Ngày 13-8, tại TP.Hồ Chí Minh, Tổng cục Quản lý đất đai đã tổ chức hội thảo về giá đất nhằm lấy ý kiến về những nội dung đề xuất đổi mới về định giá đất và khung giá đất.
Những bất cập hiện nay trong chính sách pháp luật về giá đất cho thấy việc định giá đất chưa định lượng được thế nào là sát với "giá thị trường”, chưa làm rõ được thế nào là giá "trong điều kiện bình thường”. Bảng giá đất tại nhiều địa phương chỉ bằng khoảng 30-60% giá đất thị trường, gây thiệt thòi cho người dân khi bị thu hồi đất và thiệt hại cho ngân sách nhà nước khi cơ chế UBND các tỉnh phải thỏa thuận với nhau về giá đất tại khu vực giáp ranh không khả thi trong thực tế. Ông Bùi Ngọc Tuân - Cục trưởng Cục Kinh tế và phát triển quỹ đất cho rằng, thực tế cho thấy chưa có một tỉnh nào khi ban hành giá đất có tham khảo ý kiến của tỉnh lân cận, nên tình trạng chênh lệch giá rất lớn giữa vùng đất giáp ranh là điều bất hợp lý cần được tháo gỡ. Bất cập khác là định giá đất có hành lang pháp lý nhưng chưa đầy đủ dẫn đến việc mỗi địa phương làm một kiểu, đối với đơn vị định giá thì các DN lại định giá khác nhau... Ngoài ra khung giá đất của Trung ương luôn không theo kịp biến động của thị trường có nơi khung giá đất chỉ bằng 20% giá thị trường. Mặt khác, khung giá đất chỉ quy định theo 3 vùng đồng bằng, trung du, miền núi nên biên độ giữa giá đất tối đa và tối thiểu có khoảng cách rất lớn, từ 1,5 triệu đồng đến 81 triệu đồng/m2 đối với đất ở tại đô thị loại đặc biệt.
Giải pháp cho những bất cập về khung giá đất, theo đề xuất của Tổng cục Quản lý đất đai, khung giá đất sẽ được Chính phủ ban hành định kỳ 5 năm 1 lần, quy định chi tiết đến 8 vùng kinh tế, trong mỗi vùng kinh tế lại quy định khung giá theo các vùng đồng bằng, trung du, miền núi, các loại đô thị với 12 khung giá cho các loại đất trồng lúa, trồng cây lâu năm, đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị loại đặc biệt.... Đối với đất giáp ranh thì đất nông nghiệp mức chênh lệch giá đất không quá 30%, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp chênh lệch không quá 50%. Khu vực đất giáp ranh đối với đất nông nghiệp được xác định từ địa giới hành chính giữa các tỉnh vào sâu địa phận mỗi tỉnh 500m, đối với đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp xác định từ địa giới hành chính giữa các tỉnh vào sâu địa phận mỗi tỉnh 300m. Về nguyên tắc định giá đất do Nhà nước quy định theo Tổng cục Quản lý đất đai phải bảo đảm các nguyên tắc: theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm định giá; Theo thời hạn sử dụng đất ( khắc phục bất cập hiện nay là đất có thời hạn sử dụng khác nhau nhưng đền bù như nhau); Phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng, đấu giá quyền sử dụng đất thành công hoặc phù hợp với thu nhập từ việc sử dụng đất đối với trường hợp xác định được thu nhập; Cùng một thời điểm các thửa đất liền kề nhau có cùng mục đích sử dụng, điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, khả năng sinh lợi, thu nhập từ việc sử dụng đất tương tự như nhau thì có mức giá như nhau.
Góp ý tại hội thảo, TS Nguyễn Văn Thọ- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thông tin và thẩm định giá Miền Nam đồng ý việc khung giá đất càng chi tiết thì càng gần với giá thị trường hơn, thời gian của khung giá đất là 5 năm cũng hợp lý. Tuy nhiên, có bất hợp lý là một mặt Chính phủ yêu cầu địa phương phải định sát giá thị trường nhưng lại phải nằm trong khung, trong khi giá đất ở TP. Hồ Chí Minh giao dịch có khi gấp cả chục lần so với mức quy định 81 triệu đồng/m2. Vì thế khung giá đất chỉ áp dụng cho các khu vực, trừ TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng.... những đô thị có giá đất rất cao thì cần có quy định riêng
Bảo Hạnh (Đại Đoàn Kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.