27/11/2023 10:51 AM
Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với đồ án “Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065”.

Ảnh minh hoạ.

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2045 xây dựng “Thủ đô Hà Nội – Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Trung tâm động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; Thành phố kết nối toàn cầu, phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị; có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà.

Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065” có các đề xuất mới xây dựng Hà Nội bao gồm:

  1. Thành phố kết nối toàn cầu: Cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng đối với Thủ đô Hà Nội… phát triển liên kết vùng để xây dựng phát triển Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng của vùng động lực phía Bắc (vùng đồng bằng sông 40 Hồng), trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Tập trung phát triển, hoàn thiện và nâng cao các tiêu chi liên quan tới đánh giá thành phố kết nối và có năng lực cạnh tranh toàn cầu về năng lực phát triển kinh tế, trình độ nghiên cứu và triển khai, phát triển văn hóa, điều kiện sống tốt, môi trường đô thị và khả năng tiếp cận và sử dụng giao thông công cộng.

Ngoài ra tiếp cận các xu hướng mới về phát triển xanh, phát triển tuần hoàn, phát triển thích ứng và phát triển bền vững để xác định các giải pháp về quy hoạch không gian, phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và cải thiện chất lượng môi trường đô thị.

Cải tạo các không gian, cơ sở hạ tầng hiện hữu tại khu vực nội đô để đáp ứng các yêu cầu, điều kiện hợp tác quốc tế, kết nối toàn cầu như không gian cơ sở hạ tầng giao thông kết nối quốc tế (sân bay, đường cao tốc); cơ sở hạ tầng tổ chức sự kiện (hội nghị, triển lãm, diễn đàn, cơ sở lưu trú, đảm bảo an ninh, truyền thông)…

Phát triển các cơ sở hạ tầng mới tại các khu vực đô thị mở rộng, đô thị vệ tinh, đặc biệt là khu vực phía Bắc sông Hồng thuộc Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn với cơ sở hạ tầng hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế.

  1. Trung tâm động lực phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia: Tập trung xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hoá của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô.

Tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, các di tích, công trình kiến trúc có giá trị, trọng tâm là các di sản thế giới, di tích quốc gia; đầu tư xây dựng một số công trình văn hoá, thể thao mới, tiêu biểu của Thủ đô (hệ thống nhà hát, quảng trường, tượng đài, công viên, tổ hợp thể thao, trung tâm hội chợ triển lãm,…).

Quan tâm đầu tư đúng mức để phát triển văn hoá, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hoá giữa thành thị và nông thôn; phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện. Chú trọng quy hoạch phát triển không gian văn hóa; xây dựng các thiết chế văn hóa, các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, nhà hát, chiếu phim, công trình văn hóa kết hợp các công trình thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe, công viên vui chơi cho thiếu nhi, vườn hoa, cây xanh, quảng trường, tượng đài, phát triển các khu phố văn hóa, nhà văn hóa tổ dân phố,…, phục vụ nâng cao đời sống nhân dân.

Khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ đất đai, tài nguyên gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên đầu tư, phát triển các chương trình mục tiêu, dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số, kinh tế số, xã hội số, hạ tầng giao thông, đô thị thông minh, hạ tầng liên kết vùng.

  1. Trục sông Hồng: Sông Hồng hội tụ các yếu tố về tự nhiên, văn hóa lịch sử và tầm vóc để so sánh với các đô thị lớn của thế giới, các nền văn minh lớn của quốc tế, xứng tầm để quy hoạch phát triển trở thành biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.

Quy hoạch phát triển hai bên sông Hồng đã được đặt ra ở nhiều thời kỳ quy hoạch trước đây, nhưng chưa đủ nguồn lực, điều kiện để khai thác, phát triển sông Hồng trở thành trục không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt là vấn đề trị thủy, chỉnh trị sông Hồng và các quan điểm khác nhau của các ngành lĩnh vực trong khai thác phát triển sông Hồng.

Thay đổi nhận thức phát triển sông Hồng trở thành không gian phát triển, thể hiện quan điểm ứng xử mới là không gian sinh thái, không gian văn hóa, không gian kinh tế, nơi thể hiện các biểu tượng phát triển của Thủ đô Hà Nội về dịch vụ, khoa học công nghệ, văn hóa, không gian kiến trúc của Hà Nội theo từng thời kỳ phát triển. Trục Sông Hồng được xây dựng trở thành trung tâm hội tụ, điểm nhấn quan trọng của vùng đô thị hóa đồng bằng sông Hồng.

  1. Mô hình thành phố trong Thủ đô: Áp dụng mô hình “Thành phố trong Thủ đô” để tạo các cơ chế chính sách đặc thù vượt trội cho khu vực phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai), phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và dự kiến phía Nam (Phú Xuyên, Ứng Hòa) để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các khu chức năng về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, thương mại dịch vụ; logicstics; thương mại quốc tế; tài chính… để hình thành các động lực, trung tâm phát triển mới của Thủ đô Hà Nội.

Theo từng giai đoạn phát triển, quy định về tiêu chuẩn đơn vị hành chính đô thị, đề xuất Quốc hội, Chính phủ thành lập các đơn vị hành chính cấp đô thị như Thành phố, Quận để có bộ máy quản lý hành chính phù hợp với yêu cầu phát triển.

Trường Anh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.