Tìm đáp án riêng cho từng đồ án
Cách đây mười mấy năm, chúng ta suy nghĩ rất lạc quan: “Đất nước nhanh chóng hóa rồng, tiền sẽ đổ ầm ầm vào thị trường, các chủ đầu tư ùn ùn kéo đến”. Viễn cảnh quá đẹp như thế nên công tác lập quy hoạch phải “vẽ” làm sao cho đẹp nhất, cho bằng các nước phát triển.
Khi đó không ai nghĩ đến việc chúng ta sẽ có bao nhiêu tiền để triển khai những quy hoạch này. Thế rồi biến động kinh tế thế giới dẫn đến những khó khăn trong nền tài chính quốc gia đã biến nhiều quy hoạch, dự án đẹp đẽ ngày nào thành những dự án treo, quy hoạch treo.
Mơ ước thì không xấu nhưng khi thực tế diễn biến khác chúng ta phải nên tỉnh lại. Nếu công tác quy hoạch không tốt thì ý tưởng tốt lại trở thành gánh nặng cho người dân. Bây giờ chỉ cần nghe nhà, đất bị quy hoạch là người dân chết điếng, chứ không phải hân hoan rằng gia đình mình sắp được hưởng cuộc sống tốt hơn.
Để giải quyết câu chuyện quy hoạch treo, dự án treo, cần gấp rút tìm hiểu lý do những đồ án đã nhiều năm qua không thực hiện được. Nếu phân tích đúng nguyên nhân thì sẽ tìm ra lời giải thích hợp lý. Chắc chắn rằng sẽ không có lời giải chung cho tất cả dự án treo, quy hoạch treo. Chúng ta phải đi tìm đáp án cho từng đồ án một.
Phần lớn các khu quy hoạch treo thường xảy ra tai nạn xây nhà trái phép. Trong ảnh: Cạnh mảnh đất 2.500 m2 của ông Cao Văn Đựng (phường Linh Xuân, Thủ Đức) là một ngôi nhà xây trái phép. Ông Đựng than thở: "Tôi có đất mà không có tiền không được làm gì trên đất của mình cả". Ảnh: Việt Hoa
Tôi được biết có luồng quan điểm cho rằng nếu điều chỉnh quy hoạch phù hợp thực tế thì đó là bước thụt lùi trong quá trình phát triển đô thị. Họ không hiểu rằng chính những mơ ước quá lớn nhưng duy ý chí là nguồn cội của những quy hoạch không khả thi. Sợ bị thụt lùi, sợ không đạt những chỉ tiêu lý tưởng là căn bệnh của những người thích thành tích!
PGS-TS NGUYỄN TRỌNG HÒA, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển, nguyên Giám đốc Sở QH-KT TP.HCM
Quy hoạch treo do sai về kiến thức đô thị
Lập quy hoạch rất dễ nhưng sửa lại cho đúng thì khó hơn rất nhiều. Do đó, khi muốn sửa sai hay gỡ bỏ quy hoạch, cần hiểu rõ những sai lầm của quá khứ thuộc về loại nào, từ đó mới có thể xác định đúng cách sửa chữa.
Quy hoạch treo không sai về “kỹ thuật vẽ” nhưng sai về kiến thức quy hoạch đô thị. Khi làm quy hoạch, quy trình đơn giản nhất là phải bắt đầu từ quy hoạch tổng thể để định hướng, giới hạn cho quy hoạch chi tiết của các địa phương, sau đó mới tới khâu thiết kế, xây dựng. Tuy nhiên, lâu nay TP lại giao các quận, huyện quy hoạch chi tiết trước, thế là các địa phương cứ thi đua “vẽ” bức tranh của mình thật hoành tráng vì tin là sẽ được TP đầu tư thực hiện. Như vậy, quy hoạch sai là do chúng ta đã đảo ngược quy trình.
Sai ở đâu thì phải sửa từ đó. Trước khi sửa chữa cụ thể cần xác định rõ: Đầu tiên, phải phân biệt rõ trách nhiệm lập quy hoạch tổng thể là của TP, còn quy hoạch chi tiết của quận, huyện phải thực hiện sau. Từ đó sẽ không lặp lại sai lầm cũ, tức không giao cho các quận, huyện tự quy hoạch lại trước khi TP điều chỉnh xong quy hoạch tổng thể.
Thứ hai, phải xác định quy hoạch lại không phải là “vẽ lại” các bản quy hoạch cũ mà phải phân loại thành ba nhóm: ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Cơ sở để phân loại là nhu cầu của xã hội, của nhân dân và khả năng vốn thực tế.
Thứ ba, cần ước tính và công khai thời gian bắt đầu thực hiện các nhóm quy hoạch, trên cơ sở đó quy định hình thức và thời hạn sử dụng đất đối với nhóm trung hạn và dài hạn. Kèm theo đó là những chính sách và mức bồi thường khi giải tỏa trên cơ sở sự đồng thuận của người dân trong từng khu vực.
Tóm lại, sửa sai và tháo gỡ các quy hoạch treo là việc làm cấp bách nhưng phải thực hiện một cách bài bản. Mục đích để tránh tình trạng phải chỉnh sửa nhiều lần sẽ hao tốn ngân sách, thời gian và tăng thêm khó khăn cho đời sống của người dân.
TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam
-
Quy hoạch "treo", dự án "treo": Gánh nặng phải gỡ - Bài 1: Có đất nhưng chẳng biết làm gì
“Bán không được, cất nhà cũng không xong. Có đất mà không có tiền, khổ lắm!” - một người dân than thở.