Báo Lao Động đã có loạt bài phản ánh những bất cập trong quy hoạch cảng Kê Gà, dẫn tới 13 nhà đầu tư khu du lịch bị thiệt hại với giá trị gần 1.000 tỉ đồng. Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản phúc đáp về vấn đề này, với đề nghị các nhà đầu tư khu du lịch… “cùng thông cảm”(?!).

Những khách sạn cao cấp mới xây tại các khu du lịch sẽ phải đập bỏ, nếu xây dựng cảng Kê Gà. Ảnh: Đ.A

“Thấu hiểu” và “thông cảm”?

Tại văn bản số 3377/UBND-ĐTQH, ngày 31.8.2012, gửi các nhà đầu tư khu du lịch, ông Nguyễn Ngọc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận – cho rằng: Dự án cảng Kê Gà mà tỉnh Bình Thuận đang thu hồi mặt bằng là xuất phát từ chấp thuận chủ trương của Chính phủ tại công văn 6055/VPCP-CN ngày 22.10.2007 và Quyết định 2190/QĐ-TTg ngày 24.12.2009 về phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển VN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Khu vực Kê Gà đã được tỉnh Bình Thuận quy hoạch du lịch và cấp phép cho 13 nhà đầu tư vào xây dựng các khu du lịch cao cấp. Việc quy hoạch cảng Kê Gà dẫn đến phải di dời, giải tỏa các dự án du lịch, gây thiệt hại cho các chủ đầu tư... Thừa nhận như vậy, thay vì phải giải đáp thỏa đáng việc tiền hậu bất nhất, thay đổi quy hoạch đầu tư trên cơ sở luật pháp nào, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận chỉ viện dẫn các văn bản trung ương nêu trên và khẳng định chung chung là “phù hợp Điều 6 và Điều 11 của Luật Đầu tư”(?). Việc thu hồi lại đất là “không vi phạm Điều 15, Điều 38 – Luật Đất đai”(?)... Từ đó, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị các nhà đầu tư “thấu hiểu” và “cùng thông cảm”(?!).

Trong khi đó, văn bản 6055/VPCP-CN ngày 22.10.2007 của Chính phủ hoàn toàn không nhắc gì tới quy hoạch cảng Kê Gà, riêng Quyết định 2190/QĐ-TTg ngày 24.12.2009 của Thủ tướng Chính phủ chỉ là quy hoạch chung cho cả hệ thống cảng biển trên cả nước... Tuy nhiên, trước khi có Quyết định 2190/QĐ-TTg ngày 24.12.2009, từ năm 2007, chính quyền tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu các chủ dụ án... dừng xây dựng, để trả lại đất (?). Thật phi lý, quy định của luật pháp cho thấy, trước khi thu hồi đất để làm một dự án, phải tuân thủ qua các bước như: Có quy hoạch chi tiết ngành nghề, chủ đầu tư phải trình dự án kỹ thuật, phương án bồi thường, công bố quy hoạch, lấy ý kiến người dân... Ở đây, trong lúc chủ đầu tư cảng Kê Gà là Tập đoàn Than – Khoáng sản VN (TKV) chưa đáp ứng các tiêu chí trên, tỉnh Bình Thuận đã vội vàng thu hồi giấy phép đầu tư, thu hồi đất của các chủ dự án du lịch; trong khi chưa đưa ra phương án, giá cả bồi thường thỏa đáng...

Quá nhiều bất lợi

Không phải ngẫu nhiên, có tới 4 lần TKV tuyên bố khởi công xây dựng cảng Kê Gà, rồi lại dừng. Theo ông Kiều Diên – Phó GĐ Sở KHĐT tỉnh Bình Thuận - có quá nhiều khó khăn, trở ngại trong việc thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng đã làm cho dự án cảng Kê Gà không thể khởi công như dự kiến. Các khoản mục kê khai đầu tư vào đất, chi phí khác nhau, nên khó đưa ra một quy định chung, mà phải kiểm tra, đánh giá từng dự án. Hầu hết các khoản chi phí lớn như san lấp mặt bằng, khai phá đất, DN kê khai, nhưng không có hồ sơ chi tiết và thiết kế ban đầu, giá đền bù thấp, nên đa số các nhà đầu tư phản đối, không chịu trả lại đất...

Kỹ sư Phạm Hùng Sơn – GĐ Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Bình Thuận – cũng nhận định: “Vùng biển khu vực tỉnh Bình Thuận có hiện tượng nước trồi rất mạnh, nên khu vực mũi Kê Gà nằm trong vùng xảy ra hiện tượng “nước trồi” là hiển nhiên. Hiện tượng trên không hề thích hợp để xây dựng ở đây một cảng biển, rất nguy hiểm cho tàu bè. Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, người ta đã thống kê có tới 14 tàu hàng đã bị tai nạn thảm khốc ngay tại khu vực này”. Trong lúc đó, ngày 14.6.2012, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến tại Thông báo số 216/TB-VPCP, chỉ đạo cho TKV phải “rà soát lại quy hoạch cảng Kê Gà”, “xem xét phương án vận chuyển alumin (bauxite) từ các nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ qua cảng Vĩnh Tân; so sánh với phương án vận chuyển qua cảng Gò Dầu (Đồng Nai), xây dựng mới cảng Kê Gà hoặc phương án kết hợp vận chuyển qua các cảng để lựa chọn phương án hợp lý nhất”.

Rõ ràng, về mặt địa lý, cảng Kê Gà không thích hợp, về mặt khí tượng thủy văn, chuyên gia Phạm Hùng Sơn khẳng định “nước trồi” là bất lợi; trong lúc đó, dự án cảng Kê Gà không được các nhà đầu tư chấp nhận, khi dự án có nguy cơ gây thiệt hại lợi ích hợp pháp chính đáng của họ hàng trăm tỉ đồng... Một dự án cảng biển, với quá nhiều bất lợi như vậy, thì dẫu cho các nhà đầu tư du lịch có “thấu hiểu” và “cùng thông cảm” với chính quyền địa phương cũng chẳng giúp được gì để dự án được khả thi.

Dự án cảng Kê Gà do TKV làm chủ đầu tư có quy mô dài 2,3km bờ biển, diện tích 366ha (296ha mặt biển, 70ha đất liền), tổng vốn đầu tư cả 3 giai đoạn khoảng 1 tỉ USD. Riêng giai đoạn 1 là 4.100 tỉ đồng.
Theo Cao Nguyễn Đông Anh (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.