Trước nhiều sức ép, cuối cùng NHNN cũng nhượng bộ bằng việc ban hành Thông tư số 19, sửa đổi một số quy định trong Thông tư 13. Song, vấn đề là sau động thái này thị trường sẽ diễn biến như thế nào?

Ngân hàng Nhà nước quyết tâm “nắn dòng” tín dụng vào ba khu vực được ưu tiên là DNNVV, xuất khẩu và nông nghiệp nông thôn
Thông tư 13 được cho là nguyên nhân gây nên tình trạng im ắng của thị trường bất động sản; góp phần “đẩy” chứng khoán lao dốc; khiến các ngân hàng co cụm, lo đối phó với các quy định mới nên không hạ được mặt bằng lãi suất, làm cho tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại... Nếu cứ theo đà suy luận như vậy thì Thông tư 13 đúng là... “tội đồ”. Thực tế có đúng như vậy?

Vẫn nắm dòng vốn vào sản xuất

Thực tế, Thông tư 19 chỉ tập trung sửa đổi điều 18 của Thông tư 13. Quy định về hệ số an toàn CAR được giữ nguyên. NHNN đã không chặt hẳn “nhánh lớn” là tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế mà cho phép các TCTD sử dụng 25% lượng tiền gửi này vào tín dụng. Nhánh lớn thứ hai là tiền gửi của Kho bạc tại các NHTM cũng được để lại. Theo thống kê của NHNN, lượng tiền này hiện khá lớn, lên đến 57.000 tỷ đồng, tăng đột biến so với những năm trước và chủ yếu do các NHTM Nhà nước lớn nắm giữ. Cụ thể Agribank đang giữ 33.000 tỷ; BIDV và Vietcombank giữ 8.300 tỷ; Vietinbank giữ 1.400 tỷ. Nhánh nhỏ khác là tiền vay của các TCTD khác trên thị trường liên ngân hàng, các TCTD được phép sử dụng làm nguồn vốn cho tín dụng, nhưng với điều kiện là các khoản vay đó phải có kỳ hạn từ ba tháng trở lên.

Một trong những quy định được dư luận quan tâm là các quy định về tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ vẫn được giữ nguyên. Cụ thể, theo mục 5.6, điều 5 Thông tư 13, tài sản “ Có” của các khoản cho vay để đầu tư chứng khoán; cho vay nhằm mục đích kinh doanh bất động sản (BĐS) và các khoản cho vay các công ty chứng khoán có hệ số rủi ro 250%. Chi tiết về việc sửa đổi Thông tư 13 được công bố tối 27/9 thì đến sáng ngày 28/9, hai sàn chứng khoán đều tăng điểm nhưng không đáng kể. Sang ngày 29/9, sắc xanh đã nhiều hơn, nhưng rốt cuộc chỉ là gợn sóng nhỏ, không hề tạo được hứng khởi cho nhà đầu tư như người ta vẫn tưởng. Tâm lý chung vẫn là dè chừng. Nhiều chuyên gia chứng khoán cũng nhận định, Thông tư 13 chỉ là cái cớ đánh vào tâm lý nhà đầu tư. Còn thực tế, những chỉ số vĩ mô không thuận mới là nguyên nhân chính của tâm lý dè chừng này.

Theo quan điểm của NHNN, các khoản đầu tư chứng khoán, BĐS đã không được khuyến khích từ năm 2008 (Quyết định 03/2008/QĐ-NHNN ngày 1/2/2008 về quy định trong cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư và kinh doanh chứng khoán). Và trong điều kiện nguồn vốn huy động của các TCTD đang khó khăn, mà nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh lại cao thì sự chú trọng sẽ khó dồn vào hoạt động kinh doanh chứng khoán và BĐS - vốn chứa đựng rủi ro cao. Do đó, NHNN sẽ tiếp tục hạn chế cho vay đầu tư vào hai lĩnh vực này. Thống đốc NHNN cũng tỏ rõ quyết tâm rằng, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 18 của Chính phủ. Điều đó có nghĩa là vốn tín dụng sẽ được “nắn dòng” vào ba khu vực được ưu tiên là DNNVV; xuất khẩu và nông nghiệp nông thôn. Để khẳng định cho hướng đi này, ngày 29/9, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đã ký ban hành Thông tư số 20/2010/TT-NHNN về việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các TCTD có tỷ lệ cho vay khu vực nông nghiệp nông thôn trên 40% tổng dư nợ. NHNN cũng sẽ dành ưu tiên về lượng tiền cung ứng để tái cấp vốn cho khu vực này.

Lãi suất sẽ giảm?

Sức ép giảm mặt bằng lãi suất càng lớn khi “cái hẹn” tháng 10 đã đến. Trong buổi trả lời phỏng vấn báo chí ngày 29/9, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu khẳng định: lãi suất của Việt Nam chưa bao giờ thấp, nguyên nhân đầu tiên là do kinh tế vĩ mô không ổn định; và nhất là trong bối cảnh bất ổn của tình hình kinh tế thế giới trong những năm gần đây. Ông Giàu đưa ra những con số đáng lưu ý: thời kỳ ổn định như năm 2006 lãi suất cho vay bình quân của hệ thống ngân hàng là 12,92%/năm; năm 2007 là 13,02%/năm; đến ngày 25/9/2010 lãi suất cho vay bình quân là 13,27 %/năm.

Về phía NHNN, ông Giàu cho rằng mặc dù NHNN đã và đang làm hết sức có thể để hạ mặt bằng lãi suất nhưng lãi suất vẫn không hạ nhiều, lý do là vì chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa vẫn “lệch pha” nhau. Cụ thể, từ đầu năm đến nay lượng trái phiếu chính phủ phát hành tăng đột biến, với lãi suất cao. Thay vì dùng vốn cho vay, các NHTM đã “đẩy” 48.000 tỷ đồng (gấp 5,6 lần so với cùng kỳ 2009) vào trái phiếu chính phủ cho... lành! (vừa an toàn, vừa được hưởng lãi cao). Thống đốc còn khẳng định, tỷ lệ vốn phục vụ cho tăng trưởng kinh tế năm 2010 đã lên đến 3,9 lần, trong khi đó ở các nước khác như Malaysia, Trung Quốc tỷ lệ này chỉ là 1,14; Thái Lan 0,17 lần... “Nếu giờ tăng tín dụng thêm 200% nữa cũng hết, như thế sẽ tạo ra bong bóng thị trường. Mục tiêu của ta là ổn định kinh tế vĩ mô thì phải cùng nhau tập trung vào mục tiêu này... Tuy nhiên, chúng tôi tin mặt bằng lãi suất sẽ giảm dần. NHNN sẽ điều hành linh hoạt bằng các công cụ của mình”, ông Giàu cho biết.

Trong 9 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng là 19,27%. Tốc độ này được nhiều người cho là phù hợp để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Do đó, tăng trưởng tín dụng 25% trong năm nay không phải là vấn đề đối với ngành ngân hàng. Trong cuộc họp cuối tháng 9/2010, Hiệp hội Ngân hàng cũng đã đưa ra vấn đề tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất. Song trong bối cảnh, điều kiện như hiện nay có thể hiểu lãi suất cho vay có thể sẽ giảm, nhưng là chỉ cho lĩnh vực cần ưu tiên. Điều quan trọng nhất trong những tháng cuối năm đối với NHNN là giữ cho được ổn định thị trường, kìm lạm phát ở mức dưới hai còn số. Và chẳng phải xét cho cùng thì ngành ngân hàng chỉ “góp phần” vào tăng trưởng kinh tế, còn nhiệm vụ hàng đầu vẫn là “không để lạm phát cao quay trở lại”!?

Đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 25%

Theo khảo sát của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, biến động của nguồn tiền gửi không kỳ hạn có thể lên đến 80%. Như vậy, lượng tiền còn tồn lại khoảng 20% - 30% tương đối ổn định. Tính đến ngày 27/9/2010, tăng trưởng tín dụng đạt 19,27%, đến cuối tháng 9/2010 tăng khoảng 19,5%. Như vậy, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 25% cho cả năm sẽ thực hiện được. Những tháng cuối năm 2010, NHNN theo dõi chặt chẽ diễn biến kinh tế vĩ mô và tình hình thị trường để có biện pháp điều hành linh hoạt đảm bảo đúng mục tiêu đề ra. Trong tổng dư nợ toàn ngành hiện nay, dư nợ tín dụng khu vực phi sản xuất hiện nay là 385.000 tỷ đồng, tăng 18,2% - thấp hơn mức dư nợ chung của toàn hệ thống. Trong đó dư nợ cho vay BĐS 218.000 tỷ đồng, tăng 18%; dư nợ cho vay chứng khoán 15.000 tỷ đồng, tăng 19,8%; dư nợ tín dụng tiêu dùng 151.000 tỷ đồng, tăng 19,7%. Một số lĩnh vực sản xuất ưu tiên cho vay đều có mức tăng trưởng dư nợ cao: khu vực nông nghiệp - nông thôn tăng 19%; khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 20%. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu cho biết, năm 2010, lượng tiền gửi Kho bạc tại các NHTM là rất lớn - khoảng 57.000 tỷ đồng. Trước mắt, NHNN cho phép các TCTD được tính tiền gửi Kho bạc vào nguồn vốn huy động sẽ không làm tăng tín dụng; theo lộ trình mới, tiền gửi Kho bạc tại các TCTD sẽ được giảm dần và không gây biến động lớn. Hiện nay, các tổ chức kinh tế có tiền gửi không kỳ hạn khá lớn, nếu có biến động nhỏ có thể khiến hệ thống ngân hàng gặp khó khăn về nguồn vốn.

Cafeland.vn - Theo Doanh nhân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland