Tại buổi họp về tổng quan thị trường bất động sản và giải pháp tháo gỡ khó khăn do BIDV tổ chức chiều 21/01, ông Nguyễn Mạnh, Hàm phó tổng giám đốc, Giám đốc trung tâm nghiên cứu BIDV cho rằng, hiện giao dịch thị trường bất động sản chủ yếu diễn ra tại các căn hộ có giá bình dân khoảng 15 triệu đồng mỗi m2 và dự án đang dần hoàn thiện. Trong khi đó, nhà liền kề, biệt thự vẫn gặp khó khăn.
Lãnh đạo BIDV đánh giá, giá bất động sản vẫn ở mức cao, vượt khả năng thanh toán của nhiều đối tượng do hiện tượng đầu cơ đẩy giá trong thời gian dài. Thị trường bất động sản tồn tại nhiều chi phí chìm như chi phí “chạy” dự án, phí “bôi trơn” trong cấp phép, thông tin thị trường không minh bạch dẫn đến cầu ảo và phí trung gian cao.
Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, thu nhập của công nhân, cán bộ công nhân viên chức ở mức thấp, trung bình đạt 3,6-4,5 triệu đồng mỗi tháng, trong đó tích luỹ nhà ở chỉ chiếm khoảng 11% mức thu nhập. Thực tế, giá nhà trung bình ở Việt Nam cao hơn 25 lần so với thu nhập của người lao động, trong khi con số này ở châu Âu chỉ khoảng 7 lần, Thái Lan là 6,3 và Singapore chỉ 5,2 lần.
“Với mỗi căn nhà trị giá khoảng 400-500 triệu đồng, người lao động tích luỹ trong 10-20 năm cũng khó mua được. Đây là khúc mắc lớn nhất”, ông Mạnh lo ngại.
Thứ trưởng Xây dựng cho biết giá nhà dưới 20 triệu đồng mỗi m2 phù hợp với nhu cầu của người dân.
Trong khi đó, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, giá nhà đất ở vùng ven đã giảm sâu, thậm chí có trường hợp dự án phải bán lỗ để phù hợp với nhu cầu của người mua.
Theo Thứ trưởng Xây dựng, thị trường bất động sản đang ấm dần thông qua mức thanh khoản của thị trường tăng lên. Thứ trưởng Nam dẫn chứng, năm 2013, Hà Nội có 6.350 giao dịch thành công. Trong đó, quý I có 800 giao dịch, quý II tăng lên 1.050 giao dịch. Tại quý III và IV, con số này lần lượt là 1.800 và 3.000 giao dịch. Ở TP HCM, lượng giao dịch cũng tăng lên.
“Chúng ta không mong thị trường bất động sản sốt nóng lên ngay. Nhưng thực tế, thị trường đã lạc quan hơn”, ông Nam chia sẻ.
Tính đến cuối tháng 10/2013, dư nợ trong lĩnh vực bất động sản đã lên tới 260.000 tỷ, tăng hơn 14% so với năm 2012, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân toàn hệ thống khoảng 6,48%. Thứ trưởng Nam đánh giá, dòng tiền từ ngân hàng, người dân đã quay trở lại bất động sản.
Lý giải sự ấm lên của địa ốc, thứ trưởng Nam nói: “Thông tư 02 đã đánh trúng huyệt thị trường bất động sản. Nhiều dự án xin chuyển đổi cơ cấu để giá nhà phù hợp với người dân”.
Dẫn lời các tổ chức nước ngoài, Thứ trưởng Xây dựng cho hay, doanh nghiệp phải có 30% lợi nhuận mới dám đầu tư do bất động sản là lĩnh vực có nhiều rủi ro. Bởi vậy, giá nhà dưới 20 triệu đồng là phù hợp để người dân có thể tiếp cận. Theo ông Nam, để mọi người dân có nhà, ngoài việc Chính phủ tìm cách nâng cao thu nhập của người dân, mỗi hộ gia đình phải có ý thức tiết kiệm.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, tồn kho bất động sản giảm nhưng vẫn ở mức cao. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến 15/12/2013 tổng giá trị tồn kho gần 95.000 tỷ đồng, giảm 26,5% so với quý I/2013, tập trung chủ yếu ở phân khúc căn hộ vừa và nhỏ. Trong đó Hà Nội tồn 6.580 căn chung cư và thấp tầng, tương đương với 12.900 tỷ đồng. Giá trị tồn kho ở phân khúc chung cư và đất nền tại TP HCM lên tới hơn 17.400 tỷ đồng.
Để phá băng thị trường bất động sản, bà Hoàng Thị Tư, đại diện Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần phải quyết liệt giảm hàng tồn kho hơn nữa. “Thà đau một lần còn hơn dai dẳng mãi, mấu chốt vấn đề là phải đẩy nhanh hàng tồn kho, thậm chí doanh nghiệp phải chấp nhận lỗ”, bà Tư bày tỏ.
Còn ông Nguyễn Mạnh đề xuất, doanh nghiệp phải tiếp tục tái cơ cấu hàng hoá, giảm giá bán nhằm khôi phục lại niềm tin của thị trường. Các ngân hàng thương mại cần xem xét khoanh nợ từ 1 đến 3 năm đối với một số dự án khó khăn để chờ thị trường phát triển tốt thì tiếp tục triển khai.