24/07/2012 9:51 PM
Tại buổi giao lưu trực tuyến diễn ra tại Cổng thông tin Chính phủ ngày 24-7, nhiều vấn đề có liên quan công tác quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp đã được Bộ trưởng Hà Hùng Cường giải đáp. Trong đó vấn đề được nhiều người quan tâm nhất là vướng mắc ở các thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, quyền sử dụng đất.

Đề cập đến thực tế đã xảy ra hiện tượng chiếm đoạt tài sản bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) thông qua những hợp đồng công chứng, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhìn nhận thực tế đã có những trường hợp lừa đảo như trên.

Tuy nhiên, trước câu hỏi đặt ra từ độc giả, rằng việc lừa đảo thông qua hợp đồng có công chứng liệu có phải do chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng với việc phát triển mạnh mẽ các văn phòng công chứng tư, ông Cường cho rằng không thể khẳng định xã hội hóa nghề công chứng dẫn đến có lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác thông qua hợp đồng công chứng.

Ông Cường chỉ ra nguyên nhân của hiện tượng này chính là việc giấy tờ, trong đó chủ yếu là sổ đỏ có thể bị làm giả, nhân viên công chứng, kể cả văn phòng công chứng nghiệp vụ còn non kém, chưa có máy móc phát hiện giấy tờ giả.

Nguyên nhân nữa là do sự kết nối thông tin hiện nay giữa các tổ chức hành nghề công chứng với các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm chưa được thông suốt, nên có hiện tượng lợi dụng để mang giấy tờ giả đến công chứng… Thậm chí cũng có thể do cố ý tiếp tay cho những người lừa đảo từ chính những người thực hiện việc công chứng.

Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, vấn đề đặt ra từ phía độc giả cũng đã chỉ ra vướng mắc từ việc các văn phòng công chứng thành lập tương đối nhiều, có những việc chưa kiểm tra hết được, một phần cũng có thể do mặt đạo đức, nghề nghiệp chưa được chuẩn.

Để hạn chế tình trạng này, ông Cường cho rằng bộ đang có hướng xây dựng đạo đức nghề nghiệp của nghề công chứng. Cộng với đó là khuyến khích các tỉnh cho phép các công chứng viên thành lập hội công chứng để họ tự giám sát nhau về câu chuyện đạo đức nghề nghiệp.

Tuy nhiên, giải pháp chủ yếu chính là việc Bộ Tư pháp đã đề xuất với Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế nghị định hướng dẫn thi hành Luật Công chứng theo hướng đảm bảo sự kết nối các dữ liệu thông tin đó. Theo đó, Chính phủ đã chỉ đạo theo hướng Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng thông tư liên tịch về vấn đề này để cải thiện tình hình, tăng sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất với các tổ chức hành nghề công chứng

Ngoài ra, hiện nay còn có hiện tượng tại một số địa phương khi bán đấu giá quyền sử dụng đất đã có dấu hiệu tiêu cực, làm thất thoát tài sản của nhà nước. Từ đó đặt ra nhiều câu hỏi cho việc công khai minh bạch trong hoạt động này.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định, trình trạng trên đã có xảy ra nhưng diễn ra trước khi Nghị định 17/2010/NĐ-CP được ban hành. Và nguyên nhân của vấn đề này theo ông Cường là do việc bán đấu giá quyền sử dụng đất được giao cho nhiều tổ chức thực hiện (Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện, cấp tỉnh), không có đấu giá viên chuyên nghiệp, trình tự, thủ tục chưa được quy định chặt chẽ; trách nhiệm của người bán đấu giá chưa được quy định rõ; việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm chưa hiệu quả.

Ông Cường cho biết, kể từ khi ban hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP quy định rõ về việc bán đấu giá các tài sản, nhất là tài sản công, trong đó có quyền sử dụng đất, cho tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp thực hiện qua các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp thì việc trên đã được hạn chế nhiều.

Mặc dù vậy, trong quá trình thực hiện Nghị định 17 vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như đội ngũ đấu giá viên còn mỏng, nhiều trường hợp bán đấu giá quyền sử dụng đất tại địa bàn cấp huyện, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa chưa kịp thời; một số văn bản hướng dẫn thi hành nghị định còn chưa được ban hành.

Ông Cường cho hay Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo và thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng thông tư liên tịch về bán đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó sẽ hướng dẫn việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để thực hiện việc bán đấu giá sao cho chặt chẽ, đạt hiệu quả cao nhất và ngăn chặn được những tiêu cực trong quá trình tổ chức thực hiện.

Vướng mắc trong thủ tục chứng thực chữ ký cá nhân

Tại buổi giao lưu trực tuyến, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho hay, khi áp dụng cơ chế một cửa vào giải quyết một số loại việc cụ thể, trong đó việc chứng thực chữ ký có vướng mắc. Theo quy định của pháp luật về chứng thực thì người có yêu cầu chứng thực chữ ký phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực. Trong khi đó những người có thẩm quyền thực hiện chứng thực (Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã, Trưởng hoặc Phó Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện) lại không thuộc diện phải trực ở bộ phận một cửa để trực tiếp chứng nhận chữ ký của người yêu cầu chứng nhận.

Điều đó dẫn đến trong thực tế nhiều trường hợp người yêu cầu chứng thực không ký trước mặt người thực hiện chứng thực (chứng thực gián tiếp). Như thế là không phù hợp với bản chất chứng thực, dễ tạo kẽ hở vi phạm pháp luật.

Trong công văn hướng dẫn tạm thời việc thực hiện chứng thực chữ ký theo cơ chế một cửa, Bộ Tư pháp hướng dẫn bộ phận một cửa tiếp nhận, kiểm tra yêu cầu chứng thực chữ ký và hẹn thời điểm trả kết quả để khi đó người được hẹn sẽ ký trước mặt người có thẩm quyền chứng thực. Tuy nhiên vấn đề đặt ra lại nằm ở chỗ cán bộ nơi chứng thực có thể đi vắng sẽ khiến người thực hiện chứng thực phải đi lại nhiều lần; từ đó làm giảm hiệu quả của cơ chế một cửa.

Và theo ông Cường, để khắc phục cơ bản vướng mắc này, vấn đề phân cấp hoặc ủy quyền xác nhận việc ký cho công chức làm tại bộ phân một cửa… đang được nghiên cứu tiếp để giải quyết trong dự án Luật Chứng thực tới đây.

Theo TBKTSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.