Trả lời chất vấn tại phiên “điều trần” sáng nay, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là việc rất khó.

Sáng nay, Ủy ban Kinh tế QH đã tổ chức phiên giải trình tìm giải pháp phá băng thị trường bất động sản.

Chúng tôi cũng muốn phải mạnh hơn nữa

Mở màn phiên giải trình, ĐBQH Nguyễn Thị Khá, ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội đặt câu hỏi, một trong các nguyên nhân dẫn đến bất cập của thị trường bất động sản thời gian qua là do hoạt động thiếu hiệu quả, thiếu minh bạch. “Đề nghị cho biết trách nhiệm quản lý nhà nước đến đâu? Giải pháp xử lý thế nào?”, bà Khá hỏi.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng. Ảnh: Lê Nhung

Tiếp theo đó, ĐBQH Cao Sĩ Kiêm, ủy viên Ủy ban Kinh tế nêu vấn đề, một căn bệnh lâu nay là giải pháp nêu ra thường rất rõ nhưng khi thực hiện lại có vấn đề. “Tôi xin hỏi lần này các số liệu về tồn kho bất động sản đã đủ tin cậy chưa? Đủ sức làm tan cục máu đông chưa?”, ông Kiêm nói.

ĐB Trần Du Lịch cũng muốn hỏi rõ các lỗ hổng về thể chế và một số bất cập khác.

Trả lời hàng loạt truy vấn của các ĐBQH, Bộ trưởng Xây dựng khẳng định: “Chúng tôi đang thực hiện các giải pháp, như nghị quyết 02 của Chính phủ về xử lý tồn kho bất động sản, hy vọng từng bước tháo gỡ khó khăn, nhưng không thể đạt yêu cầu ngay”.

Bộ trưởng Xây dựng cũng nhấn mạnh, các số liệu về hàng tồn kho mới nói lên một phần thực tế, còn lại thì nhiều con số chưa được báo cáo. “Những giải pháp chúng tôi đưa ra cũng phù hợp với điều kiện nền kinh tế nhưng để đủ mạnh chưa thì chúng tôi muốn còn phải mạnh hơn nữa”, ông Dũng nói.

Thời điểm tốt cho người mua nhà

Trước đó, trong báo cáo giải trình đầu phiên họp, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho hay, Bộ đã bắt tay vào gỡ khó cho thị trường ngay từ năm 2011.

Các đề xuất của Bộ đã được Chính phủ đưa vào nghị quyết phiên họp tháng 10/2012, được Bộ trưởng Xây dựng trình bày trước Quốc hội và đưa vào nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội, đồng thời được Chính phủ chấp thuận ban hành nghị quyết 02 "về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu" để triển khai thực hiện.

Nhiều doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh như chia nhỏ căn hộ, sử dụng vật liệu hoàn thiện trong nước... để giảm giá thành; bán hạ giá để cắt lỗ; hỗ trợ cho người mua nhà bằng nhiều hình thức như hỗ trợ vay ngân hàng, khuyến mại.

Cũng theo ông Dũng, giá nhà đã giảm nhiều so với thời điểm sốt giá năm 2008-2010, nhiều dự án giá giảm tới 50%, trở về giá tương đương thời điểm 2006.

“Đây cũng là điểm tốt, tạo điều kiện cho người có nhu cầu có thể mua nhà ở phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, gần đây thị trường bất động sản đối với phân khúc nhà ở bình dân ở Hà Nội và TP.HCM đã có dấu hiệu ấm dần lên”, ông Dũng nhận định.

Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện nghị quyết Chính phủ với nhiều nhiệm vụ như hoàn thiện văn bản pháp luật, xây dựng chiến lược nhà ở…

Hàng loạt giải pháp sẽ được thực hiện đó là rà soát các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, tiến hành phân loại các dự án phát triển nhà ở, bất động sản. Dừng các dự án chưa giải phóng mặt bằng hoặc đang giải phóng mặt bằng nhưng không phù hợp kế hoạch phát triển của địa phương. Đối với các dự án đã giải phóng mặt bằng nhưng không phù hợp với nhu cầu và kế hoạch phát triển của địa phương thì yêu cầu chính quyền địa phương tạm thời điều chỉnh mục đích sử dụng đất có thời hạn và cho phép Chủ đầu tư tổ chức khai thác kinh doanh, không để đất trống và chỉ đầu tư tiếp khi được cấp có thẩm quyền cho phép…

Cho phép chuyển đổi các dự án nhà ở tồn kho không bán được sang các công trình dịch vụ đang có nhu cầu và phù hợp với quy hoạch như: bệnh viện, trường học, khách sạn, dịch vụ thương mại.

Sắp tới, các ngân hàng thương mại nhà nước dành một lượng vốn hợp lý (tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại nhà nước) để cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với lãi suất thấp, kỳ hạn trả nợ phù hợp.

Ngân hàng Nhà nước dành từ 20 - 40 nghìn tỷ đồng thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý và thời hạn tối đa 10 năm tùy theo đối tượng sử dụng vốn vay để hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại của Nhà nước để phục vụ cho vay đối với các đối tượng nêu trên.

Đồng thời sẽ nghiên cứu để sớm hình thành các định chế tài chính mới để phát triển các công cụ tài chính cho thị trường bất động sản như: Quỹ Tiết kiệm nhà ở, Quỹ đầu tư bất động sản, Cơ quan tái thế chấp nhà ở, tạo nguồn vốn trung và dài hạn cho thị trường bất động sản.

Phiên giải trình sẽ được tiếp tục sau giờ giải lao với hàng loạt ĐBQH đã đăng ký để chất vấn.

Lê Nhung (VietNamNet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.