Những ngôi nhà dột nát, tạm bợ và cả nhà vệ sinh… tọa lạc trên khu vực thượng thành đã tồn tại hàng chục năm nay gây ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan di tích cố đô Huế. Hiện hàng ngàn hộ dân của hơn 7 phường nội thành đang sống “treo” trên di tích quanh khu vực Đại nội.
  • Sống trên... di sản thế giới


Bước lên khu vực các hộ dân sống trên khu vực thượng thành, phường Thuận Thành, TP Huế, cảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là ngôi nhà rách nát, tạm bợ tồn tại trên khu vực 1 của di tích là di sản thế giới.


Ngôi nhà nhỏ của gia đình anh Phan Văn Hòa và chị Nguyễn Thị Mai được che tạm bằng tôn xuống cấp tồn tại 20 năm nay. Nằm cạnh nhà là một chiếc bể xây to tướng để chứa nước uống, xa hơn, gần sát cổng Thượng Tứ là một nhà vệ sinh dã chiến được che tạm bằng mấy tấm ni lông.



Nhiều hộ gia đình tự xây dựng, cơi nới nhà ở thượng thành.


Anh Hòa cho hay: “20 năm trước, do không có đất làm nhà, vợ chồng tôi dựng tạm ngôi nhà tranh ở khu vực này sinh sống. Hàng ngày tôi đạp xích lô, vợ bán hàng rong mưu sinh. Do cuộc sống quá khó khăn nên ước mơ kiếm được miếng đất làm ngôi nhà nho nhỏ cứ kéo dài suốt 20 năm nay. Hiện gia đình tôi có 8 người sống trong căn nhà che tạm bằng tôn và cót chưa đầy 30m², mưa là dột, mỗi lần nghe có gió bão là cả nhà phải tìm chỗ trú. Mấy năm gần đây, năm nào cũng thấy có người đến đo đạc, kiểm kê nhưng chưa thấy di dời giải tỏa. Nếu được, gia đình tôi đăng ký di dời đến nơi khác để an cư lạc nghiệp, chứ sống mãi trên di tích như thế này là không ổn”.


Cạnh đó, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Nở cũng làm nhà tạm từ 30 năm nay. Bà Nở cho biết, trước năm 1968, bà sống trên thượng thành cùng bố mẹ. Khi lập gia đình, bố mẹ chia cho mỗi người một mảnh đất cũng ngay trên thượng thành để ở.


Bà Nở nói: “Sống ở đây vất vả, nhà cửa tạm bợ rách nát không được xây dựng, cơi nới. Mọi sinh hoạt đi lại khó khăn. Ngay cả nước sinh hoạt cũng thiếu, nhà tôi phải khoan giếng bơm ngay bên chân thành để lấy nước”.


Được biết, phần lớn những hộ dân sống trên thượng thành là những hộ dân đã cư ngụ ổn định từ lâu, có nhiều hộ sống từ trước năm 1975, sau đó, con cái của họ tiếp tục lấn đất. Tháng 11-1993, khi quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, thượng thành - eo bầu trở thành khu vực 1 di tích, được bảo vệ nghiêm ngặt. Từ nhiều năm nay, người dân ở đây phải chịu cảnh nhà ở dột nát, xuống cấp mà không được sửa chữa, cơi nới.


  • Chưa di dời do thiếu kinh phí


heo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, hiện dân cư sinh sống trên khu thượng thành, các eo bầu và các di tích khác thuộc khu vực 1 có hơn 3.200 hộ, với hơn 1,2 vạn người. Các cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần tìm biện pháp giải quyết vấn đề này, song có quá nhiều trở ngại, mà trở ngại lớn nhất là thiếu kinh phí để di dân.


Không chỉ vậy, hệ thống di tích ở Huế cũng đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại nghiêm trọng. Điển hình là khu Lục Bộ (phường Thuận Thành) với tổng diện tích gần 60.000 m². Di tích này là phần nối kết liên hoàn giữa Hoàng thành - Đại nội với các di tích quan trọng ở phía Đông Bắc kinh thành, phía Nam, Đông Nam. Khi xây dựng hồ sơ khoanh vùng bảo vệ di tích, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đưa khu này vào khu vực khoanh vùng bảo vệ 1 nhưng nhiều hộ dân vẫn tự ý xây dựng, cơi nới, sửa chữa.


Đến nay, đã có hơn 210 hộ dân lấn chiếm, xây dựng nhà ở, kể cả nhà cao tầng. Nhiều di tích khác như điện Voi Ré, lăng Tự Đức, hồ Đoài... cũng bị xâm hại vành đai bảo vệ. Tại khu vực Văn Thánh - Võ Thánh, người dân dựng lều trại, trồng cây để lấn chiếm hàng ngàn mét vuông.


Việc người dân xây dựng nhà ở trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích ngày càng nhiều cho thấy Huế vẫn thiếu một chiến lược quy hoạch bảo vệ di tích. Huế cũng đã từng triển khai giải tỏa, tái định cư 57 hộ dân ở phía Nam khu thượng thành - eo bầu, 7 hộ ở khu vực đàn Xã Tắc và 120 hộ ven sông Ngự Hà với tổng kinh phí đền bù gần 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, sở dĩ vẫn chưa di dời hết người dân sống ở thượng thành - eo bầu là do kinh phí đền bù quá lớn.


Dự án Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế giai đoạn 1996-2010 có kinh phí 720 tỷ đồng. Tuy nhiên, quy mô của quần thể di tích Huế rất lớn nên sự đầu tư trên hoàn toàn chưa tương xứng với nhu cầu thực tế. Mức đầu tư theo yêu cầu của Quyết định 105/TTg phải đạt 60 - 100 tỷ đồng/năm nhưng thực tế những năm qua chỉ đạt 25 - 50 tỷ đồng/năm (toàn bộ các nguồn vốn).


Để tháo gỡ khó khăn cho hệ thống di tích Huế cũng như đời sống của một bộ phận không nhỏ dân cư sống trên di tích, rất cần có chính sách đặc thù cho vùng di tích đặc biệt.


5 chung cư tái định cư cho các hộ dân sống trong di tích

UBND TP Huế vừa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng 5 chung cư tại phường Hương Sơ, phục vụ tái định cư cho các hộ dân đang sống tại khu vực thượng thành, eo bầu, nhằm hoàn trả mặt bằng cho di tích cố đô Huế, bảo tồn các giá trị di tích lịch sử của thượng thành, thuộc kinh thành Huế. Địa điểm xây dựng ngay cạnh đường Nguyễn Văn Linh, phường Hương Sơ với diện tích sử dụng đất khoảng 11.430m².


Trong đó, 5 khối nhà chung cư được xây dựng cao 4 tầng với diện tích xây dựng 3.780m², diện tích sàn 15.073m². Tổng vốn đầu tư trên 99 tỷ đồng, được đầu tư từ nguồn ngân sách trung ương và các nguồn vốn huy động khác.

Theo Phan Lê (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.