Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Khu kinh tế (KKT) Vân Phong, tổng diện tích 70.000ha mặt đất và 80.000ha mặt nước nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng vùng vịnh Vân Phong (Khánh Hoà) thành một cực phát triển kinh tế ở khu vực Nam Trung Bộ.

Sau 5 năm, Ban quản lý KKT Vân Phong đã tiếp 106 dự án đầu tư với tổng vốn khoảng 11,7 tỉ USD và 50.132 tỉ đồng. Trong thực tế, danh sách đăng ký thì nhiều, nhưng số lượng thực hiện không bao nhiêu và tất cả dự án đang triển khai đều chậm.


 Tất cả các dự án đều chậm!
Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong - dự án triển khai nhanh nhất vẫn chậm gần 2 năm. Ảnh: B.C

Theo phân tích của giới quan sát, sau 4 năm triển khai, Thủ tướng Chính phủ đã 2 lần phê duyệt quy hoạch chung xây dựng phát triển KKT Vân Phong – quy hoạch lần đầu (ngày 11.3.2005) xác định mục tiêu “xây dựng và phát triển KKT Vân Phong trở thành KKT tổng hợp, trong đó cảng trung chuyển container quốc tế giữ vai trò chủ đạo...”, quy hoạch điều chỉnh (ngày 17.12.2009) vẫn giữ nguyên mục tiêu “xây dựng và phát triển KKT Vân Phong trở thành KKT tổng hợp...”, nhưng bên cạnh “cảng trung chuyển container quốc tế” bổ sung thêm “công nghiệp lọc hóa dầu, trung chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ giữ vai trò chủ đạo...”. Ngoài ra, Ban quản lý KKT VP cũng đã vài lần chấp nhận đề nghị điều chỉnh quy hoạch một số phân khu chức năng cho phù hợp với nhu cầu phát triển của nhà đầu tư.

Phó ban Quản lý KKT Vân Phong Hoàng Đình Phi giải thích: “Năm 2005, thời điểm phê duyệt dự án quy hoạch chung xây dựng phát triển KKT Vân Phong đến năm 2020, chưa có nhà đầu tư đăng ký dự án liên quan đến lọc hóa dầu và dầu mỏ. Đầu năm 2009, sau khi Tập đoàn STX (Hàn Quốc) rút lui khỏi Vân Phong vì lý do không thu xếp được nguồn vốn, Petrolimex mới gửi hồ sơ và được Thủ tướng Chính phủ cho phép hợp tác đầu tư dự án xây dựng tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong tại khu vực đã thỏa thuận địa điểm với STX, gồm 297,6ha đất và đất lấn biển, 270ha mặt nước biển. Theo đó, cuối năm 2009, phê duyệt quyết định điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng phát triển KKT Vân Phong đến năm 2030”.

Không phải đợi đến khủng hoảng, tiến độ triển khai các dự án đầu tư ở KKT Vân Phong chậm từ khâu chuẩn bị. Tất cả những dự án quy mô lớn đăng ký vào KKT Vân Phong như Trung tâm Điện lực Vân Phong, căn cứ dịch vụ công nghiệp dầu khí... do chưa phù hợp với quy hoạch (lần đầu) nên phải “xin ý kiến” các bộ, ngành trung ương, rồi mới trình Thủ tướng Chính phủ xem xét; và thường thì “quy trình” thẩm định và xem xét kéo dài “không thời hạn”.

Chậm dây chuyền


Trong số những dự án đã khởi công, cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong giữ vai trò chủ đạo của cả KKT - ngày 30.10.2009 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến dự và phát lệnh khởi công (giai đoạn khởi động), gói thầu xây dựng 2 bến cảng do liên doanh nhà thầu SK E&C - Tổng Công ty XD đường thủy VN cam kết sẽ hoàn thành vào cuối năm 2011, dự kiến đến cuối 2012 sẽ chính thức vận hành; tuy nhiên, đến hết quý I/2011 mới chỉ giải ngân khoảng 5% tổng vốn đầu tư và hiện tại trên công trường vẫn “án binh bất động”. Theo trình bày của chủ đầu tư Vinalines, nguyên nhân tạm dừng là do quá trình thi công phát sinh vấn đề về kỹ thuật, địa chất công trình diễn biến phức tạp, phải khảo sát lại. Thời điểm này, Vinalines đã và đang đề nghị lập phương án điều chỉnh thiết kế, nâng công suất lên gấp đôi để có thể đảm bảo đón tàu trọng tải 12.000 TEU. Tất nhiên, thời gian điều chỉnh dự án... vô hạn, trước nguy cơ tái khủng hoảng, ngay cả “người trong cuộc” cũng chưa biết đến bao giờ mới khởi động lại dự án cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong.

Tổng số 106 dự án đầu tư vào KKT Vân Phong gồm có 24 dự án FDI và 82 dự án trong nước, trong số 38 dự án đã đi vào hoạt động (tổng vốn thực hiện gần 358 triệu USD), có đến 21 dự án hoạt động từ trước khi thành lập KKT. Hiện còn 45 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký tương đương 2,3 tỉ USD, 18 dự án được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký tương đương 11,29 tỉ USD, 5 dự án đang trình cấp có thẩm quyền xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký tương đương 158,4 triệu USD; tiến độ thực hiện của tất cả các dự án đều chậm so với yêu cầu.

Về phía “chủ nhà”, từ thủ tục hành chính đến công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, xây dựng cơ sở hạ tầng... cũng rất chậm; đó là lý do ban Quản lý KKT Vân Phong không thể áp dụng các biện pháp chế tài thu hồi dự án chậm triển khai.

Phó ban Quản lý KKT Vân Phong Hoàng Đình Phi thừa nhận: “Hiện chưa hoàn thành đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, khu phi thuế quan để có thể thu hút các dự án sản xuất, kinh doanh theo quy hoạch đã duyệt. Dự án cấp nước Nam Vân Phong, Bắc Vân Phong chưa được đầu tư, vì vậy hầu như không có nguồn nước phục vụ xây dựng các công trình lớn. Việc giải phóng mặt bằng cũng chỉ mới thực hiện được 1.120ha đất để bàn giao cho nhà đầu tư. Ngoài ra, một số dự án du lịch cũng chưa được phê duyệt quy hoạch 1/2.000 do đồ án quy hoạch phân khu chức năng sân golf chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.

Theo Bảo Chân (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland