05/07/2015 6:59 PM
Sau một năm triển khai Luật Đất đai 2013, theo đánh giá vẫn còn nhiều tồn tại như công tác quy hoạch đất, giao đất, thu hồi đất gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Công bố quy hoạch xong rồi để đấy, người dân chịu thiệt. Ảnh minh họa

Quyền lợi ở “trên giấy”

Để đảm bảo quyền và lợi ích của người dân trong vùng quy hoạch, đồng thời khắc phục tình trạng dự án đã được đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng chậm triển khai ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong vùng quy hoạch, Luật Đất đai năm 2013 quy định trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật (bao gồm quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất). Tuy nhiên, việc thực hiện các quyền này hiện rất hạn chế.

Lãng phí quy hoạch hạ tầng khung là vì chúng ta phân quyền cho địa phương quá mạnh. Phân quyền là tốt nhưng sự kiểm tra, thanh tra của Trung ương lại yếu. Vì vậy phải cải cách thể chế, bởi với thể chế này thì mỗi địa phương sẽ như là một quốc gia riêng, địa phương nào cũng phải có đầy đủ mỗi thứ một tý, sân golf, cảng nước sâu, sân bay, một tý sắt, bô xit....

GS.TS Đặng Hùng Võ,
nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT

Theo ông Lâm Bá Khánh Toàn, Giảng viên khoa Luật, Đại học Cần Thơ, trên thực tế người dân rất khó khăn trong thực hiện các quyền này. Đơn cử, khi cần vay vốn ngân hàng thì các ngân hàng hàng không chấp nhận tài sản thế chấp là đất trong quy hoạch, dù quy hoạch đó chưa có kế hoạch sử dụng đất.

Về vấn đề này, ông Lưu Đức Thành, một nông dân tại huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam cho biết, trên địa bàn huyện hiện có dự án quy hoạch với diện tích bị ảnh hưởng lên tới 600 ha tại địa bàn 3 xã, chủ yếu là đất đồi, đất rừng. Theo đó diện tích đất này sẽ được triển khai một số dự án như nhà máy nhiệt điện, nhà máy thép, chuỗi đô thị, khu vui chơi giải trí như sân golf... Quy hoạch này được thông báo đến người dân vào cuối năm 2013 nhưng đến nay vẫn mới chỉ dừng lại ở việc công bố quy hoạch, tình trạng này theo bình luận của ông Thành là “nửa treo nửa không”. Vì vậy mà suốt hơn một năm qua mọi thứ gần như “bế quan tỏa cảng”, người dân bị chính quyền ngăn cấm các hoạt động như xây các công trình vững chãi, xây trang trại, trồng cây lâu năm... để “giữ nguyên hiện trạng”. Điều này ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân. Người dân bức xúc vì không được thực hiện các hoạt động kinh tế của họ.

Như vậy, dù Luật đã có quy định để bảo đảm quyền cho người dân khi đất của họ đã lỡ bị nằm trong quy hoạch, nhưng thực tế thì trong nhiều trường hợp, quyền của người dân chỉ là quyền “trên giấy”.

Bình luận về những bất cập trong quy hoạch, GS.TS Đặng Hùng Võ cho rằng, quy hoạch của Việt Nam là “quy hoạch theo sự lãng mạn của cán bộ”. Hình ảnh lãng mạn được ông Võ giải thích, người tiền nhiệm cho rằng phải làm như thế này mới đẹp, còn cán bộ nhiệm kỳ sau lại cho rằng phải làm thế kia, “nhưng ai bỏ tiền ra làm cho nó đẹp thì lại không có, cho nên quy hoạch xong thì treo để đấy. Mà cứ dính đến quy hoạch là ngân hàng sẽ ‘lè’ ra ngay lập tức, như vậy là tự mình làm hại mình”.

Lãng phí trong quy hoạch hạ tầng khung

Liên quan đến vấn đề quy hoạch, thời gian qua việc quy hoạch hạ tầng khung cũng được xem là còn tràn lan, khi tỉnh nào quy hoạch cũng có cảng, có sân bay, gây ra tình trạng lãng phí nguồn lực xã hội.

Đơn cử như khu vực miền Trung giữa TP. Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi, cả 3 địa phương này đều có vị trí liền kề và cả 3 tỉnh đều có nhiều cảng biển (Đà Nẵng có 1, Quảng Nam có 2 và Quảng Ngãi cũng có 2 cảng biển), chưa kể các cảng nhỏ. Hiện nay Đà Nẵng có sân bay, Quảng Nam cũng có sân bay (sân bay Chu Lai đang được nghiên cứu để quy hoạch thành cảng trung chuyển hàng không quốc tế). Đặc biệt, khu vực này có 2 khu kinh tế nối liền là Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) và Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), điều này vô hình trung là tại một khu vực có bán kính trong vòng 60km lại có quá nhiều hạ tầng khung, chưa kể hiện nay 2 khu kinh tế Chu Lai và Dung Quất đang cạnh tranh về đầu tư cơ sở hạ tầng và quy hoạch các khu công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư.

“Ngoài ra, tính đồng bộ giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng chưa thể hiện tính thống nhất và đề cập trong luật. Công tác quy hoạch sử dụng đất thiên về sắp xếp các loại đất theo mục tiêu quản lý hành chính, chưa tính toán đầy đủ về hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường, đặc điểm vùng miền...”, ông Nguyễn Văn Diệu, Hội Liên hiệp KHKT Quảng Nam nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Văn Diệu cho rằng, về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cần nêu thêm yêu cầu quy hoạch phải gắn với hiện trạng cơ sở hạ tầng nền đã có và vị trí quy hoạch hạ tầng khung (sân bay, cảng biển) của các vùng miền có địa lý liền kề để tận dụng lẫn nhau, tránh tình trạng lãng phí trong quy hoạch hạ tầng.

Về những bất cập trong quá trình thực hiện Luật Đất đai 2013, ông Đào Trung Chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho rằng, những vướng mắc của các địa phương có thể là vì chúng ta mới triển khai Luật Đất đai mới với hệ thống nghị định, thông tư mới, vì thế cần phải có thời gian để luật đi vào cuộc sống. Hiện nay Bộ TN&MT đã chỉ đạo Tổng cục Đất đai tiếp thu các ý kiến của địa phương, thực hiện sơ kết thi hành Luật Đất đai mới, trên cơ sở đó mới tìm ra được đâu là vấn đề thực sự vướng, cần tháo gỡ. Bộ cũng đã kiến nghị Chính phủ tổng kết, sơ kết thi hành luật. Nếu có vướng mắc sẽ đưa vào một nghị định mới để giải quyết.

Hoài Anh (Báo Hải Quan)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.