Trong quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, văn hóa làng được chủ trương giữ gìn nhưng thực tế nó đang đứng trước những thách thức của nhu cầu phát triển đô thị.

Văn hoá làng, văn hóa nông thôn trở thành một trong những đối tượng chính được quan tâm trong quy hoạch chung của Hà Nội.


Đối tượng bảo tồn


Cùng với trung tâm chính trị Ba Đình, khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, không gian cấu trúc đô thị phố cổ, phố cũ, các không gian sinh thái cảnh quan, các làng và làng nghề truyền thống cùng các di tích, các cụm di tích đều là những nội dung bảo tồn được lập sơ đồ, quy hoạch và giới thiệu rộng rãi. Di tích và các cụm di tích vốn phân bố dày đặc ở nhiều làng quê cũng như khắp khu phố cổ. Mà khu vực này, theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư VN thì đó là một cái làng đặc biệt, lưu giữ nhiều nét văn hoá làng trên tiến trình đô thị hóa.


Quy hoạch Hà Nội đến 2030: Lo cho văn hóa làng

Quy hoạch liên quan đến văn hóa làng được giới thiệu đến công chúng.


Trong quy hoạch đang trưng bày tại Cung Triển lãm quy hoạch quốc gia ở Mỹ Đình, việc bảo tồn làng hay di tích được đưa thành các định hướng như: Hệ thống hoá làng nghề, các khu vực thuộc làng nghề, các di tích; cải tạo cảnh quan, hạ tầng; phát huy giá trị thương mại, du lịch các nghề truyền thống; bảo tồn gắn với phát triển nông thôn mới; quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo tồn phát huy di tích; khôi phục các lễ hội văn hoá...


Bản quy hoạch phát triển vùng nông thôn cũng dành sự chú ý đến văn hoá làng khi đặt vấn đề: "Bảo tồn các nghề truyền thống, di tích lịch sử văn hoá tôn giáo, cảnh quan thiên nhiên, gắn với khai thác du lịch và giải trí... Đối với nhà ở nông thôn, khuyến khích phát huy phát triển giá trị kiến trúc, bảo tồn không gian làng xóm truyền thống".


Đừng coi nhẹ


Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đặt ra kỳ vọng hết sức lớn cho tương lai của một vùng có tổng diện tích hơn 3.000km2. Vùng đất này đang đứng trước nhiều thách thức gay gắt cho phát triển cũng như giải quyết những mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển.


Trên các hướng tỏa rộng từ khu vực trung tâm Hà Nội là quy hoạch những tuyến đường, những khu đô thị mới, xây dựng và mở rộng các đô thị vệ tinh. Mà "viễn cảnh" này sẽ được phân bố trên các địa bàn nông thôn, bởi chỉ cần ra khỏi nội thành là sẽ gặp liên tiếp các làng - nơi lưu giữ văn hóa nhưng cũng đã rạn nứt rất nhiều trước sự xâm lấn của giao thông, đô thị...


Sự rạn vỡ từng xảy ra rất nhiều khi các quận nội thành của thủ đô mở rộng, đã và đang "ăn" dần vào các làng quê ngoại thành, nhất là khi nhu cầu xây dựng, mua bán đất đai tăng vọt. Vậy thì, các làng quê ở Thường Tín, Phú Xuyên, Hoài Đức, Quốc Oai, Ứng Hòa... sẽ nằm gần hơn những tòa nhà cao tầng, những con đường lớn lúc nào cũng thường trực nạn “bám đường”.


Các cổng làng, cổng xóm, mái đình, cây đa, giếng nước, các đền miếu, từ đường, nhà thờ họ và nhất là phong cách sống truyền thống... rồi đây được bảo vệ và "tự vệ" thế nào?


Họa sĩ Bùi Hoài Mai - người nhiều năm gắn bó, nghiên cứu về nông thôn cho rằng: Với cảnh quan, di sản, kiến trúc làng quê, không được quy hoạch khiên cưỡng, phải giữ lấy hệ thống ao hồ, phải có những điều tra tâm lý học, xã hội học trong nhân dân để nhận ra những biến đổi trong nhận thức, nhu cầu, khiếu thẩm mỹ...


Theo TS Trịnh Hòa Bình - Viện Xã hội học, thì tố chất, thuộc tính, các truyền thống trong cộng đồng nông thôn rất cần được phát huy trở lại. Như vậy, cùng với những vành đai xanh gồm cảnh quan tự nhiên và hệ thống cây xanh, mặt nước sẽ phải tăng cường phát triển, "vành đai truyền thống" có thể là công cụ hữu hiệu để giữ gìn văn hóa làng khi quy hoạch chung của thủ đô đi vào thực hiện.

Theo Hoàng Thi (Dân Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.