Sở QH-KT đang yêu cầu các quận, huyện báo cáo, kiến nghị về quy hoạch không khả thi trên địa bàn để có hướng xử lý.

Ông Nguyễn Thanh Toàn (ảnh), Phó Giám đốc Sở QH-KT TP.HCM: Ở các nước phát triển, người dân rất bình thản, thậm chí còn vui mừng khi nhà của mình được quy hoạch, thu hồi. Đơn giản vì chính sách bồi thường của các nước đó thỏa đáng, công tác quy hoạch làm cho cuộc sống của người dân được đảm bảo thật sự bằng hoặc tốt hơn hiện tại.

Cần chính sách công bằng

. Thế nhưng tình hình có vẻ ngược lại ở ta? Quy hoạch “treo”, dự án “treo” không biết khi nào mới triển khai trong khi quyền lợi của người dân bị giam lại hết...

+ Ông Nguyễn Thanh Toàn: Quy hoạch thì phải “treo” vì mang tính chất định hướng cho tương lai. Vấn đề cần bàn là những quy hoạch thiếu khả thi hoặc không khả thi. Còn dự án thì đúng là có dự án bị “treo” vì đã xác định chủ đầu tư, thời gian thực hiện cụ thể nhưng không triển khai.

Tôi tin rằng người dân sẽ không phản đối, không than vãn khi bị quy hoạch nếu quyền lợi của họ vẫn được đảm bảo. Thế nhưng hiện nay nhiều quy hoạch không khả thi, không biết khi nào mới triển khai nhưng quyền của người dân đã bị ảnh hưởng, họ không bức xúc mới lạ. Quyền lợi của Nhà nước, của chủ đầu tư được bảo đảm nhưng không bảo vệ quyền lợi người bị thu hồi đất là thiếu sòng phẳng.

Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh) là khu dân cư bị quy hoạch “ treo” lâu nhất, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân. Ảnh: HTD

Không ai phủ nhận vai trò của quy hoạch hay đòi hỏi mọi quy hoạch, dự án đều phải triển khai ngay. Quan trọng là chính sách của Nhà nước đối với khu vực bị quy hoạch ra sao.

. Ông cho rằng chính sách không nên siết chặt, “treo” quyền lợi người dân như hiện nay khi chờ quy hoạch triển khai?

+ Tôi đồng ý với quan điểm đừng vì làm quy hoạch mà ảnh hưởng đến quyền lợi thiết thân, hợp lý của người dân như xây dựng, sửa chữa, chuyển nhượng, thế chấp… UBND TP cũng vừa chỉ đạo các sở Xây dựng, TN&MT, QH-KT tham mưu về vấn đề này. Điều đó cho thấy TP rất hiểu, quan tâm và tìm cách tháo gỡ những khó khăn của người dân trong vùng quy hoạch “treo”, dự án “treo”. Đó là một tín hiệu rất đáng mừng.

Nếu rà soát tốt, quy hoạch “treo” đã giảm

. Thưa ông, những nguyên nhân dẫn đến quy hoạch không khả thi, dự án “treo” là chất lượng đồ án quy hoạch không tốt, thiếu ngân sách, quản lý quy hoạch chưa chặt chẽ, có chủ đầu tư xí đất chờ thời… Ngoài ra còn có nguyên nhân nào đáng chú ý nữa?

+ Khâu rà soát, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch của địa phương trong thời gian qua không tốt, không kịp thời là một nguyên nhân quan trọng. Lẽ ra sau một phân kỳ năm năm, phải rà soát hệ thống các đồ án quy hoạch đã lập để đánh giá xem làm được gì, cái nào không còn phù hợp thực tế, cái nào cần tập trung toàn lực thực hiện để tạo đột phá. Đó là lỗi của các quận, huyện lẫn Sở QH-KT, tôi xin thẳng thắn nhận trách nhiệm.

Thời gian qua, các cơ quan lo giải quyết sự vụ quá nhiều mà không tập trung cho những vấn đề mang tính tổng thể như rà soát các quy hoạch không khả thi, dự án “treo”. Mới đây, Sở QH-KT đã gửi văn bản đề nghị tất cả quận, huyện rà soát, báo cáo về những quy hoạch không khả thi trên địa bàn để có hướng xử lý. Các quận 5, 6 và 12 đã có báo cáo khá cụ thể, chi tiết.

. Vậy còn các dự án “treo” thì hướng xử lý ra sao? Đối tượng này còn đáng sợ hơn quy hoạch “treo”. Thậm chí có nơi chỉ mới có quyết định chấp thuận chủ trương của TP nhưng người dân đã bị chặn hết quyền lợi.

+ Tôi ủng hộ việc dứt khoát thu hồi các dự án mà doanh nghiệp tranh thủ xin chấp thuận chủ trương rồi để đó không triển khai hoặc chờ thời cơ để bán trên giấy kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng địa phương nào cho rằng văn bản chấp thuận chủ trương tương đương với quyết định thu hồi đất rồi hạn chế quyền của người dân là hiểu chưa đúng.

Theo tôi biết, Sở TN&MT báo cáo có 193 dự án do doanh nghiệp bồi thường được trên 50% nhưng bị ách lại do nhiều nguyên nhân. Loại này được kiến nghị cho tiếp tục gia hạn. Còn dự án bồi thường dưới 50% thì sở này sẽ báo cáo phân tích nguyên nhân và đề xuất cụ thể hướng giải quyết. Nhưng những dự án như dự án An Phú Đông 650 ha ở Hóc Môn thì dứt khoát phải bị thu hồi vì cả chục năm nay chỉ bồi thường 1%.

. Ông có nghĩ rằng TP sẽ làm được như những gì người dân trông đợi?

+ Tôi tin câu chuyện quy hoạch sẽ giải quyết triệt để vì TP quan tâm đặc biệt đến vấn đề này. Riêng Sở QH-KT bằng mọi giá phải thực hiện lời hứa với TP là đến tháng 9-2013 sẽ phủ kín quy hoạch 1/2000 tại TP.

. Xin cảm ơn ông.

Vướng bồi hoàn là lý do chính

Sở TN&MT thống kê, từ năm 2003 đến 2011, toàn TP có 95 trường hợp đã bị thu hồi và hủy quyết định giao đất. Số lượng trên bao gồm cả đối tượng bị thu hồi theo quy định tại khoản 12 Điều 38 Luật Đất đai (dự án đầu tư mà không được sử dụng trong 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư). Con số này là quá ít so với số lượng các dự án “treo” trên địa bàn.

PGS-TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, nhận định lý do chính khiến rất khó thu hồi dự án “treo” là vấn đề bồi hoàn phần đầu tư chủ đầu tư đã bỏ ra. “Nhà nước sẽ bồi hoàn hay chủ đầu tư sau chịu trách nhiệm này là vấn đề đầu tiên vấp phải” - ông phân tích. Kể cả trong trường hợp Nhà nước chấp nhận bồi hoàn thì số tiền này được tính ra sao là một câu hỏi khó có lời đáp.

“Tôi nghĩ sắp tới khi sửa đổi Luật Đất đai phải đưa vấn đề này vào. Quan điểm của tôi là cứ đánh thuế thật nặng nếu để đất hoang. Thậm chí đến mức nào đó, chủ đầu tư không nộp thuế thì phải chịu trách nhiệm hình sự như các nước. Còn nếu ngại về nghĩa vụ thuế thì họ phải nhanh chóng tìm cách chuyển nhượng lại dự án cho chủ đầu tư khác” - ông bày tỏ.

Được biết từ trước tới nay TP chưa bồi hoàn cho trường hợp nào khi thu hồi dự án. Duy chỉ chủ đầu tư một dự án của quận 9 khiếu nại và đòi bồi hoàn chi phí đầu tư nhưng cả hai phía không thống nhất về số tiền. Sau nhiều năm không giải quyết được, cuối cùng TP phải cho chủ đầu tư trên tiếp tục thực hiện dự án.

Theo báo cáo của Sở TN&MT, hiện toàn TP có 226 dự án đã được UBND TP và Sở TN&MT ban hành văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư. Trong số này chỉ có 33 trường hợp văn bản chấp thuận đầu tư còn thời hạn (trong 12 tháng).

Sở TN&MT kiến nghị các dự án đã thỏa thuận bồi thường trên 50% và đang liên hệ các sở, ngành để thực hiện đầu tư thì được xem xét chấp thuận cho gia hạn. Nhà đất nằm trong khu vực có văn bản chấp thuận địa điểm, về pháp lý là chưa có quyết định thu hồi đất. Do đó, các quyền của người sử dụng đất vẫn được thực hiện. Riêng việc xây dựng mới thì cần phải có ý kiến của các ngành về quy hoạch và xây dựng.

CẨM TÚ

Triển khai chậm tức là “treo” cuộc sống của người dân

Trong đợt giám sát vừa qua của Ban Kinh tế-Ngân sách, thực tế cho thấy còn nhiều dự án chậm triển khai, phần lớn là do dân chưa đồng tình vì chưa có phương án tái định cư. Một số điển hình như dự án khu dân cư Đông Tăng Long (quận 9), khu đô thị Sing-Việt (huyện Bình Chánh)… Theo tôi, chính quyền các cấp cần chỉ đạo một cách quyết liệt với chủ đầu tư, vì đây là những trường hợp vi phạm Nghị quyết 57/2006 của HĐND TP về bồi thường hỗ trợ, tái định cư và đào tạo giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi. Nếu tiếp tục triển khai chậm tức là “treo” cuộc sống của người dân. Ban sẽ có ý kiến chất vấn tại kỳ họp này, đồng thời kiến nghị kỳ họp có nghị quyết để giải quyết các dạng vi phạm này.

Ông PHẠM VĂN ĐÔNG, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách,
HĐND TP.HCM

V.HOA ghi

Theo Cẩm Tú (Báo Pháp Luật)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.