19/07/2014 11:02 PM
Hàng nghìn hộ dân của các phường nội thành ở TP Huế đang sống "treo" trên di tích Thượng Thành - Eo Bầu quanh khu vực Kinh thành và Ðại nội. Cảnh quan di tích bị xâm hại, chất lượng cuộc sống của người dân không bảo đảm. Tuy nhiên, công tác di dời, bố trí tái định cư cho người dân trong Kinh thành Huế kéo dài hàng chục năm nay vẫn chưa có hồi kết.

Nhếch nhác khu vực di tích

Sống "treo" trên di tích là cụm từ người ta nhắc đến một bộ phận dân cư ở các phường nội thành như Thuận Thành, Thuận Hòa, Thuận Lộc, Tây Lộc, Phú Bình, Phú Thuận và Phú Hòa (TP Huế) bao bọc chung quanh khu vực Kinh thành và Ðại nội Huế. Khi quần thể Di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, khu vực Thượng Thành - Eo Bầu trở thành khu vực I bảo vệ di tích. Từ trước năm 1975 đến giờ, nhiều hộ dân đã chọn Thượng Thành - Eo Bầu làm nơi cư ngụ. Ða số, họ đều là dân lao động nghèo, con cái lớn lên, dựng vợ gả chồng vẫn không có khả năng tách hộ, phải sống chen chúc dưới những mái nhà tạm bợ.

Ðập vào mắt chúng tôi khi đến khu vực Thượng Thành - Eo Bầu là cảnh nhếch nhác, tạm bợ. Những bức tường thành rêu phong ở khu vực di tích Kinh thành Huế đang từng ngày kêu cứu khi đã xuống cấp nghiêm trọng. Những ngôi nhà lụp xụp được dựng bằng tre nứa, ni-lông, tấm cót là nơi cư ngụ của ba, bốn thế hệ. Nhiều hộ dân cư ngụ ở đây từ 30 đến 40 năm, nhà cửa đã xập xệ, cũ nát. Ở các phường Thuận Thành, Thuận Lộc, Thuận Hòa, người dân dựng nhà trên tường thành nên lối vào duy nhất của xóm là những chiếc thang bắc vượt lên trên thành. Mùi hôi nồng nặc bốc lên từ nước sinh hoạt thải trực tiếp ra khu vực tường thành vì không có cống thoát nước. Cả xóm đều dùng nước giếng khoan, nhà vệ sinh công cộng được dựng tạm bợ bằng bốn tấm bạt rách rưới. Ông Nguyễn Văn Ðay, làm nghề xe ôm, một trong những hộ dân sống ở phường Thuận Thành tâm sự: "Gia đình tui có năm người, sống rất chật chội. Ở đây cực khổ lắm, nước thì bơm khoan lên chớ làm chi có nước máy! Cả xóm chỉ có một cái nhà vệ sinh công cộng, sáng ra là phải xếp hàng. Trong nhà thì chuột, rết bò khắp nơi, ẩm mốc quá khiến mấy đứa cháu cứ đau lên, đau xuống".

Men theo Kinh thành đến cửa Ðông Ba, chúng tôi đến nhà ông Ðặng Văn Tố. Bên cạnh ngôi nhà tạm nóng bức, chật chội, là một chuồng heo, mùi phân bốc lên trong cái nắng đến ngột ngạt. Ông Tố than thở: "Mùa mưa thì nhà dột, nước chảy lênh láng, mỗi khi nghe có gió bão là cả nhà phải tìm chỗ trú ẩn, bởi những căn nhà tạm có thể sập bất cứ lúc nào. Mùa nắng thì ngột ngạt, nóng như thiêu như đốt cho nên nhiều người phải rồng rắn kéo nhau đi trốn nắng. Mỗi lúc nhận giấy mời họp về việc giải tỏa, ai cũng háo hức, nhưng họp hết lần này đến lần khác mà chẳng di dời được".

Nóng bức, chật chội song người dân không được xây dựng, sửa sang, cơi nới nhà ở vì nơi này thuộc khu vực I di tích cho nên được bảo vệ nghiêm ngặt. Kể từ năm 1993, quần thể di tích cố đô Huế được công nhận Di sản văn hóa thế giới, trong Thành nội Huế có hơn ba nghìn hộ dân nằm trong khu vực I bảo vệ di tích. Trung bình bốn người/hộ thì khu vực này đã có hơn 12 nghìn người, điều này có nghĩa việc giải tỏa liên quan cuộc sống của hàng nghìn hộ dân ở các phường khu vực Nội thành Huế. Toàn bộ Thượng Thành dài hơn 10 cây số, trong đó riêng khu vực các Eo Bầu đã có hơn 500 hộ, nếu giải tỏa toàn bộ dân cư thì số tiền đó không nhỏ.

Bao giờ "an cư, lạc nghiệp"?

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế Phan Thanh Hải cho biết, riêng khu vực Thượng Thành - Eo Bầu có 2.800 hộ với hơn 10 nghìn người sinh sống. Từ năm 2012, trung tâm đã triển khai dự án "Bảo tồn, tu bổ Kinh thành Huế" với tổng kinh phí 1.200 tỷ đồng. Theo đó, có 880 hộ dân nằm trong diện giải tỏa được đưa vào kế hoạch tái định cư đến nơi ở mới. Theo ông Hải, "đưa dân ra khỏi vùng di sản hay những vùng có thể uy hiếp trực tiếp đến khu vực bảo vệ di sản thì phải tạo điều kiện để họ có cuộc sống mới ổn định". Tuy nhiên, việc giải tỏa các hộ dân ở Kinh thành không phải là vấn đề nhỏ của thành phố hay của một đơn vị. Sau khi Kinh thành Huế được trả lại mặt bằng, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế sẽ triển khai bảo tồn, tu bổ. Tòa thành này được xem là nguyên vẹn nhất, có tiềm năng lớn về du lịch. Tương lai, sẽ xây dựng chuỗi các dịch vụ du lịch tại di tích này.

Vướng mắc trong cơ chế đền bù, giải phóng mặt bằng ở các di tích Huế cũng là nguyên nhân làm chậm công tác tái định cư cho những hộ dân sống trong khu vực Thượng Thành - Eo Bầu. Theo số liệu của cơ quan chức năng, tại khu vực Thượng Thành - Eo Bầu - Nam Thắng, có chín hộ dân có đất bị thu hồi với diện tích 1.100 m2. Vấn đề nan giải nhất của tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện nay là nguồn vốn bố trí cho việc di dời, giải tỏa các trường hợp xâm lấn ra khỏi hệ thống di tích quá lớn, vượt quá khả năng tài chính của địa phương. Chỉ tính việc giải tỏa hơn 2.800 hộ dân sống trên Thượng Thành dài hơn 10 cây số và các hộ dân ở Eo Bầu thuộc khu vực 1 (khu vực cần bảo vệ nguyên trạng) của di tích thì đã "ngốn" nguồn vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Gần đây, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giao cho TP Huế phối hợp các ban, ngành liên quan chủ trì triển khai kế hoạch giải tỏa, đền bù và tái định cư cho gần 150 hộ ở Eo Bầu - Nam Xương và Nam Thắng. Các hộ này sẽ được bố trí đất tái định cư và nhà chung cư với tổng vốn đầu tư gần 60 tỷ đồng. Giữa năm 2013, công trình bốn dãy nhà chung cư liền kề ở phường Hương Sơ được nghiệm thu nhưng hiện vẫn cửa đóng then cài, chung quanh um tùm cỏ dại. Bởi lẽ, ngoài những hộ chưa được đền bù, hiện vẫn có nhiều hộ đã nhận tiền hỗ trợ, đền bù nhưng vẫn chưa đến nơi ở mới do giá chung cư ngoài tầm với của họ.

Giám đốc Ban đầu tư và xây dựng TP Huế, ông Nguyễn Ðình Cáng cho biết: "Chính sách bồi thường tái định cư cho tất cả các hộ dân khi sống trên di tích Huế được Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện căn cứ theo Quyết định số 99 ngày 19-5-1976 của UBND Cách mạng tỉnh Bình Trị Thiên. Quyết định được xem là mốc thời điểm để xem xét xác định các trường hợp vi phạm đối với các công trình di tích. Những hộ dân ở trong vùng di tích sau thời điểm ấy thì không được đền bù đất ở".

Phần lớn các hộ dân sống trên di tích Thượng Thành - Eo Bầu là những hộ nghèo. Thế nên, nguyện vọng của họ là Nhà nước có những chính sách đặc biệt và trợ giá thích hợp. Chẳng hạn, người dân chỉ đóng một phần kinh phí, còn lại Nhà nước hỗ trợ, hoặc người dân được mua giá gốc và cho trả dần theo từng năm...

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế, đơn vị được giao nhiệm vụ đền bù, giải phóng mặt bằng ở khu vực phía nam Kinh thành Huế cho biết: "Tất cả các hồ sơ đã được cơ bản hoàn chỉnh nhưng đang đợi ý kiến của UBND tỉnh. Chúng tôi đang tập hợp lại để báo cáo với hội đồng tư vấn giải quyết các vướng mắc về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, xem xét tham mưu cho UBND tỉnh có chính sách bảo đảm cho người dân có nơi ở mới tốt hơn".

Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, không chỉ khó khăn về kinh phí, quỹ đất mà vấn đề nằm ở tầm vĩ mô bởi số lượng hộ dân sinh sống trong vùng bảo vệ di tích ở Huế là rất lớn và không phải cứ đền tiền rồi "đẩy họ đi là xong" mà điều quan trọng là chuyện an dân, giúp cho người dân yên tâm chuyển đến nơi ở mới. Công tác bảo tồn, tu bổ di tích nói chung và di tích Huế có nhiều đặc thù. Mặc dù đã có nhiều tháo gỡ nhưng đến nay, cơ chế vẫn chưa đồng bộ và phù hợp.

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực Thượng Thành - Eo Bầu ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và mỹ quan của khu di sản thế giới. Hàng nghìn hộ dân sống "treo" trên khu vực di tích đang phấp phỏng đợi chờ, mong sớm được di dời, để "an cư, lạc nghiệp". Và từng ngày, từng giờ, họ trông chờ chính quyền địa phương cùng Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế vào cuộc nỗ lực hơn trong công tác quy hoạch và giải tỏa để bảo vệ khu di tích lịch sử này.

Nguyễn Công Hậu (Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.