Chưa trọn niềm vui lên bờ
Năm 2014, 22 hộ dân sống bằng nghề chài lưới ở xóm 8, 9 xã Hưng Lam (nay là xóm Mỹ Thanh, xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) hết sức vui mừng bởi sau nhiều năm lênh đênh sông nước, họ được lên bờ sinh sống. Mỗi hộ dân được cấp 300m2 đất ở khu vực cuối xóm để xây nhà, ổn định cuộc sống.
Khu tái định cư cho các hộ dân làm nghề chài lưới tại xã Hưng Lam (nay là xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An)
Nói về cái ngày lên bờ mà các hộ dân ở đây gọi là “ngày lịch sử” này, bà Trương Thị Vinh (SN 1973) hồ hởi: “Bao nhiêu năm lênh đênh sông nước, mơ ước có một tấc đất cắm dùi nay đã thành sự thật. Cái tết đầu tiên trên bờ chao ôi là sung sướng! Không chỉ các con sung sướng mà bố mẹ cũng hết sức vui mừng bởi từ nay có chỗ ở ổn định, không còn cảnh bấp bênh theo con nước nữa”.
Ấy thế nhưng niềm vui chẳng được bao lâu thì nỗi lo âu ập đến. 22 hộ dân chỉ được chia đất ở chứ không được chia đất sản xuất. Họ quần quật với đủ loại công việc làm thuê để mong có thể sống ổn định khi lên bờ.
Bà Trương Thị Vinh: Chúng tôi chưa kịp vui mừng được lên bờ thì đã chồng chất nỗi lo. Chỉ mong sớm được cấp "sổ đỏ" để có thể vay vốn làm ăn, ổn định cuộc sống.
“Khi chia đất cho chúng tôi, họ yêu cầu trong vòng 6 tháng sẽ phải xây nhà, nếu không sẽ bị thu hồi đất. Cả đời mới được mảnh đất để thoát cảnh sông nước nên dù không có tiền chúng tôi cũng vay mượn để làm nhà, vừa để giữ đất, vừa có chỗ cho vợ chồng, con cái sinh sống”, bà Nguyễn Thị Hằng - 1 trong 22 hộ dân làng chài tái định cư chia sẻ.
5 năm trôi qua, các hộ dân ở đây vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất đang sinh sống. Trong khi đó, thực hiện yêu cầu giao đất phải làm nhà, các hộ dân đều phải vay mượn với số nợ lên tới hàng trăm triệu đồng.
“Bây giờ cứ mở mắt ra là một đống tiền lãi. Đất chưa có bìa, không có tài sản thế chấp thì phải vay ngoài mới có tiền làm nhà, ít thì vài ba trăm, nhiều lên tới bốn, năm trăm triệu đồng. Nhà nước cho đất làm nhà, chúng tôi rất mừng nhưng mong các cơ quan cấp trên quan tâm cấp cho cái bìa để có cái thế chấp vay vốn ngân hàng làm ăn, trả nợ, sớm ổn định cuộc sống”, bà Trương Thị Vinh nói tiếp.
Chưa làm “sổ đỏ” vì chưa có quyết định giao đất?
Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Hưng Nguyên - chủ đầu tư thì dự án tái định cư làng chài Hưng Lam có 56 lô đất, bố trí cho 54 hộ dân. Nguồn kinh phí xây dựng cho dự án chưa có nhưng trong lúc nhu cầu của người dân là cấp bách, UBND huyện đã hỗ trợ 15 triệu đồng để UBND xã Hưng Lam cắm mốc phân lô vùng dự án để giao cho các hộ dân.
25 lô đất đã giao cho người dân làm nhà nhưng chỉ mới có 3 lô đất được cấp giấy CNQSD. Những hộ chưa được cấp "sổ đỏ" là do chưa có quyết định giao đất làm cơ sở đề nghị cấp bìa.
Ngoài 22 hộ được giao đất từ năm 2014, vừa qua có thêm 3 hộ dân được giao đất tại vùng quy hoạch tái định cư. Đến nay, đã có 19 hộ gia đình xây dựng nhà và sinh sống ổn định tại vùng dự án, trong đó có 12 hộ đã được nhận kinh phí hỗ trợ.
Về vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân tái định cư, đại diện Phòng NN&PTNT huyện Hưng Nguyên cho biết, đơn vị chỉ quản lý về số hộ và chi trả hỗ trợ cho các hộ dân. Việc hoàn tất các thủ tục để cấp giấy CNQSD đất là của đơn vị khác.
Trong khi đó, theo bà Thái Diệu Hương - Phó trưởng phòng TN&MT huyện Hưng Nguyên, hiện phòng chưa nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy CNQSD đất cho các hộ dân này.
Để không bị thu hồi đất đã giao, bà Nguyễn Thị Hằng phải vay mượn xây nhà trong vòng 6 tháng kể từ khi được giao đất. Nay nhà đã ở, nợ bao vây nhưng đất vẫn chưa được cấp "sổ đỏ".
“Các hộ dân phải lên ủy ban nhân dân xã lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền cấp giấy CNQSD đất. Huyện không thể làm thay việc này hay tự cấp bìa cho người dân được. Nếu không nắm rõ quy trình này thì xã có trách nhiệm hướng dẫn cho người dân", bà Hương cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Lưu Việt - cán bộ địa chính xã Xuân Lam thì việc chậm cấp giấy CNQSD đất không phải do lỗi của xã hay của người dân.
Thời điểm hiện tại khu tái định cư cho 25 hộ dân làng chài vẫn chưa có đường đi lại
“Vào thời điểm đó, do nhu cầu bức thiết về nơi ở cho người dân vạn đò nên huyện đã cho cắm mốc, cấp đất cho các hộ dân làm nhà mà không có biên bản giao đất, quyết định giao đất.
Không có cái này thì xã không thể hướng dẫn người dân làm hồ sơ trình cấp có thẩm quyền cấp giấy CNQSD đất được. Hiện chúng tôi đang làm tờ trình đề nghị huyện giao đất và ra quyết định giao đất cho dân để có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo trong việc cấp giấy CNQSD đất”, ông Việt cho hay.
-
4 Khu công nghiệp lớn tại Nghệ An đẩy nhanh tiến độ: Cơ hội cho hàng vạn lao động
Nghệ An đang nổi lên như một điểm sáng trong thu hút đầu tư công nghiệp, với hàng loạt dự án khu công nghiệp lớn được triển khai. Tuy nhiên, tiến độ và những vướng mắc trong quá trình thực hiện đang đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ ...
-
UBND tỉnh Nghệ An thu hồi hơn 65.000 m2 đất của một công ty sản xuất xi măng
Tỉnh Nghệ An vừa có quyết định thu hồi 65.527m2 đất sử dụng vào mục đích khai thác khoáng sản Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam 2 tại xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn.
-
Gia hạn thời gian khu công nghiệp lớn nhất Bắc Trung Bộ, đang tạo việc làm cho 20.000 lao động, dự kiến còn 50.000 suất việc làm khi hoàn thành
UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Quyết định số 128/QĐ-UBND ngày 2/12/2024, chính thức chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An do Công ty TNHH VSIP Nghệ An làm chủ đầu tư. Quyết định này nhằm gia hạn...