Thoi thóp “lá phổi xanh”
Để đảm bảo quyền lợi lâu dài cho người dân, cơ quan chức năng cần sớm công bố quy hoạch chi tiết phân khu tỷ lệ 1/2.000, làm cơ sở để cấp phép xây dựng. Đồng thời, TP cần đầu tư thêm cơ sở hạ tầng, gia cố bờ bao, tạo điều kiện giúp người dân cải thiện cuộc sống trong thời gian chờ quy hoạch. | |
Ông Trương Xuân Được, |
Năm 1992, UBND TPHCM thông báo về quy hoạch bán đảo Bình Quới - Thanh Đa thuộc phường 28, quận Bình Thạnh thành “Khu văn hóa - thể thao - du lịch” xứng với tầm cỡ của một TP lớn nhất nước. Năm 1993, quy hoạch này được phê duyệt với diện tích 410ha. Kể từ đó, hoạt động liên quan đến đất đai, xây dựng trên địa bàn phường 28 phải dừng lại chờ quy hoạch.
12 năm sau, tháng 6-2004, TP ra Quyết định 2740 thu hồi, tạm giao đất cho TCT Xây dựng Sài Gòn, chuẩn bị các thủ tục đầu tư xây dựng khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa. Theo thông tin được công bố tại thời điểm đó, tổng mức đầu tư của dự án lên đến 2 tỷ USD. Sau khi được chọn làm nhà đầu tư, TCT Xây dựng Sài Gòn đã phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP xây dựng quy hoạch chi tiết.
Cụ thể, xây dựng nơi đây thành một đô thị sinh thái hiện đại, bao gồm chức năng chính là công viên sinh thái cảnh quan thiên nhiên kết hợp với chức năng thương mại. Do vậy, TCT Xây dựng Sài Gòn đã thành lập Ban giải phóng mặt bằng và kêu gọi đối tác trong và ngoài nước đầu tư vào đây.
Ngày 6-7-2007, TP ban hành Quyết định 2963 điều chỉnh quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/2.000) xây dựng khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa để phù hợp tình hình đầu tư. Theo đó, tổng diện tích toàn dự án 426ha, quy mô dân số 30.000 người. Trong đó, khu nhà ở 95ha, khu nhà ở cao tầng (căn hộ) 20ha, khu nhà ở biệt thự - nhà vườn 20ha, khu ở tái định cư 18,4ha; khu cây xanh sinh thái thiên nhiên 105ha, khu Trung tâm đô thị mới (cấp TP) 146ha và diện tích đất dành cho phát triển hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới. Cũng theo quy hoạch, dự kiến xây dựng 2 cầu qua sông Sài Gòn tại Thảo Điền (quận 2) và Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức).
Có thể nói, sau hơn 10 năm bị “treo”, khi TP chỉ định TCT Xây dựng Sài Gòn làm chủ đầu tư, người dân sống trong vùng quy hoạch sẽ thoát “treo” theo quy hoạch. Nhưng nhiều năm tiếp theo, dự án vẫn án binh bất động do chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn.
Đầu năm 2010 UBND TP đã ra Văn bản 614 thu hồi Quyết định 2740 do TCT Xây dựng Sài Gòn chưa có quỹ đất tái định cư và chưa thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của ĐTTC, khó khăn của TCT Xây dựng Sài Gòn thời điểm đó là vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng; đã kêu gọi đối tác nước ngoài từ Singapore, Australia, Hồng Công... nhưng các đối tác này đòi hỏi phải có quy hoạch 1/2.000.
Gỡ nhưng chưa mở
Sau khi dự án bị thu hồi, cuộc sống người dân Bình Quới đã thay đổi hơn trước. Từ đường Bình Quới rẽ vào cầu ông Ngữ, con đường bê tông rộng chừng 2m dẫn sâu vào khu dân cư bên trong. Điện, nước sạch đã kéo vào cấp cho từng hộ. Một số hộ gia đình đã được cấp hộ khẩu thường trú, số nhà, nhiều hộ có thể sơn sửa, cải tạo hiện trạng nhà cửa.
Nhưng đó là những hộ cư trú trước năm 1990, còn sau năm 1990 quyền lợi vẫn bị bó chặt. Cụ thể các trường hợp mua bán đất bằng giấy tay chưa thể làm giấy chủ quyền, xây cất nhà cửa rất khó. Ai nghèo không trụ nổi phải bỏ đi nơi khác, khiến đất đai bỏ hoang. Anh Lê Văn Phụng, ngụ ở 558/64/46 đường Bình Quới, cho biết sau khi lập gia đình, cha mẹ anh cắt thửa đất diện tích 3.000m2 để anh ra riêng, nhưng đến nay anh chưa thể làm thủ tục tách thửa.
Quá bức xúc chỗ ở, năm 2007 anh liều mạng xây túp lều 20m2 để con cái có chỗ che mưa che nắng. Xây nửa chừng, phường vào lập biên bản xử phạt. Nhưng khi cơ quan quản lý lơ là, anh đã lén cất được cái chòi. “Hết quy hoạch này đến dự án kia, xoay vòng vòng làm chúng tôi bất an vô cùng. Người dân mong Nhà nước thực hiện quy hoạch sớm, bồi thường đất để có vốn đi chỗ khác làm ăn. Không biết chúng tôi phải đánh đu với quy hoạch treo đến bao giờ” - anh Phụng than thở.
Cùng nỗi khổ như nhiều hộ dân khác, anh Hà Minh Phúc (ngụ ở số 480/60/7) hiện chưa được chính quyền địa phương cấp phép xây dựng. Căn nhà tạm bợ anh Phúc rộng 28m2, tường xi măng cao 2,5m, phía trên che bằng tole mục nát. Anh Phúc cho biết khi TP thực hiện dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nhà anh bị giải tỏa.
Với số tiền đền bù ít ỏi, năm 1998, anh sang Bình Quới mua mảnh đất 700m2 để chăn nuôi heo, đào ao thả cá. Không ngờ, 17 năm sống ở đây, cũng là quãng thời gian dự án Bình Quới - Thanh Đa tiếp tục “hành” gia đình anh, đời sống kinh tế ngày càng lụn bại. “5-6 lần mời lên phường thông báo quy hoạch, giới thiệu nhà đầu tư nhưng cuối cùng treo cứ hoàn treo. 3 đứa con tôi lớn rồi, muốn chia cho mỗi đứa 80m2 mà có đứa nào dựng nhà ở được đâu. Nhà nhỏ, mục nát như chờ sập, chuồng heo nằm cạnh bên quá hôi hám, ô nhiễm khiến cả 3 đứa phải ra ngoài thuê trọ. Mỗi tháng tụi nó tốn cả vài triệu đồng. Mình có đất mà bị cấm xây nhà” - anh Phúc bức xúc.
Trao đổi với ĐTTC, ông Trương Xuân Được, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường 28, cho biết thời điểm công bố quy hoạch (năm 2004) dân số phường 28 khoảng 6.000 người, nay đã xấp xỉ 13.000 người. Do quy hoạch treo quá lâu, đời sống người dân khổ trăm bề, trình độ dân trí, văn hóa thấp. Khảo sát có trên 100ha đất nông nghiệp người dân bỏ hoang. Bởi làm nông nghiệp không có lời, gia súc thường xảy ra dịch bệnh, thủy triều xâm nhập gây nhiễm phèn, vỡ bờ bao…
Trong khi đó việc cấp phép xây dựng người dân vẫn bị hạn chế nhiều thứ. Chẳng hạn như được xây dựng tạm nhưng phải cam kết khi thực hiện quy hoạch sẽ tháo dỡ không được bồi thường. Khổ nhất, bức xúc nhất là khoảng 200 hộ dân sống trong khu vực của dự án tái định cư 18,4ha.