Nguyên nhân lớn nhất là bởi, với quy định này, số tiền phải đóng cao
hơn quá nhiều so với quy định cũ. Nên với nhiều hộ có phần đất vượt hạn
mức lớn, hoặc không đủ khả năng tài chính để làm thủ tục hợp pháp hóa
hoặc có tiền nhưng không muốn đóng vì chưa có mục đích sang nhượng, tách
thửa... nên chẳng vội gì.
Nguyên nhân thứ 2 là thủ tục nhiêu khê, mất nhiều thời gian. Theo quy
trình thì phải mất vài tháng (xác định giá đất theo giá thị trường phải
có chứng thư thẩm định. Chỉ riêng việc này đã mất 3 - 6 tháng). Thậm
chí nếu có trục trặc có thể kéo dài cả năm mới tính ra được số tiền phải
đóng khiến người dân ngán ngẩm. Đó là chưa kể, với những hộ chỉ có vài
m2 đất ngoài hạn mức nhưng vẫn phải thực hiện đầy đủ các bước nói trên
nên cũng... lười. Vừa mất thời gian công sức, mất tiền đóng thuế, lại
còn tốn thêm chi phí thẩm định là lý do không ít người trước đó sốt
ruột, muốn hoàn thiện hồ sơ cho yên tâm thì nay lại có tâm lý "từ từ
tính".
Nhưng sự thờ ơ của người dân đối với việc đóng tiền sử dụng đất ngoài
hạn mức mới chỉ là khởi đầu cho hàng loạt hệ lụy phía sau. Đầu tiên là
không khuyến khích người dân hợp pháp hóa nhà, đất, dẫn đến gây thất
thu cho ngân sách cũng như gây khó khăn trong việc quản lý, điều hành
của cơ quan quản lý trong lĩnh vực này. Với những trường hợp buộc phải
hợp pháp hóa thì chính sách "tận thu" và phiền toái như nói trên cũng sẽ
khiến họ tìm mọi cách để "lách". Vô hình trung, tạo ra những giá trị
nhà, đất không thực tế, gây rối loạn thị trường. Những giao dịch chui,
"đi đêm", bắt tay nhau giữa cơ quan thẩm định và chủ đất để giảm thuế...
sẽ nảy sinh. Như vậy, người dân mất tiền, thuế thất thu và chỉ có người
thứ 3 hưởng lợi.
Một hệ lụy nữa là giá nhà đất sẽ đội lên do người bán chắc chắn sẽ cộng thêm những khoản tiền phải đóng khi sang nhượng. Việc này không chỉ đi ngược với chủ trương kéo giá nhà, đất xuống mức hợp lý mà chúng ta đã và vẫn đang tiếp tục thực hiện mà còn góp phần đẩy thị trường bất động sản ngập sâu vào tình trạng đình trệ hiện nay.
Thực ra thì tất cả những hệ lụy này đều đã được giới chuyên gia, doanh nghiệp bất động sản và đối tượng thụ hưởng là người dân lên tiếng cảnh báo. Tuy nhiên, cả cơ quan soạn thảo và ban hành đều bỏ ngoài tai. Kết quả là một quy định có ảnh hưởng lớn đến người dân, đến xã hội nhưng vừa có hiệu lực đã không đạt hiệu quả. Đây không chỉ là sự thất bại của một quy định, một chính sách mà còn là thất bại của cơ quan quản lý khi phải đối mặt với việc phải giải quyết hàng loạt các hệ lụy phát sinh từ quy định thiếu thực tế này.