25/02/2013 8:43 PM
Luật Đất đai sửa đổi đang được đưa ra để lấy ý kiến nhân dân. Theo TS Phùng Đức Tiến - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của QH, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này, trong số nhiều mục tiêu cần đạt được, phải có mục tiêu sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả không để lãng phí như hiện nay, và nhất là phải mở đường cho nông nghiệp phát triển.
Ông Phùng Đức Tiến
Nhiều ý kiến cho rằng lãng phí đất đai là lãng phí lớn nhất, thực tế những năm qua ngay giữa Thủ đô, vẫn có không ít những "tấc vàng” nhiều năm um tùm cỏ mọc. Ông có suy nghĩ gì về tình trạng này?
Đây là sự lãng phí rất lớn và tôi được biết sự lãng phí này không chỉ ở Thủ đô Hà Nội. Thực tế, tài nguyên đất được coi là tư liệu sản xuất đặc biệt, cần phải được sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả. Theo Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2001 - 2010, thì về cơ bản đạt được các chỉ tiêu QH quyết định, trong đó có 3 chỉ tiêu đạt trên 90%, 5 chỉ tiêu đạt từ 70 - 90%, 4 chỉ tiêu đạt 60 - 70% và 2 chỉ tiêu đạt dưới 60% (là đất ở nông thôn 59,46% và đất chợ 57,14%).
Theo tôi, để đạt được chỉ tiêu này là sự cố gắng rất lớn, song đó chỉ là những con số hành chính thống kê đơn thuần thôi. Phải phân tích, đánh giá đúng thực trạng và bản chất vấn đề trên cơ sở phân tích các chỉ tiêu chất lượng, thấy rõ sự ảnh hưởng rất lớn của công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến phát triển kinh tế - xã hội. Chẳng hạn trong 10 năm qua, chuyển 270.000 ha đất lúa sang đất khác là đất đô thị, đất công nghiệp. Đất lúa vốn được coi là bờ xôi, ruộng mật, nếu chỉ tính 1/4 diện tích đất lúa trong thời gian chờ đợi khoảng 2 năm chuyển đổi chờ hoàn thiện các thủ tục, thì 2 năm là 4 vụ, mỗi năm 1 hecta tính cho 40 triệu đồng, thì đã mất không khoảng 5.400 tỷ đồng, chưa kể số lao động nông nghiệp không có việc làm. Hay 72.000 ha đất khu kinh tế, tỷ lệ lấp đầy mới là 45,63%. Như vậy, còn lại 39.000 ha trên tổng diện tích trong thời gian dài chưa được sử dụng… Rõ ràng, chúng ta thực sự chưa biết trân trọng trong sử dụng những "tấc vàng” này.
Theo ông Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang được đưa ra để lấy ý kiến nhân dân đã có những điều khoản cụ thể để nâng cao được hiệu quả sử dụng đất?
Luật Đất đai sửa đổi có đề cập đến các quy định để việc sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả không để lãng phí như hiện nay. Nhưng tôi cho rằng để các quy định này có tác dụng trên thực tế, thì cần phải tiếp tục hoàn thiện, bổ sung nhiều nội dung.
Chẳng hạn, trong nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần bổ sung phải có ý kiến tham gia thống nhất của các ngành, phải đảm bảo ổn định diện tích đất trồng lúa. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng phải tính đến phát triển các ngành trong vùng, nếu không tính đến phát triển các ngành trong cả vùng, mà chỉ chú ý đến kinh tế - xã hội của tỉnh thì không huy động được các nguồn lực và lợi thế so sánh của các vùng. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải đảm bảo sử dụng lâu dài, bền vững, tránh tình trạng điều chỉnh, bổ sung một cách tùy tiện, bị động như trong thời gian vừa qua. Các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải được công bố một cách công khai. Ngoài ra, trong các quy định về thu hồi giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thì phải xem đây là các nhiệm vụ gắn liền với nhau, khi thu hồi để giao đất cần kiểm soát kỹ tính khả thi, hiệu quả kinh tế - xã hội của các dự án, đặc biệt là khả năng tài chính, chứng minh nguồn vốn, tiến độ thực hiện dự án…
Luật Đất đai sửa đổi cần thêm những điều khoản gì để đảm bảo mục tiêu giữ được đất lúa nhưng cũng không là lực cản của các mục tiêu quan trọng khác?
Trong cơ cấu đất nông nghiệp đến năm 2020, đất lúa giảm 308.000ha còn lại 3.812.000ha, trong đó 10 năm tới giảm 114% so với 10 năm trước. Nếu quy hoạch không đảm bảo diện tích trồng lúa, thì tôi e rằng đất lúa sẽ còn giảm hơn nữa. Trong khi, với số lượng dân số thế giới khoảng 7 tỷ người trong những năm tới và với tình hình biến đổi khí hậu như thế này thì sản xuất lương thực là vấn đề hết sức quan trọng và là lợi thế của nước ta, tại sao chúng ta không dành tiềm lực để phát huy thế mạnh đó. Trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, không có nghĩa là thu hẹp sản xuất nông nghiệp lại, mà phải làm sao để sản xuất nông nghiệp có quy mô và tỷ suất hàng hóa cao, sản phẩm có giá thành hạ, chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu trong nước và xuất khẩu.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Khánh Ly (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.