Huyện Long Thành là nơi quy hoạch nhiều dự án để triển khai. Ảnh: H.GIANG
Theo UBND tỉnh, toàn tỉnh quy hoạch hơn 200 dự án giao thông gồm xây dựng mới, nâng cấp mở rộng các tuyến đường. Bên cạnh đó, có gần 350 dự án khu dân cư, khu đô thị đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Đồng thời, nhiều KCN đã được Chính phủ đưa vào quy hoạch các KCN Việt Nam để triển khai trong thời gian tới. Các yếu tố trên giúp cho đất đai của Đồng Nai ngày càng trở nên có giá và được nhiều nhà đầu tư chú ý.
Giá đất “ăn theo” quy hoạch
Từ cuối năm 2017 đến nay, giá đất ở nhiều khu vực tại Đồng Nai liên tục tăng cao. Dù dịch bệnh Covid-19 có làm “hạ nhiệt” việc chuyển nhượng đất đai, nhưng giá vẫn không có biểu hiện giảm mạnh như ở một số tỉnh, thành khác. Tại những khu vực quy hoạch sẽ mở ra các tuyến đường giao thông kết nối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối các địa phương trong tỉnh, đất đai trở thành “tấc đất, tấc vàng” với giá chuyển nhượng tăng gấp 2-4 lần.
Nhiều nhà đầu tư cho biết, hiện họ rất trông chờ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 ở Đồng Nai được phê duyệt. Bởi, quy hoạch sử dụng đất sẽ là nền để thực hiện các quy hoạch khác, vì thế các nhà đầu tư sẽ căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất để tăng vốn đầu tư các dự án.
Đơn cử, tỉnh có quy hoạch sẽ triển khai 4 tuyến đường chính để kết nối giao thông thuận tiện và tạo đột phá trong phát triển là đường tỉnh 770B, đường tỉnh 773B, đường tỉnh 780B, đường tỉnh 763B. Các tuyến đường này được quy hoạch đi qua các huyện: Định Quán, Xuân Lộc, Thống Nhất, Trảng Bom, Cẩm Mỹ, Long Thành và TP.Long Khánh. Ngay sau khi quy hoạch được công bố, đất đai ở gần nơi các tuyến đường sẽ đi qua đều đồng loạt tăng giá và được nhiều người tìm mua để đón đầu các dự án. Người mua đất đón quy hoạch dự án ở trong tỉnh, nhiều tỉnh, thành khác cũng đổ về Đồng Nai để mua đất.
Ông Lê Văn Hòa, ở xã Suối Nho (H.Định Quán) kể: “Từ khi có quy hoạch tuyến đường tỉnh 770B có điểm đầu từ đường tỉnh 763 đoạn đi qua xã Suối Nho về gần sân bay Long Thành thì đất ở vùng này tăng lên gấp nhiều lần. Cách đây 3-4 năm, đất chỉ khoảng 500-800 triệu đồng/ha, hiện đã tăng lên 1,5-5 tỷ đồng/ha”.
Qua tìm hiểu, hầu hết những địa bàn được quy hoạch làm đường giao thông, KCN, cụm công nghiệp, đất đai đều được nâng giá trị gấp nhiều lần so với trước khi có quy hoạch. Cụ thể, cuối tháng 12-2020, KCN Xuân Quế - Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ) rộng gần 3,6 ngàn ha được Chính phủ bổ sung vào quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam đến năm 2020, nhưng trước đó, thông tin về quy hoạch KCN này đã được biết đến. Do đó, đất đai ở xã Xuân Quế, xã Sông Nhạn và những xã gần KCN trên đã được các cá nhân, doanh nghiệp lùng mua với giá từ 4-8 tỷ đồng/ha, tùy theo vị trí.
Chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ Huỳnh Tấn Thìn cho biết: “Các thông tin về quy hoạch làm đường giao thông, KCN, cụm công nghiệp đã giúp cho đất đai của H.Cẩm Mỹ được chuyển nhượng với giá rất cao. Vì thế, từ đầu năm 2020 đến nay, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành bất động sản đã bắt đầu “đóng băng”, nhưng tại Cẩm Mỹ vẫn nhộn nhịp. Tiền thu lệ phí trước bạ, tiền sử dụng đất tăng cao so với cùng kỳ những năm trước”.
Tất cả các loại đất nông nghiệp, phi nông nghiệp đều được nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh săn đón. Đặc biệt, các khu đất nông nghiệp được quy hoạch trở thành đất ở, đất thương mại dịch vụ, sản xuất, kinh doanh được chuyển nhượng nhiều hơn.
Thu hút nhiều tập đoàn lớn
Các thông tin về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông của Đồng Nai thu hút nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước đến tìm hiểu và đề xuất tỉnh cấp chủ trương đầu tư. Vì trong quy hoạch tỉnh sẽ triển khai hơn 550 dự án về hạ tầng giao thông cấp quốc gia, vùng, tỉnh, huyện và dự án khu dân cư, khu đô thị, thêm 4-6 KCN trong giai đoạn 5 năm tới. Đây là thế mạnh để các tập đoàn đầu tư vào các lĩnh vực vẫn còn nhiều tiềm năng của Đồng Nai như: công nghiệp, thương mại dịch vụ, bất động sản, du lịch. Nhiều tập đoàn lớn đã có mặt tại Đồng Nai và đầu tư vào nhiều lĩnh vực như: Vingroup, Canpital House, Novaland, Amata, Taekwang, Daewoo, FLC, CJ, Masan, Bosch, Intops, Hansol Technics, Aeon...
Một dự án khu dân cư ở H.Long Thành đợi hoàn thành hồ sơ quy hoạch. Ảnh: H.GIANG
Ông Nakagawa Tetsuyuki, Tổng giám đốc Công ty TNHH Aeonmall Việt Nam (100% vốn Nhật Bản) đánh giá: “Tập đoàn Aeon đang gấp rút hoàn thành hồ sơ thủ tục để đầu tư trung tâm thương mại lớn tại Đồng Nai. Dự án sẽ được Aeon ưu tiên đầu tư với số vốn lớn để nhanh chóng thi công, đưa vào khai thác. Tỉnh Đồng Nai đông dân cư, công nghiệp phát triển, giao thông kết nối thuận lợi nên có rất nhiều cơ hội phát triển thương mại dịch vụ và các lĩnh vực khác”.
Vừa qua, Tập đoàn LG (Hàn Quốc) đến Đồng Nai tìm hiểu môi trường đầu tư với mong muốn sẽ liên kết đầu tư các hạng mục liên quan đến chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh. Theo đại diện Tập đoàn LG, hiện LG đang liên kết với một số tập đoàn lớn trên thế giới sản xuất, cung ứng công nghệ 4.0 để triển khai các dự án về thành phố thông minh tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đồng Nai đang triển khai thành phố thông minh nên Tập đoàn LG muốn tham gia một số hạng mục như: KCN thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh, nhà máy thông minh, logistics thông minh…
Đầu tháng 4-2021, Tập đoàn Shire Oak International (Anh) đã đến tỉnh tìm hiểu và đề xuất cấp chủ trương đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tập đoàn này dự tính sẽ liên kết với các doanh nghiệp sử dụng nhiều điện năng trong KCN ở Đồng Nai để triển khai dự án. “Sau khi UBND tỉnh cấp giấy phép đầu tư cho Shire Oak International, tập đoàn sẽ hợp tác với các công ty để triển khai dự án điện mặt trời áp mái. Phía tập đoàn sẽ đầu tư lắp đặt toàn bộ thiết bị và khi phát điện sẽ bán lại toàn bộ cho các doanh nghiệp cho thuê mái nhà xưởng với giá điện rẻ hơn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam” - ông Chris Hooun, Giám đốc chiến lược toàn cầu của Tập đoàn Shire Oak International nói.
Các tập đoàn lớn trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh trên nhiều lĩnh vực góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và khẳng định thương hiệu của Đồng Nai; qua đó tăng thêm sức hút với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào tỉnh. Do đó, các thông tin liên quan đến quy hoạch ở Đồng Nai được rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quan tâm theo dõi. Vì qua đó, các nhà đầu tư sẽ tìm ra các lĩnh vực có tiềm năng để mở rộng đầu tư vào tỉnh.
-
Đồng Nai: Chữa “nghẹn” đất đấu giá
Doanh nghiệp chi cả ngàn tỷ đồng để đấu giá đất tại Đồng Nai, nhưng lại gặp khó khi triển khai dự án.
-
Đồng Nai sắp có một dự án đặc biệt diện tích 100ha tại Long Khánh, dự kiến thu hút 1.000 chuyên gia
Khu vực gần 100 ha ở TP Long Khánh được tỉnh Đồng Nai quy hoạch xây dựng Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân.
-
Hãng thép 50 năm tuổi tại miền Nam huy động thêm vốn từ cổ đông để xây nhà máy tại Đồng Nai
Doanh nghiệp này sẽ dùng toàn bộ nguồn tiền mới để đầu tư dự án sản xuất thép cán xây dựng, bổ sung công đoạn luyện phôi thép công suất 150.000 tấn sản phẩm/năm tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 - Nhơn Phú, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai....
-
Đồng Nai có thêm 672ha đất cụm công nghiệp
Bên cạnh 1.202 ha đất cụm công nghiệp đã được duyệt theo quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 – 2030, địa phương này sẽ bổ sung thêm 11 cụm công nghiệp khác với quy mô 672ha.