Dẹp những quy hoạch chỉ tồn tại trên giấy
Hiện trạng quy hoạch ở Việt Nam theo nhiều nhà khoa học dự cuộc hội thảo “Luật quy hoạch – Hướng tới phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu” tổ chức tại TP.HCM ngày 29-4-2016 giống như 63 quốc gia trong một quốc gia, các tỉnh ngành đua nhau ban hành quy hoạch. Tính đến tháng 4-2016, có 80 luật và pháp lệnh, 80 nghị định quy định về quy hoạch. Theo quy định tại các văn bản này, thời kỳ quy hoạch 2011-2020, số lượng quy hoạch phải lập lên tới 19.285 quy hoạch.
Theo tổ soạn thảo dự luật, quy hoạch được lập quá nhiều, chất lượng thấp nên thiếu tính khả thi, gây lãng phí nguồn lực của đất nước, chưa phù hợp với nền kinh tế thị trường. Nhiều ngành nhẽ ra chỉ cần quản lý bằng các điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn thì lại được lập ra các quy hoạch gây trở ngại cho đầu tư và làm cản trở sự phát triển. Ví dụ, có nhà đầu tư đủ điều kiện để xin kinh doanh một ngành, nhưng do quy hoạch đã lập từ trước quy định giới hạn ngành này nên họ không được cấp giấy phép đầu tư.
Hội thảo góp ý dự thảo Luật quy hoạch tại TP.HCM ngày 29-4-2016. Ảnh: Chính Phong
Ngược lại, có rất nhiều quy hoạch được lập ra nhưng lại không thực hiện được mục tiêu quản lý, ví dụ như Quy hoạch phát triển ngành cà phê quy định đến năm 2015, diện tích cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên giảm xuống 470.000 ha nhưng sau 3 năm công bố quy hoạch, diện tích này không những giảm mà còn tăng.
Các quy hoạch thiếu gắn kết, không thống nhất và còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn. Ví dụ, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 13 quy hoạch các loại do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và 53 quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm cấp tỉnh do chính quyền địa phương phê duyệt. Hoặc trong một lĩnh vực có nhiều cơ quan cùng lập những quy hoạch riêng rẽ nhau như ngành dược với Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa dược và Quy hoạch phát triển ngành dược liệu.
Rất nhiều quy hoạch không phù hợp với thực tiễn, không gắn với nguồn lực thực hiện. Qua tổng hợp số liệu các dự án ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nằm trong các quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt giai đoạn 2011-2020, nhu cầu vốn cho các dự án này vào khoảng 390 tỉ USD, song khả năng huy động thực tế chỉ đạt khoảng 50%.
Chỉ ra 10 điểm bất cập, yếu kém trong các quy hoạch, PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, chuyên gia tư vấn về quy hoạch cho biết: “Tôi đi nhiều nơi thấy lập họ lập quy hoạch chỉ để là quy hoạch, là một sản phẩm trên giấy chứ không phải là quá trình, tức là không có tính thực thi. Có nơi lập quy hoạch chỉ để trình diễn khi lãnh đạo trung ương tới làm việc. Cũng còn may là đó chỉ là sản phẩm trên giấy chứ mang ra thực thi còn tệ nữa”.
Theo dự thảo Luật Quy hoạch, thay vì lập quy hoạch tràn lan như hiện nay, thời gian tới chỉ còn 32 quy hoạch cấp quốc gia do các bộ lập, các quy hoạch vùng, 63 quy hoạch của 63 tỉnh và xuống phía dưới là các quy hoạch cụ thể cho đô thị, nông thôn. Thêm một quy hoạch hoàn toàn mới là quy hoạch không gian biển do Thủ tướng chính phủ lập để bảo tồn môi trường biển, phát triển kinh tế biển và bảo vệ an ninh quốc gia biển.
Luật vẫn còn nhiều điểm cần hoàn thiện
Dự thảo Luật quy hoạch hiện gồm 6 chương, 66 điều dự kiến được Quốc hội thông qua vào tháng 4-2017 và có hiệu lực vào 1-1-2018. Các quy hoạch đã được phê duyệt trước ngày luật này có hiệu lực tiếp tục được thực hiện đến hết ngày 31-12-2019. Có nghĩa tình trạng tràn lan về quy hoạch có thể tiếp diễn đến khi đó.
Dự thảo được xây dựng công phu song có nhiều ý kiến cho rằng nó vẫn chưa được hoàn thiện. Theo TS Nguyễn Hoàng Hà từ Viện Chiến lược phát triển, Luật quy hoạch kế thừa nhiều điểm của Nghị định 92/2006, không có điều khoản quy định về căn cứ lập quy hoạch. Luật quy hoạch cũng không có mục tiêu rõ ràng. TS Nguyễn Quang, giám đốc Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc (UN Habitat) cho rằng nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch là hướng tới và phục vụ con người nhưng điều này không ghi trong dự thảo luật quy hoạch.
PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục từ Viện Nghiên cứu Định cư, nhận xét thay đổi thể chế trong quy hoạch là tốt nhưng điều quan trọng không kém là thay đổi tư duy về cách làm quy hoạch. Các quy hoạch vẫn lập ở nước ta hiện nay theo kiểu quy hoạch truyền thống, không có khả năng thích ứng với biến động của xã hội. Các nước tiến bộ trên thế giới hiện nay đều dùng phương pháp quy hoạch chiến lược, phù hợp cho tất cả các cấu trúc tổ chức.
Nhiều ý kiến cho rằng phải xây dựng một cơ sở dữ liệu tập trung tất cả các quy hoạch và công khai dữ liệu này để bất kỳ người dân nào cũng có thể tiếp cận. TS Nguyễn Quang đề xuất lập ra một hội đồng chuyên trách về lập quy hoạch chịu sự điều hành trực tiếp từ Chính phủ, thành viên hội đồng này bao gồm 3 thành phần chính: chính quyền, các bộ ngành, cơ quan nhà nước; các chuyên gia, nhà khoa học; các doanh nghiệp và người dân.
-
Khởi công đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa
Theo thông tin từ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dự án đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa sẽ được khởi công vào sáng 26/12 tại Công viên Hoàng Văn Thụ, phường 2, quận Tân Bình....
-
Phó thủ tướng: Nhiều đồ án quy hoạch phải làm đi làm lại, mất thời gian
Tại phiên chất vấn Quốc hội sáng 4/11, Phó thủ tướng Lê Văn Thành báo cáo bổ sung về thực trạng và những khó khăn khiến nhiều quy hoạch chậm được xây dựng, phê duyệt và triển khai.
-
Có tình trạng điều chỉnh quy hoạch do áp lực từ nhà đầu tư
Trả lời tại phiên chất vấn Quốc hội chiều 3/11, Bộ Trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chỉ ra, có tình trạng điều chỉnh quy hoạch cục bộ do mong muốn thu hút đầu tư hoặc do áp lực từ nhà đầu tư....