Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng - Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng thủ đô vẫn con nhiều hạn chế bất cập.

Nhiều bất cập

Sáng ngày 6/9, tại Vĩnh Phúc đã tổ chức hội nghị ban chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng thủ đô.

Từ ngày 05/5/2008 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đó, Vùng Thủ đô Hà Nội gồm có 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là: Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Hoà Bình với đô thị trung tâm là Thủ đô Hà Nội.

Ngày 29/5/2008 Quốc hội khóa XII thông qua Nghị quyết mở rộng Thủ đô Hà Nội với tổng diện tích 3.444 km2. Để đảm bảo sự phát triển tương xứng trong Vùng sau khi đô thị trung tâm là Thủ đô Hà Nội được mở rộng, Vùng Thủ đô được mở rộng thêm 3 tỉnh mới là: Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang, với tổng diện tích toàn Vùng là 24.315 km2, quy mô dân số xấp xỉ 17,5 triệu người (năm 2012), chiếm 19,1% dân số cả nước.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị Ban chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng thủ đô sáng ngày 6/9 tại Vĩnh Phúc

Tổng kết 10 năm hoạt động của ban chỉ đạo và 5 năm thực hiện quy hoạch xây dựng vùng thủ đô đã đạt đuợc nhiều kết quả quan trọng từ tăng truởng kinh tế, phát triển đô thị đến nâng cao hệ thống hạ tầng kỹ thuật xã hội, nhà ở…

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Bộ truởng chỉ rõ: việc cụ thể hóa Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô còn chậm, còn thiếu nhiều quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; chất lượng một số đồ án quy hoạch còn hạn chế, thiếu tính đồng bộ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch ngành và các chiến lược phát triển cấp vùng, cấp quốc gia; việc điều chỉnh quy hoạch còn khá phổ biến, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế, đầu tư.

Công tác quản lý phát triển đô thị, khu công nghiệp cũng còn nhiều bất cập, mặc dù phát triển nhanh về quy mô nhưng còn thiếu đồng bộ, nhất là hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Mô hình phát triển đô thị, khu công nghiệp hiện còn thiếu tính bền vững.

Vấn đề nhà ở xã hội cũng đuợc Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh dù đã đạt được nhiều kết quả, nhưng ở nhiều địa phương mới chỉ chú trọng phát triển nhà ở thương mại, chưa quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở xã hội.

Nhìn nhận từ thực tế phát triển đại diện các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình cũng nêu lên nhiều ý kiến đề xuất để tạo sự kết nối đồng bộ trong quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng thủ đô. Bên cạnh đó là nhiều ý kiến tham luận của các bộ ngành và chuyên gia đưa thêm nhiều góc nhìn đa chiều trong việc phân vùng và quản lý vùng quy hoạch đạt hiệu quả trong thời gian tới.

Quy hoạch đầu to

Trên cơ sở nhìn nhận những thực tế còn tại tại, phân tích và chỉ ra nguyên nhân những bất cập trong thời gian qua trong hoạt động quy hoạch và đầu tư vùng thủ đô, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, thời gian tới, ban chỉ đạo sẽ tập trung vào 8 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó tập trung nghiên cứu, sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án. Điều chỉnh quy hoạch vùng Thủ đô để khai thác tối đa các yếu tố tiềm năng, lợi thế phát triển của Vùng, đồng thời sớm cụ thể hóa Quy hoạch Vùng Thủ đô. Trong tổ chức thực hiện, cần ưu tiên đầu tư các dự án quan trọng cấp vùng, khắc phục tình trạng manh mún, tự phát, phong trào, thiếu quy hoạch trong phát triển đô thị, khu công nghiệp, gây lãng phí nguồn lực như thời gian qua.

Quy hoạch sẽ bị đầu to khi tập trung hết vào Hà Nội mà không thể phát triển theo hướng lan tỏa

Chủ trì hội nghị, thông qua báo cáo của ban chỉ đạo và những tham luận đóng góp của địa phương các bộ ngành, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng thời gian qua hoạt động của ban chỉ đạo chưa được như mong muốn. Theo phó thủ tướng trong việc điều hành quản lý quy hoạch và đầu tư vùng thủ đô trong thời gian tới nên thành lập ban điều phối, hội đồng điều phối hay giữ nguyên ban chỉ đạo như hiện nay?

Bên cạnh đó Phó thủ tướng cũng chỉ ra nhiều bất cập còn tồn tại trong quy hoạch vùng. Tốc độ đô thị hóa thì nhanh nhưng còn thiếu bền vững. Khu kinh tế hạt nhân tạo sức lan tỏa còn rất mờ nhạt điều này khiến quy hoạch sẽ bị đầu to khi tập trung hết vào Hà Nội mà không thể phát triển theo hướng lan tỏa. Nhận định về việc kết nối giao thông phó thủ tướng cho rằng đưa các địa phương vào vùng quy hoạch nhưng không có kết nối giao thông thì không bao giờ tạo được sự lan tỏa.

Trên cơ sở ghi nhận kết quả tại hội nghị ban chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện việc lập, thẩm định, trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt đồ án Điều chỉnh quy hoạch vùng thủ đô vào cuối năm nay.

Hồng Khanh (VietNamNet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.