiến độ và sớm khởi công. “Việc các dự án khởi công muộn, dẫn tới chậm đưa vào khai thác, tổng mức đầu tư bị đội lên do trượt giá gây lãng phí lớn. Đây là điều rất khó chấp nhận và cần sớm chấn chỉnh.

Các cơ quan chức năng, chủ đầu tư cần có sự phối hợp chặt chẽ, rà soát, tháo gỡ tất cả khó khăn liên quan đến các dự án để khởi công trong thời gian sớm nhất để tạo hiệu quả đầu tư” - Bộ trưởng chỉ đạo. Theo báo cáo của Cục QLXD&CLCTGT và các chủ đầu tư, một số dự án theo kế hoạch phải khởi công trong năm nay nhưng đang chậm như: các đường cao tốc La Sơn - Túy Loan, Bến Lức - Long Thành, Đà Nẵng- Quảng Ngãi, BOT cầu Cổ Chiên, nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, xây dựng đường Tân Vũ - Lạch Huyện, các cầu Vàm Cống - Cao Lãnh, hầm đường bộ Phú Gia - Phước Tượng.

Theo Đức Thắng (GTVT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.