Tòa nhà tái định cư này (ngõ 16, Tạ Quang Bửu, Hà Nội) 10 năm vẫn chưa đưa vào sử dụng. Ảnh: Như Ý.
Doanh nghiệp không mặn mà
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, năm 2015, UBND TP Hà Nội cần 25.000 căn hộ TĐC. Hiện tại, TP Hà Nội đang có 144 dự án chung cư TĐC với tổng quỹ đất khoảng 1.153 ha. Trong đó, 42 dự án với tổng quỹ đất khoảng 167ha đang được triển khai xây dựng. Tuy nhiên, tiến độ rất chậm. Vì vậy, Hà Nội mới có khoảng 14.000 căn hộ TĐC. Như vậy đến năm 2015, thành phố cần thêm khoảng 11.000 căn hộ.
Nhà TĐC thiếu, trong khi Hà Nội đang tồn kho một lượng lớn chung cư thương mại. Tính đến tháng 12/2013, Hà Nội vẫn còn tồn hơn 6.060 căn hộ chung cư thương mại. Để cân đối nguồn cung - cầu căn hộ chung cư trên thị trường, từ tháng 4/2013, Hà Nội chủ trương mua lại quỹ nhà thương mại để chuyển sang nhà TĐC và giao Sở Xây dựng làm đầu mối thực hiện.
Nguyên tắc chuyển đổi nhà thương mại sang TĐC là: Đối với dự án đang trong giai đoạn xây dựng, thành phố sẽ rà soát, điều chỉnh lại cơ cấu diện tích căn hộ lớn hơn 90m2 cho phù hợp nhu cầu, và khả năng tài chính của đối tượng mua TĐC; phần còn lại sẽ được lấy từ quỹ nhà 30% và 50% của các dự án khu đô thị, khu nhà ở. Chi phí mua nhà TĐC sẽ được ứng trước từ kinh phí giải phóng mặt bằng.“Nhiều người dân thờ ơ với nhà TĐC, không thiết tha nhận nhà. Lý do là những khu nhà TĐC xuống cấp nhanh chóng, hạ tầng kỹ thuật liên tục hỏng hóc, thiếu đồng bộ. Hà Nội vừa thiếu và yếu trong thực hiện quỹ nhà TĐC”.
Bà Vũ Thị Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị
Sau khi lãnh đạo thành phố đồng ý chủ trương trên, Sở Xây dựng Hà Nội đã gửi văn bản đến hầu hết chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, đề nghị đăng ký chuyển đổi dự án thành nhà TĐC bán cho thành phố, kèm theo giá bán. Theo một lãnh đạo Phòng Quản lý dự án (Sở Xây dựng Hà Nội), thành phố chưa mua lại bất kỳ dự án nhà ở thương mại nào để làm TĐC.
Một giám đốc công ty địa ốc tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: “Dù chuyển đổi sang nhà TĐC sẽ được bù tiền đất, thuế... nhưng doanh nghiệp không mặn mà, vì bên bán muốn bán giá cao, còn bên mua muốn mua giá thấp. Lợi ích giữa chủ đầu tư và nhà nước không hài hòa nên doanh nghiệp không tham gia. Ngoài ra, đa phần những dự án tồn kho diện tích lớn, trong khi nhà TĐC cần diện tích nhỏ nên không phù hợp”.
Bà Lê Thị Kim Yến, Giám đốc Ban Quản lý dự án số 2 (Cty CP Kinh doanh Phát triển nhà và Đô thị Hà Nội - chủ đầu tư dự án TĐC CT4 Mễ Trì, Hà Nội), cho biết: “Dự án TĐC được xây dựng trước năm 2008. Thời điểm đó, giá xây dựng khoảng 5 triệu đồng/m2. Dự án gặp khó khăn về tài chính nên kéo dài nhiều năm. Do trượt giá, nguyên vật liệu tăng cao khiến giá thành xây dựng trên 10 triệu đồng/m2”.
“Không khuyến khích người dân về ở”
Trong khi việc chuyển đổi từ nhà thương mại sang TĐC gặp bế tắc thì cơ quan chức năng lại cho phép nhiều dự án chuyển đổi ngược lại. Ông Nguyễn Trọng Hiền, Trưởng Phòng Quản lý nhà và Kinh doanh bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, trước đây, do doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp khó khăn về đầu ra, thành phố cho phép chuyển đổi từ nhà thương mại sang TĐC. “Không có chuyện từ nhà TĐC sang nhà thương mại. Cái này đi ngược lại với mục tiêu tăng quỹ nhà TĐC của thành phố”, ông Hiền nói.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội từng thừa nhận, hầu hết các dự án TĐC đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc chấp thuận quy hoạch kiến trúc nhưng triển khai rất chậm. Một số dự án được phê duyệt đầu tư xây dựng nhà ở TĐC, nhưng sau đó lại chuyển đổi mục đích xây dựng.
Ngoài việc thiếu hụt nhà TĐC do chuyển đổi, bà Vũ Thị Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho rằng, chất lượng nhà TĐC đang có vấn đề nên không khuyến khích người dân về ở. Theo bà Vinh, về lý thuyết, các khu TĐC phải là một đơn vị ở hoàn chỉnh đầy đủ cả về thương mại, giáo dục, dịch vụ, hạ tầng.
Tuy nhiên, trên thực tế, hầu như không có dự án TĐC nào đáp ứng đầy đủ được các điều kiện trên. Việc bố trí khu TĐC xa nơi cư trú cũ còn khiến người dân bị tách xa địa bàn mưu sinh, họ không có việc làm, không còn nguồn thu nhập. Điều này dẫn đến hệ quả là chất lượng sống của người dân sau TĐC thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung, nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh.
Nguyên nhân của tình trạng trên là lâu nay, các khu nhà TĐC xây theo cơ chế bao cấp. Khi xây xong, dù chất lượng thế nào cũng được nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Ngoài ra, hầu hết các khu nhà TĐC không có chủ quản lý đích thực sau khi đưa vào sử dụng. Chủ đầu tư chỉ xây dựng công trình, sau đó bàn giao cho Cty Quản lý và Phát triển nhà quản lý, vận hành. Như vậy, chủ đầu tư gần như không còn trách nhiệm trong việc bảo đảm chất lượng công trình trong suốt quá trình sử dụng.
-
Tin vui cho người lao động thu nhập thấp tại Hà Nội
UBND Hà Nội vừa phê duyệt cập nhật danh mục 72 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị (đợt 4). Trong đó, thành phố bổ sung thêm 8 dự án nhà ở xã hội, tương đương gần 1.600 căn.
-
145.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội không tính vào room tín dụng
Ngân hàng Nhà nước vừa chỉ đạo 9 ngân hàng triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội với hạn mức 145.000 tỷ, không tính vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm và áp dụng đến năm 2030.
-
Xác nhận thu nhập cho lao động tự do muốn mua nhà ở xã hội thế nào?
Tôi là lao động tự do nên không có hợp đồng lao động. Khi tôi ra xã xác nhận điều kiện về thu nhập để đăng ký mua nhà ở xã hội thì xã không xác nhận với lý do, không có cơ sở để chứng minh thu nhập của tôi....