Bộ Xây dựng đang hoàn tất các quy định để trình Chính phủ thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở. Khi đó, người nghèo sẽ có cơ hội vay vốn mua nhà
Theo Bộ Xây dựng, đến năm 2015, tại khu vực đô thị trong cả nước cần tới 891,8 triệu m2 nhà ở, khu vực nông thôn cần 1.303,8 triệum2. Thực tế này cho thấy nhu cầu về vốn đầu tư cho nhà ở trong những năm tới là rất lớn, trong khi nguồn lực Nhà nước và doanh nghiệp có hạn, do đó quỹ tiết kiệm nhà ở được xem là một giải pháp.


Đông đảo người dân xếp hàng để hy vọng được mua căn hộ dành cho người thu nhập thấp tại quận Hà Đông, TP Hà Nội

Thiếu vốn trầm trọng
Theo tính toán của Bộ Xây dựng, để giải quyết bài toán nhu cầu về nhà ở như trên, từ nay đến năm 2015, số tiền bỏ ra để đầu tư xây dựng nhà ở là khoảng 2.205.000 tỉ đồng, từ năm 2015 đến 2020, con số này là 1.767.000 tỉ đồng. Do đó, việc tìm kiếm nguồn vốn dành cho phát triển nhà, đặc biệt là nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp, đang là vấn đề được Chính phủ đặt ra và nhiều người rất quan tâm.
Hiện tại, trong các kênh tài chính có khả năng phục vụ nhu cầu này thì ngân hàng được xem là nguồn khả dĩ nhất. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng thị trường bất động sản quá phụ thuộc vào chính sách tiền tệ, tín dụng cũng như hệ thống ngân hàng nên sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro và khó bền vững. Thực tế đã chứng minh mỗi khi có chính sách thắt chặt tín dụng dành cho bất động sản là thị trường thường có dấu hiệu chững lại hoặc “đóng băng”.
Trước tình thế này, bên cạnh việc linh hoạt trong chính sách tín dụng dành cho bất động sản để tránh việc xuất hiện thị trường “bong bóng” cũng như “nguội lạnh”, Bộ Xây dựng cho rằng giải pháp tốt nhất vẫn là thí điểm thành lập mô hình quỹ đầu tư tín thác bất động sản hay mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở để “bơm” vốn cho nhà đầu tư cũng như người dân dành cho việc lo chỗ ở.
Lập quỹ tín thác bất động sản
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhìn nhận năm 2011 sẽ có khó khăn nhất định cho thị trường nhà đất vì mục tiêu chống lạm phát sẽ siết chặt chính sách tín dụng. Theo ông Nam, từ khó khăn về nguồn vốn dành cho bất động sản, Bộ Xây dựng đã đề xuất giải pháp với các tổ chức tài chính trung gian để thành lập các nguồn quỹ. “Hiện TPHCM đã bắt đầu đề nghị thành lập quỹ tín thác đầu tư bất động sản, đây sẽ là kênh huy động vốn rất tốt. TPHCM là thị trường năng động và rất “thoáng”, quỹ này ra đời và hoạt động có hiệu quả sẽ là hình mẫu cho các tỉnh, thành khác làm theo” - ông Nam nói.
Kỳ vọng vào quỹ tiết kiệm
Ngoài ra, một giải pháp hiệu quả và bền vững đối với nguồn vốn dành cho phát triển quỹ nhà ở được Bộ Xây dựng kỳ vọng chính là quỹ tiết kiệm nhà ở. Quỹ này hoạt động không dành cho vay tạo lập nhà ở thương mại nhưng lại tạo điều kiện cho người dân vay mua nhà. Hiện Bộ Xây dựng đang trong quá trình hoàn tất mô hình, các quy định cụ thể để trình Chính phủ trong năm nay và nếu được thông qua, sẽ chính thức áp dụng từ năm 2012.
Trên thực tế, ý tưởng thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở, quy định các đối tượng lao động thuộc mọi thành phần kinh tế phải trích nộp 3% - 5% thu nhập hằng tháng để gửi vào quỹ đã có từ vài năm trở lại đây. Từ đầu năm 2009, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Chính phủ đề xuất lập quỹ tiết kiệm nhà ở để cho vay đầu tư các dự án nhà ở xã hội và cho các đối tượng tham gia gửi tiết kiệm vào quỹ vay để thuê, mua nhà. Văn bản cũng nêu rõ những người không có nhu cầu hỗ trợ về nhà ở sẽ được cơ quan quản lý quỹ hoàn trả toàn bộ khoản tiền đã đóng góp (kể cả lãi) khi người lao động về hưu hoặc được nghỉ theo chế độ.
Bộ Xây dựng ước tính với khoảng 9 triệu người trong độ tuổi lao động đang đóng BHXH, nếu thu 3% tiết kiệm nhà ở thì tổng nguồn thu trong một năm đạt khoảng 6.000 tỉ đồng, nếu thu 5% thì một năm thu được 10.000 tỉ đồng. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam kỳ vọng: “Quỹ tiết kiệm nhà ở không chỉ góp phần giải bài toán vốn để phát triển nhà ở mà còn là kênh cho người nghèo có cơ hội tiếp cận nhà ở. Số tiền này sẽ cho những người thu nhập thấp vay mua nhà với lãi suất chỉ bằng 1/4 hoặc 1/5 so với vay ngân hàng”.
Đề xuất của Bộ Xây dựng được nhiều chuyên gia đồng tình. Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho biết việc thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở góp phần điều tiết giá cả sẽ rất hữu ích cho cả bên cung và bên cầu trong kinh doanh bất động sản. Hình thức này đã được nhiều nước áp dụng để chi trả tiền đặt cọc mua nhà trả góp và cho người dân vay trả góp hằng tháng.

Tự nguyện hay bắt buộc?
Đề xuất thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở của Bộ Xây dựng dù được đánh giá là ý tưởng tốt nhưng vẫn có ý kiến cho rằng những người có nhà rồi sẽ không muốn đóng góp vào quỹ. Nếu quỹ chỉ được góp bởi những người chưa có nhà ở thì họ sẽ rất lâu mới có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn mua nhà do vốn “khan hiếm”.
Giải pháp cho vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết: “Bộ Xây dựng sẽ kiến nghị Chính phủ quy định quỹ tiết kiệm nhà ở phải là bắt buộc. Theo đó, nếu người dân không có nhu cầu mua nhà vẫn phải trích lương nộp quỹ thì khi về hưu sẽ được trả cả gốc lẫn lãi, xem như quỹ tạm vay để giúp người nghèo. Tuy nhiên, mọi vấn đề còn phải chờ ý kiến của Chính phủ!”.
Cafeland.vn - Theo Đầu Tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland