Đô thị nóng lên từng ngày
Theo thống kê của Hiệp hội bất động sản Việt Nam, thời điểm năm 2016, cả nước hiện có gần 1.000 toà nhà cao tầng, văn phòng hiện đại. Thế nhưng chỉ sau hai năm, thống kê sơ bộ cho thấy, cả nước đã có khoảng 3.000 tòa nhà chung cư, tập trung chủ yếu tại thành phố Hà Nội và TP.HCM, đến mức được gọi tên là “thành phố của những toà nhà chọc trời”.
Mô hình đô thị nén với sự hình thành các tòa nhà cao tầng là xu hướng phát triển của nhiều thành phố trên thế giới nhằm khai thác hiệu quả không gian đô thị và gia tăng giá trị sử dụng đất đai. Nhất là trong bối cảnh tốc độ đô thị hoá, tốc độ gia tăng dân số cơ học ngày càng cao.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, loại hình nhà ở này đang trở thành “tội đồ” khi bị coi là tác nhân gây nên hàng loạt những vấn nạn của đô thị hiện đại như bức tử hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, gây hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm không khí, triệt tiêu không gian xanh, đồng thời kéo theo sự biến mất của hệ thống ao hồ, gia tăng nhiệt độ đô thị…
Một thống kê cho thấy năng lượng tiêu thụ cho các công trình nhà ở cao tầng từ năm 1994 đã chiếm khoảng 23-24% tổng số năng lượng tiêu dùng và không có dấu hiệu dừng lại trong những năm gần đây.
Quy hoạch đô thị Việt Nam đang đi ngược với xu hướng phát triển đô thị trên thế giới.
Bình luận về hiện trạng này, PGS.TS Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư, cho rằng đô thị hóa là một trong những nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu. Không gian đô thị ngày một nóng lên, đến mức nhiệt độ thật của khí hậu là 30-40 độ C nhưng nhiệt độ do bê tông hóa, đô thị hóa thì phải cộng thêm 10-15 độ C nữa.
Lấy dẫn chứng từ Hà Nội, bà Thục đánh giá, việc cấp phép xây dựng bừa bãi và quá trình xây dựng vi phạm những quy chuẩn rất cơ bản của xây dựng đô thị là hai căn bệnh rất nặng gây nên những vấn nạn trên.
Bà Thục cho rằng, vấn đề nóng trong đô thị có rất nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là ba nguyên nhân sau.
Thứ nhất là xây dựng bừa bãi những dãy nhà cao tầng chắn mặt tiền của thành phố, chắn những hướng gió chủ đạo vào thành phố vào mùa nắng nóng, chặn mất luồng gió từ thiên nhiên làm mát thành phố.
Tại TP.HCM, các dãy nhà cao tầng xây chắn các mặt tiền của sông Sài Gòn, khiến hướng gió đông nam, gió tốt vào trong thành phố không còn nữa. Tương tự tại Hà Nội, toàn bộ phần phía đông nam của thành phố hay toàn bộ phần bê tông hóa bên bờ sông Hồng của Hà Nội, chưa kể vùng Hồ Tây cũng bị thu hẹp bởi mật độ xây nhà cao tầng rất lớn, thậm chí có những tòa nhà xây sát mặt hồ mà cao đến 70-80 tầng.
“Việc chặn tất cả các hướng gió tốt của thành phố là vấn đề nhiều thành phố lớn trên thế giới không dám làm. Nhưng chúng ta thì cho xây dựng tràn lan”, bà Thục nhấn mạnh.
Thứ hai, trong quy hoạch chung, các thành phố đều cấm sự phát triển của chung cư cao quá 25 tầng trong nội đô lịch sử (Hà Nội tính là bốn quận nội thành cũ). Trên thực tế, toàn bộ khu vực mà chúng ta nghĩ rằng giảm mật độ thì nhiệt độ lại tăng cao nhất.
“Chúng ta nhìn thấy vùng Liễu Giai, Daewoo, mật độ rất khủng khiếp, không kém gì Hồng Kông. Sắp tới trong lòng nội đô, khu vực nhà máy rượu Lò Đúc hay Trung tâm triển lãm Giảng Võ hoặc một số khu vực nhà máy di dời trong nội thành cũ sẽ mọc lên những toà nhà cao tầng, không còn những quy chuẩn xây dựng tối thiểu nữa mà dày đặc bê tông hóa”, bà Thục cho biết.
Một dẫn chứng khác là bán đảo Linh Đàm, một miếng đất rất nhỏ, nhưng chất lên đó cả 12 tòa chung cư của Mường Thanh, với dân số lên 30.000 người.
“Chúng ta đã bê tông hóa những khu đất vốn đã chật chội hoặc là những lá phổi xanh của thành phố”, bà Thục cho hay.
Thứ ba, trong quy chuẩn xây, các khu chung cư đều nêu rất rõ là các đầu hồi phải cách nhau ít nhất 17 mét hoặc cách 1,5 lần chiều cao tòa nhà để tránh bóng đổ vào nhau và tránh chuyện lây lan hỏa hoạn nếu xảy ra. Việc tuân thủ các nguyên tắc này cũng giúp các chung cư lấy đủ ánh sáng và gió.
Ngoài ra, một số quy tắc tối thiểu khác là khi xây dựng các tòa cao ốc phải tránh xa những cấu trúc tự nhiên, hoặc ít nhất phải lùi cách tự nhiên (ví dụ như bờ sông) ít nhất 1,5 lần chiều cao của tòa nhà để tránh bóng đổ vào các cấu trúc đó.
Thứ nữa phải dành ra các khoảng đất công cộng để người dân thành phố tiếp cận các không gian thiên nhiên. Tuy nhiên, chúng ta dường như chưa làm được, tất cả những tiêu chuẩn này chúng ta đều vi phạm.
Quy hoạch ngược
Một trong những nguyên lý phát triển đô thị được Singapore ứng dụng là đưa thiên nhiên gần gũi với con người. Theo đó, cần phải tôn trọng thiên nhiên, hòa quyện thiên nhiên vào đô thị để giúp đô thị được “mềm hóa” các khía cạnh “thô cứng” của một khung cảnh đầy rẫy hàng loạt cao ốc.
Điểm chung của rất nhiều các thành phố trên thế giới là đều quy hoạch các con sông lớn vào trong lòng đô thị. Ảnh minh hoạ.
Trên thế giới, những thành phố có dòng sông chảy qua, có hồ hiện hữu đều cấm xây các nhà biệt thự hay nhà dân sát các không gian thiên nhiên mà phải để ít nhất một khoảng lùi cỡ 100 mét trở lên dành cho công cộng.
Năm 1960, thành phố Tokyo phát triển bên bờ sông Arakawa đạt ngưỡng 10 triệu dân và trở thành siêu đô thị thứ hai trên thế giới. Sau đó, các siêu đô thị khác lần lượt được hình thành như Moscow, Paris- Ile-de-France, Delhi, Istanbul, Osaka, Thượng Hải, Cairo… Chúng có một đặc điểm chung là đều quy hoạch các con sông lớn vào trong lòng của đô thị.
Trong khi đó, Việt Nam lại lấy mặt tiền sông, mặt tiền bờ hồ để xây dựng. Chúng ta quây thành dãy, bịt kín các bờ sông, bờ hồ.
Bà Thục cho biết, người Pháp khi xây dựng có nguyên tắc ứng xử với tự nhiên là giữ lại “cấu trúc nước”. Trước đây, con kênh của sông Tô Lịch dẫn từ chợ Đồng Xuân ra Hồ Tây, người Pháp lấp con kênh nhưng không biến thành đất ở mà biến thành đường, vỉa hè và trồng hai hàng cây ở hai bên bờ.
Hay cấu trúc vỉa hè của con phố Phan Đình Phùng hiện nay là nhắc lại cấu trúc tự nhiên của con kênh, mang lại không khí tự nhiên, trong lành. Đây là những ví dụ của sự tôn trọng và hiểu được giá trị của không khí, giá trị của cảnh quan và hiểu được vẻ đẹp, chức năng tối ưu cho một thành phố.
Thế nhưng, trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị, chúng ta lấp đi đến 95% các mặt nước và cấu trúc tự nhiên của Hà Nội. Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm từng đạt mật độ cây xanh là 5-6 m2/người, hiện chỉ còn 0,4 m2/người. Hà Nội trước kia cũng từng giữ được mật độ cây xanh vào khoảng 3-4m2/người, bây giờ chỉ còn 0,8m2/người.
“Chúng ta đã vi phạm những quy chuẩn rất cơ bản của xây dựng đô thị”, bà Thục nói.
Theo bà Thục, không gian đô thị phải chồng khít với không gian kinh tế thì người dân mới an cư được. Lúc này, các khu dân cư cần phải được tổ chức lại. Giải pháp thích hợp vẫn phát triển nhà cao tầng nhưng với các không gian mở và dải cây xanh cần thiết. Trong đó, Singapore và Hồng Kông là những ví dụ tốt nhất của xu hướng này.
Giới chuyên gia thì cho rằng, một đô thị có mật độ dân số cao thường không có nhiều sự lựa chọn cho một quy hoạch hoàn hảo. Nhưng cũng chính vì thế mà các nhà quy hoạch cần phải tính toán kỹ lưỡng sao cho sử dụng hiệu quả cao nhất của từng tấc đất khan hiếm. Đó chính là sự kết hợp của quy hoạch dài hạn, chính sách đất đai phù hợp, có sự kiểm soát trong phát triển và thiết kế thông minh.
-
Hà Nội - Phá vỡ quy hoạch đô thị
Nhiều dự án ở Hà Nội, từ khu đô thị đến đơn lẻ đều có sự điều chỉnh về quy hoạch, mật độ xây dựng theo hướng tăng lên, phá vỡ quy hoạch ban đầu, đang gây bức xúc cho xã hội. Điều đáng lo ngại, thực trạng này có thể rơi vào vòng luẩn quẩn, khó tìm ra lời giải thỏa đáng.