Đó là vấn đề được khá nhiều nhà khoa học đặt ra ngay tại buổi đầu tiên của Hội thảo góp ý về dự thảo phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 của Thủ đô do UB MTTQ TP.Hà Nội tổ chức từ ngày 5 đến 7-7-2011. Sự chồng chéo trong quy hoạch, tầm nhìn không xa và thiếu đồng bộ... là lý do khiến bộ mặt Thủ đô luôn ở tình trạng "chắp vá” và cũng là những bất cập tồn tại lâu nay trong vấn đề quy hoạch của Thủ đô.
Quy hoạch Thủ đô: Thiếu tầm nhìn và không đồng bộ
Cầu vượt Ngã tư sở vừa đưa vào sử dụng
có nguy cơ bị phá vì dự án đường sắt trên cao?

Quy hoạch theo kiểu "rách đâu vá đấy”

Một chuyên gia về kiến trúc khi nói về quy hoạch Hà Nội hiện nay cho rằng: Công tác quy hoạch của chúng ta chưa có tầm nhìn và không được đồng bộ. Chủ yếu vẫn làm theo kiểu giải pháp tình thế, nói cách khác là... "rách đâu vá đấy”. Việc này cũng giống như việc lúc nào cần cái gì chúng ta làm cái đó chứ chưa nghĩ làm cái gì đó lâu dài nên mới dẫn đến việc phải phá đi, như kiểu làm đường rồi lại đào đường làm nước.

Ông Nguyễn Đức Khiển, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội nêu ra một loạt vấn đề khi nhắc đến công tác quy hoạch, xây dựng ở Thủ đô. Theo ông Khiển, ngoài những vấn đề lâu nay vẫn tồn tại như "câu chuyện” nhà siêu mỏng, siêu méo cứ lặp đi lặp lại mặc dù đã nhiều lần hô hào "kiên quyết xử lý”, hay như tính lộn xộn trong việc đánh số thứ tự nhà... thì việc đang khiến dư luận xôn xao hiện nay đó là quyết định xây dựng hệ thống đường trên cao. Ông Khiển đặt vấn đề: Mặc dù thành phố đã có quy hoạch từ lâu về xây dựng hệ thống tàu điện ngầm và đường sắt trên cao rồi, tại sao còn xây các cầu vượt ở Dịch Vọng, Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng? Ba cầu vượt trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng. Nay xây đường sắt trên cao thì nguy cơ bị phá bỏ là rất lớn. Tổn thất đó ai chịu trách nhiệm? "Có phải do quy hoạch manh mún, tầm nhìn thiển cận hay do sự thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng?” – ông Khiển đặt câu hỏi.

Sự lãng phí trong đầu tư, đầu tư dàn trải, không tập trung cụ thể vào một vấn đề gì... dẫn đến kéo dài các dự án. Giáo sư Nguyễn Mại đưa ra một con số khá ấn tượng: Ước tính mỗi năm chúng ta đầu tư 6 tỷ USD cho xây dựng các dự án– một con số đáng kể nếu biết cách đầu tư thì chúng ta sẽ không có một dự án tới 10 năm không hoàn thiện như dự án khu công nghệ cao Hòa Lạc; có dự án xây dựng nhiều năm sau mới thông đường như dự án cầu Vĩnh Tuy; đấy là còn chưa kể tình trạng năm nào cũng như năm nào, đến hẹn lại... đào lên lấp xuống vỉa hè, các tuyến đường nội đô và ngoại thành gây rất nhiều khó khăn cho người dân.

Cả những khu biệt thự xây xong rồi... để đấy, bỏ hoang gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng. Rồi gần đây, xuất hiện tình trạng nhà xây cho người thu nhập thấp nhưng lại không phải đối tượng thu nhập thấp được ở, mà lại phân cho đối tượng khác khiến người cần thì không có, người có thì không cần.

Cần lựa chọn lĩnh vực ưu tiên

Đó là những mảng tối không hề nhỏ đã và đang làm cho bộ mặt Thủ đô trở nên méo mó mà để giải quyết nó tất nhiên không phải chuyện một sớm một chiều. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến tại hội thảo đều nhấn mạnh, để tránh tình trạng đầu tư lãng phí, xây dựng tràn lan các công trình, dự án, rồi cái gì cũng coi là "trọng điểm”, rất cần phải nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ thành phố cũng như thay đổi cách tiếp cận vấn đề trong các đồ án, kế hoạch, quy hoạch.

Theo Giáo sư Nguyễn Mại, bất cứ một vấn đề gì cũng cần phải có phản biện xã hội của các chuyên gia đầu ngành. "Giá như trước khi bịt ngã tư, giá như trước khi ngầm hóa các đường điện trên cao... thành phố lắng nghe ý kiến phản biện của các chuyên gia thì đâu có chuyện bịt ngã tư xong lại mở, mở xong lại bịt và đâu có chuyện các đường điện trên cao chỗ ngầm hóa, chỗ không...” - GS Nguyễn Mại băn khoăn.

Ngoài ra, để Hà Nội trở thành một đô thị hiện đại, hoàn chỉnh, các chuyên gia đều cho rằng, cần phải lựa chọn nên làm cái gì trước, cái gì sau. Hiện nay không ai hiểu thành phố đang ưu tiên phát triển lĩnh vực nào. Nói như Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội: "Phải xác định cái ưu tiên cho sự phát triển Thủ đô, chứ không thể cái nào cũng ôm đồm, vừa muốn có một Hà Nội phát triển rộng lớn với mô hình "đô thị chùm” lại vừa có một Hà Nội thống thoáng không có ùn tắc, kẹt xe”.
Theo Phương Thảo (Đại Đoàn Kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.