Theo Bộ GTVT, trong giai đoạn 2011-2015, nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông vận tải khoảng 559 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) khẳng định, nguồn vốn ngân sách sẽ không thể đáp ứng đủ nhu cầu trên. Dự kiến, ngân sách chỉ bố trí đáp ứng khoảng 260 nghìn tỷ đồng (45%).
Cần nguồn vốn lớn

Việc thu hút các nguồn vốn xã hội đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông hiện còn gặp nhiều rào cản. Ảnh: Đàm Duy

Trong bối cảnh cả nước đang cắt giảm đầu tư công để kiềm chế lạm phát, ổn định an sinh xã hội, bài toán về vốn càng trở nên khó khăn. Việc thu hút các nguồn vốn xã hội đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông càng trở nên cấp thiết. Theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư, huy động nguồn vốn ngoài ngân sách thông qua các hình thức BOT (xây dựng, kinh doanh, chuyển giao), BTO (xây dựng - chuyển giao- kinh doanh), BT (xây dựng, chuyển giao), PPP (hợp tác công - tư… để triển khai các dự án quan trọng là đặc biệt cần thiết. Vụ này chỉ rõ, theo kinh nghiệm của các nước, nếu chỉ trông chờ nguồn vốn ngân sách thì hầu như không quốc gia nào có thể đáp ứng đủ nhu cầu phát triển giao thông.

Thực tế thời gian qua, cả nước đã thực hiện nhiều dự án sử dụng vốn xã hội hóa thông qua hai hình thức phổ biến là BOT và BT. Với các địa phương, do có quỹ đất để thu hút vốn theo dạng đổi đất lấy hạ tầng, hình thức BT được thực hiện khá phổ biến và có nhiều thuận lợi. Về phía mình, Bộ GTVT đã và đang triển khai 29 dự án theo phương thức BOT với tổng mức đầu tư khoảng 138.809 tỷ đồng. Bộ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền trực tiếp quản lý 7 dự án, chủ yếu là dự án lớn với tổng mức đầu tư 94.660 tỷ đồng, trong đó 1 dự án với mức đầu tư 397 tỷ đồng đã hoàn thành. Tổng cục Đường bộ Việt Nam là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý 22 dự án với tổng mức đầu tư 44.149 tỷ đồng, trong đó 6 dự án đã hoàn thành, 10 dự án đang thi công và 6 dự án đang chuẩn bị đầu tư. Vụ Kế hoạch- Đầu tư cho biết thêm, ngoài ra, còn 5 dự án trên các tuyến quốc lộ do địa phương là cơ quan nhà nước quản lý có thẩm quyền có tổng số vốn khoảng 6.215 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức BT.

Hút vốn bằng cách nào?

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng, thời gian qua, các dự án BOT chiếm khoảng 25% tổng mức giải ngân của toàn ngành, nhưng số dự án phải nhận sự hỗ trợ từ ngân sách còn cao, thậm chí có dự án BOT có nguồn gốc từ ngân sách. Nhìn chung, các dự án BOT của ngành đều là những dự án nhỏ và dự án nhỏ mới thành công. Điểm hạn chế thu hút vốn cho các dự án BOT giao thông là mức thu phí ở nước ta thấp hơn so với mặt bằng của khu vực và thế giới, trong khi giá thành xây dựng tương đương. Việc tăng mức thu phí không hề đơn giản bởi thu nhập bình quân đầu người còn thấp và nếu tăng sẽ tăng chi phí lưu thông. Bên cạnh đó, lượng ô tô tính trên đầu người ở nước ta cũng thấp nên doanh thu không cao. Những khó khăn nói trên khiến doanh thu thu phí không thể bù chi phí, đặc biệt là những công trình có tổng mức đầu tư lớn, nếu chỉ dựa vào khai thác công trình để thu phí hoàn vốn là không thể. Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên cho biết, với hình thức BTO, các dự án lớn nhóm A triển khai rất khó khăn và kém hiệu quả do khó huy động vốn, thời gian hoàn vốn dài, kéo theo nhiều rủi ro, công tác GPMB kéo dài cũng tăng chi phí… nên không hấp dẫn các tổ chức tài chính đầu tư cho công trình giao thông.

Theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư, các dự án BT hoàn vốn bằng quỹ đất được triển khai thuận lợi và khá thành công ở các đô thị lớn nhờ thị trường bất động sản phát triển tốt và hầu hết do địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các dự án BOT, như đã phân tích, không có sức hấp dẫn bằng các dự án BT và gặp nhiều khó khăn, trong đó đáng kể là thủ tục pháp lý. Một số nội dung ban hành tại Nghị định 108/2009/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức BOT, BTO, BT chưa phù hợp với thực tế, chưa rõ và chưa hợp lý. Thông tư hướng dẫn đấu thầu ban hành chậm, nên các dự án đều chỉ định thầu; nhiều quy định quá trình vận hành khai thác không rõ hoặc chưa có quy định… Ngay cả việc thay đổi, chuyển tiếp từ Nghị định 78/2007/ NĐ-CP sang Nghị định 108/2009/NĐ-CP với cùng nội dung cũng gây ra vướng mắc cho các dự án…

Trước thực tế khó khăn hiện nay, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan sớm có hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, thuận lợi, hấp dẫn nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Bộ Kế hoạch - Đầu tư sớm ban hành thông tư hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức BOT, BT, BTO. Bộ Tài chính sớm ban hành thông tư hướng dẫn chỉ tiêu tài chính với các dự án BOT, BTO và BT; đồng thời điều chỉnh Thông tư 90/2004/TT-BTC, đưa ra mức phí mới phù hợp với biến động giá trong thời điểm hiện tại...

Cafeland.vn - Theo Hà Nội mới
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland