Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Bộ Kế hoạch - Đầu tư xung quanh kiến nghị chưa nên xây dựng sân bay quốc tế Long Thành của hai ông Mai Trọng Tuấn và Lê Trọng Sành. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch - Đầu tư khẩn trương thẩm định báo cáo đầu tư dự án, Bộ GTVT tiếp thu và hoàn thiện rồi trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội về chủ trương đầu tư sân bay này.
Bộ GTVT: Hợp lý
Hành khách lên máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng mới đây, Bộ GTVT cho rằng rất khó mở rộng để nâng công suất sân bay TSN vì quỹ đất hạn chế. Theo ACV, sử dụng cả khu vực quân sự trong sân bay TSN cũng không đủ để xây thêm các công trình nhà ga hành khách và hàng hóa. Do lượng khách ngày càng đông nên cần phải đầu tư thêm một đường cất hạ cánh ở phía Bắc sân bay. Tuy nhiên, ngay cả khi đã đầu tư những công trình này thì sau năm 2020 cũng phải xây một cảng hàng không mới hoặc di dời khu dân cư dày đặc xung quanh để mở rộng sân bay TSN.
Đã có nhiều ý kiến đề nghị dùng sân bay Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai để “cứu” TSN khi sân bay này quá tải nhưng Bộ GTVT cho rằng không khả thi. Sân bay Biên Hòa có 2 đường cất hạ cánh dài 3.000 m, cần làm thêm 800-900 m mới đủ sử dụng. Hiện sân bay Biên Hòa bị khu dân cư bao quanh nên việc mở rộng sẽ gặp nhiều khó khăn. Tình trạng nhiễm dioxin ở đây vẫn chưa được giải quyết, nơi này lại là sân bay quân sự…
Do đó, Bộ GTVT cho rằng việc mở rộng 2 sân bay TSN và Biên Hòa có quá nhiều hạn chế. Ngay cả khi mở rộng 2 sân bay này ở mức tối thiểu thì chi phí cũng sẽ cao hơn hoặc tương đương xây dựng sân bay Long Thành. Theo đó, cần đến 9,1 tỉ USD để mở rộng sân bay TSN và khoảng 7,5 tỉ USD cho sân bay Biên Hòa, trong khi sân bay Long Thành chỉ 7,8 tỉ USD. Kết luận, Bộ GTVT cho rằng xây dựng sân bay Long Thành trong giai đoạn này là hợp lý.
Chuyên gia: Bỏ ngỏ tiềm năng
Ông Lê Trọng Sành, nguyên Trưởng Phòng Quản lý bay sân bay TSN, khẳng định những người lập dự án sân bay Long Thành chưa hiểu rõ khoa học hàng không. Theo ông, sân bay TSN có thể phục vụ 600 chuyến/ngày đêm. Nếu khai thác đạt hiệu quả cao nhất, sân bay TSN có thể đạt công suất 35 triệu lượt khách/năm, không như tính toán của Bộ GTVT. Vì vậy, chỉ cần đầu tư thêm nhà ga mới để phục vụ nhu cầu hành khách trong sân bay này.
Sân bay TSN rộng khoảng 1.800 ha (1.000 ha thuộc về quân sự, 800 ha dân sự). ThS Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright, cho rằng trong 800 ha dân sự hoàn toàn có thể xây thêm một nhà ga để tăng công suất của sân bay TSN với chi phí khoảng 350 triệu USD.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không, Khoa Kỹ thuật Giao thông Trường ĐH Bách khoa TP HCM - nhận định: “Hai đường băng của sân bay TSN chưa được khai thác tối đa, giờ chỉ cần xây thêm nhà ga là có thể nâng công suất phục vụ. Do không mở rộng sân bay bằng đường băng nên không cần phải chi nhiều tiền mà vẫn bảo đảm khai thác tốt”. Theo ông, sân bay TSN chỉ quá tải một số thời điểm trong ngày do các hãng đều tập trung bay vào “giờ vàng” nên chỉ cần điều tiết lại thời gian bay và hạ cánh cho hợp lý.
Cả PGS-TS Nguyễn Thiện Tống và ông Lê Trọng Sành đều cho rằng có thể sử dụng sân bay Biên Hòa cho mục đích dân sự. Thậm chí, chỉ cần chi 1 tỉ USD để sửa sang, xử lý dioxin tại đây là có thể dùng được như đã từng làm tại sân bay Đà Nẵng. Khi đó, sân bay Biên Hòa hoàn toàn có thể đạt công suất 25 triệu khách/năm. “Chúng ta đang dùng sân bay TSN cho mục đích dân sự và quân sự. Thế thì tại sao lại không thể áp dụng cho sân bay Biên Hòa?” - ông Tống băn khoăn.
Ngoài ra, theo PGS-TS Tống, cách tính tốc độ tăng trưởng ở sân bay TSN của Bộ GTVT chưa thuyết phục. “Đối với hàng không, đến lúc nào đó tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại, thậm chí bão hòa chứ chưa chắc ngày một tăng” - ông nói.
Dự kiến ngày mai, 17-10, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM sẽ có buổi làm việc để nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri quận Tân Bình về việc đầu tư sân bay Long Thành và xây sân golf trong sân bay TSN. |
5.400 hộ dân bị ảnh hưởng Theo dự án, sân bay Long Thành rộng 5.000 ha nằm tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, có chức năng trung chuyển trong khu vực Đông Nam Á. Với công suất 100 triệu lượt khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, Long Thành có khả năng cạnh tranh với các sân bay lớn trên thế giới. UBND tỉnh Đồng Nai cho biết sẽ có khoảng 5.400 hộ dân bị ảnh hưởng và khoảng 3.000 hộ phải giải tỏa trắng để lấy đất xây dựng sân bay Long Thành. |