05/01/2018 1:16 PM
Nhìn nhận về quá trình phát triển đô thị tại khu vực phía Bắc sông Hồng, nhiều chuyên gia cho rằng vẫn diễn ra tương đối chậm, các dự án mới đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Thách thức lớn nhất hiện nay là tình trạng đô thị hóa tự phát, dẫn đến “quy hoạch vẽ ra thì đẹp nhưng không thực hiện được”.
Theo định hướng quy hoạch phát triển đô thị chung đến năm 2030, khu vực Bắc sông Hồng dự kiến sẽ có quy mô dân số khoảng 1,7 triệu người, được chia thành 4 khu vực gồm khu đô thị (KĐT) Mê Linh – Đông Anh, KĐT Đông Anh, KĐT Đông Anh – Yên Viên, KĐT Long Biên – Gia Lâm.
Nhiều “đại gia” săn đón
Riêng trên địa bàn huyện Đông Anh có hơn 90 đồ án, dự án đã và đang triển khai hoặc được chấp thuận chủ trương.
Cụ thể, có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, đăng ký triển khai các dự án thành phần hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp) như dự án Công viên Kim Quy (Sun Group); dự án Công viên công nghệ phần mềm (Vingroup); dự án Trung tâm tài chính Phương Trạch (Tập đoàn BRG), dự án phát triển đô thị hai bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp và đường Trường Sa (Sun Group); Dự án Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng (công ty Duyên Hà)…
Nơi đây cũng được quy hoạch những công trình công cộng và thương mại quy mô lớn như Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia, Trung tâm thương mại tại xã Kim Nỗ, Khu du lịch sinh thái Vân Nội, Trung tâm giao lưu hàng hóa, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hoa Lâm Viên.
Một số dự án nhà ở thương mại và xã hội như KĐT Bắc Thăng Long, Khu chức năng đô thị Noble, KĐT Uy Nỗ – Việt Hùng; dự án nhà ở xã hội Tiên Dương, Khu nhà ở xã hội Thành phố kết nối xanh – Green link city, nhà ở công nhân Kim Chung… Ngoài ra còn có các dự án đối ứng các dự án BT, các dự án về hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông.
Một trong những hạng mục quan trọng trong chuỗi quy hoạch này là dự án Thành phố Thông minh do Tập đoàn BRG và Mitsubishi dự kiến lập liên doanh triển khai với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, sẽ được khởi công xây dựng vào quý I này.
Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết theo định hướng Quy hoạch chung được duyệt, phía Bắc sông Hồng bao gồm Mê Linh – Đông Anh – Long Biên là khu vực chủ yếu phát triển mới, hình thành các KĐT mới đồng bộ hiện đại và được xác định trong kế hoạch xây dựng đợt đầu của Thủ đô bởi lợi thế về vị trí, đất đai, cơ sở hạ tầng.
“Với lợi thế lớn nằm trên hành lang kinh tế Lào Cai – Hà Nội – Hạ Long và đầu mối của các tuyến giao thông lớn của vùng và quốc gia, tới các cảng biển phía Đông Bắc, Bắc sông Hồng sẽ đô thị hóa nhanh hơn các khu vực khác”, ông Chiến nhận định.
Phía Bắc sông Hồng bao gồm Mê Linh – Đông Anh – Long Biên là khu vực chủ yếu phát triển mới, hình thành các KĐT mới đồng bộ hiện đại và được xác định trong kế hoạch xây dựng đợt đầu của Thủ đô bởi lợi thế về vị trí, đất đai, cơ sở hạ tầng.
Không để đô thị hóa tự phát
Mặc dù có lợi thế về vị trí địa lý, dù cận kề với đô thị trung tâm, nhưng hạ tầng giao thông kết nối giữa Đông Anh với đô thị trung tâm chưa hoàn chỉnh, hạ tầng khung để kết nối với các tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài, Bắc Thăng Long, QL5 kéo dài chưa được đầu tư đồng bộ.
Hơn nữa, các nhà đầu tư thường quan tâm đến khu vực phát triển nóng, có khả năng sinh lời cao, có khả năng thu hồi vốn nhanh như Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên…, nên khu Bắc sông Hồng hầu như còn “bỏ ngỏ”.
Theo Ts. Trương Văn Quảng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (VIUP), để khu vực Bắc sông Hồng phát triển sôi động, Hà Nội cần tập trung quy hoạch, xây dựng KĐT Long Biên – Gia Lâm – Yên Viên theo hướng hiện đại, có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.
Các KĐT Đông Anh, Mê Linh – Đông Anh theo hướng đô thị xanh, thông minh, có kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện đại, thân thiện với môi trường, duy trì bảo tồn cấu trúc các làng cổ.
Trên cơ sở quy hoạch chung, các quy hoạch phân khu và các dự án đầu tư xây dựng đô thị tại phía Bắc sông Hồng được duyệt cần đề xuất giải pháp tập trung đầu tư xây dựng “khung” giao thông và “khung” hạ tầng kỹ thuật.
Đồng quan điểm, Ts. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cũng cho rằng hầu hết các đô thị ngoại vi của Việt Nam hiện nay đều có xu hướng phát triển về hướng sân bay, cảng biển hay theo các con sông lớn.
“Tương lai khu vực Đông Anh và phía Đông Bắc sông Hồng chắc chắn sẽ rất phát triển. Điều này phù hợp với quy luật chung của thế giới”, ông Liêm khẳng định.
Tuy nhiên, ông Liêm cũng cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay đối với việc phát triển các đô thị ngoại vi là tình trạng đô thị hóa tự phát và quy hoạch còn nhiều bất cập.
“Quy hoạch vẽ ra thì đẹp nhưng không thực hiện được. Rất có thể quy hoạch một đằng nhưng xây dựng lại một nẻo như thực tiễn phát triển vừa qua tại một số khu vực của Hà Nội do tình trạng yếu kém của công tác quản lý nhà nước và sự thao túng của các nhóm lợi ích”, ông Liêm nói.
Do đó, ông Liêm cho rằng nên cố gắng tập trung mọi nguồn lực vào phát triển hoàn chỉnh và nhanh gọn các KĐT mới dở dang như khu Mỹ Đình, Tây Hồ Tây và hiện tại khu Nhật Tân – Nội Bài.
Ông Liêm cũng đã kiến nghị Tp. Hà Nội nên sớm chuyển huyện Đông Anh thành quận để tạo điều kiện thuận lợi triển khai dự án KĐT Nhật Tân – Nội Bài.
Chủ đề: Các dự án BT, BOT
Minh Trang (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.