Trên cơ sở khung giá, sẽ hình thành bảng giá đất tại các địa phương, nhưng bảng giá sẽ được giữ nguyên trong 5 năm, thay vì thay đổi hàng năm như hiện nay.
Thông tin này được ông Bùi Sĩ Dũng, Vụ phó Vụ Pháp chế thuộc Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi đến cộng đồng doanh nghiệp trong buổi đối thoại mới đây.
Cụ thể, theo ông Dũng, luật sẽ vẫn quy định về khung giá đất và khung giá này sẽ do Chính phủ quy định. Khung giá đất sẽ được chi tiết hóa đến từng tỉnh, có giá đất cho các vùng giáp ranh.
Việc quy định khung giá cho vùng giáp ranh là để khắc phục tình trạng chênh lệnh quá lớn giữa giá đất tại hai khu vực giáp ranh, như trường hợp Hà Nội và Hưng Yên, Vĩnh Phúc hay Hà Tây trước đây. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trực tiếp xây dựng khung giá đất này để áp dụng cho cả nước.
Trên thực tế, giá đất tại vùng giáp ranh lâu nay có sự chênh lệch từ 5-15 lần và theo ông Dũng, đó là nguyên nhân của nhiều vụ khiếu kiện, tranh chấp kéo dài.
Trên cơ sở khung giá, sẽ hình thành bảng giá đất tại các địa phương, nhưng bảng giá sẽ được giữ nguyên trong 5 năm, thay vì thay đổi hàng năm như hiện nay.
Tuy nhiên, trong vấn đề khung giá, bảng giá đất sẽ có thay đổi rất quan trọng. Nếu như trong Luật Đất đai 2003 quy định rằng giá đất sẽ được xác định “sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường”, thì trong luật mới sẽ là “sát với giá thị trường có sự quản lý của nhà nước”.
Sự điều chỉnh này, theo ông Dũng, là để Nhà nước thực sự nắm quyền định giá đất, tức là “xác lập lại quyền sở hữu đất thực sự”.
Đối với vấn đề giao đất, ông Dũng cho biết chính sách giao đất hiện nay có lỗ hổng là khi giao đất cho các nhà đầu tư, một số địa phương không thu ngay tiền sử dụng đất. Đến khi nhà đầu tư hoàn thiện sản phẩm nhà ở bán cho khách hàng thì khách hàng phải đứng ra đóng khoản tiền này.
Tình trạng này xảy ra khá phổ biến tại TP. HCM, gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Do đó, tới đây sẽ nhất quán nguyên tắc khi giao đất sẽ thu tiền sử dụng đất ngay.
Trong một diễn biến liên quan, thông báo của hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI vừa bế mạc đầu tuần này cho biết Ban chấp hành Trung ương đã thảo luận, cho ý kiến về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thông báo cho biết sẽ tiếp tục đổi mới và hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai tập trung cho các vấn đề: quy hoạch sử dụng đất; về giao đất, cho thuê đất; về thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, về đăng ký đất đai và cấp giấy chứng nhận; về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được giao quyền sử dụng đất; về phát triển thị trường bất động sản; về chính sách tài chính về đất đai; về giá đất…
-
3 yếu tố xác lập giá trị bất động sản
Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai đang được dư luận quan tâm, trong đó có các quy định về giá đất. Nhân dịp này, Báo ĐTCK đã trao đổi với ông Trần Như Trung, Phó giám đốc Savills Hà Nội, để gợi mở về một góc nhìn mới khi xác định giá trị bất động sản.
-
Vấn đề đất đai, nhất là giá đất ngày càng căng thẳng, phức tạp đã được Hội nghị Trung ương 5, Khóa XI bàn và kết luận từng bước. Hội nghị Trung ương 6 tiếp tục tập trung thảo luận kỹ đi đến thống nhất ban hành Nghị quyết định hướng cho sửa đổi Luật Đất đai, trong đó đáng quan tâm nhất là quy định về giá đất. Nếu Luật này không tồn tại nhiều bất cập, nhiều vấn đề chưa được giải quyết tận gốc, thì tình trạng khiếu nại, khiếu kiện đã không bức xúc, gay gắt, kéo dài như hiện nay.