Lý giải về nguyên nhân gây ra tình trạng quy hoạch treo và dự án chậm triển khai ngày càng nhiều, có không ít ý kiến cho rằng do tình hình kinh tế trong mấy năm qua gặp nhiều khó khăn, dẫn đến hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh bất động sản bị phá sản, “chết lâm sàng”. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít doanh nghiệp “thừa nước đục thả câu”, lợi dụng tình hình khó khăn, xin hoặc tìm cách kéo dài dự án để chờ… thời.
Có dịp đi thực tế tại một số khu vực vùng ven, ngoại thành TPHCM mới cảm nhận hết nỗi khổ của người dân sinh sống trong khu vực quy hoạch treo. Tại một số quận huyện, hàng trăm hécta được liệt vào dạng đất công viên cây xanh, đất dự trữ… khiến đời sống của người dân lâm vào cảnh khó khăn suốt nhiều năm qua. Đồng thời, các nguồn lực của đất đai không được tận dụng để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, gây lãng phí rất lớn.
Trong những năm qua, một số địa phương đã có nhiều nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng quy hoạch treo; trong đó, riêng TPHCM đã có hàng chục dự án được rà soát, xử lý. Tuy nhiên, nhìn chung kết quả đạt được còn hạn chế. Có quy hoạch treo sau khi được báo chí phản ánh, các cơ quan chức năng tổ chức họp bàn tìm cách giải quyết nhưng một thời gian sau “treo lại hoàn treo”.
Một số quy hoạch treo lẽ ra phải được xóa do đã kéo dài quá lâu, gây thiệt hại lớn nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng quan tâm, giải quyết, trong đó nổi bật là một số quy hoạch treo tại quận 12 (phường Thạnh Xuân), huyện Bình Chánh…
Việc thực hiện quy hoạch không thể thực hiện trong một sớm một chiều, đặc biệt là đối với các quy hoạch có tầm nhìn dài hạn. Trong thực tế, có rất ít quy hoạch có thể được triển khai ngay sau khi công bố, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn không ít khó khăn như hiện nay. Nhưng không thể chấp nhận việc các dự án quy hoạch cứ đắp chiếu, trùm mền hết năm này sang năm khác; hàng ngàn hécta bỏ hoang trong khi hàng vạn người dân sống trong khu vực quy hoạch phải chịu đựng biết bao nghịch cảnh. Do đó, cần phải quy định cụ thể thời hạn giải quyết rốt ráo tình trạng quy hoạch treo.
Mới đây, TPHCM đã nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng dự án chậm triển khai. UBND TP đã thành lập Tổ công tác xử lý dự án chậm triển khai và tiến hành rà soát trên diện rộng. Qua kiểm tra cho thấy có rất nhiều dự án vi phạm các quy định, triển khai ì ạch, kéo dài gây ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân, làm thiệt hại lợi ích của nhà nước. Cơ quan chức năng cũng đã phát hiện một số trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng và chuyển hồ sơ, đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra, xử lý.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, việc chia sẻ và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn là cần thiết. Tuy nhiên, không thể dung dưỡng cho những cách làm phi pháp, lợi dụng tình hình khó khăn chung để trục lợi, bỏ mặc quyền lợi chính đáng của người dân của một số doanh nghiệp bất động sản làm ăn bất chính.
Việc kiểm tra, thu hồi các dự án chậm triển khai là yêu cầu bức thiết. Nhưng dư luận cũng cho rằng, việc xử lý các dự án sau khi thu hồi cũng là vấn đề cần được các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc, công khai nhằm tránh các tiêu cực phát sinh. Để đảm bảo công bằng và minh bạch, nên để người dân sinh sống trong khu vực có các dự án chậm triển khai tham gia giám sát trực tiếp.
Dư luận cho rằng, trong thời gian tới, lãnh đạo thành phố cần có những chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nhằm giải quyết tình trạng quy hoạch treo, dự án chậm triển khai kéo dài để mang lại sự công bằng cho người dân, tạo động lực để TPHCM ngày càng phát triển.