° Về các trường hợp thu hồi đất: Luật Đất đai sửa đổi đã thu hẹp các trường hợp nhà nước thu hồi đất, từ 6 trường hợp xuống còn 4 trường hợp. Cụ thể như sau: thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh (Điều 61); thu hồi đất để phát triển kinh tế - vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 62); thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai (Điều 64) và thu hồi đất do chấm dứt sử dụng đất (Điều 65). Tương ứng với các điều luật, Luật Đất đai sửa đổi quy định một cách chi tiết các trường hợp thu hồi đất.
Luật Đất đai trước đây quy định một cách chung chung về căn cứ thu hồi đất vì mục đích quốc phòng - an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia - công cộng, phát triển kinh tế - xã hội thì nay Luật Đất đai sửa đổi đã có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn. Theo đó, để thu hồi đất, ngoài việc phải thuộc các trường hợp được thu hồi đất, còn phải căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; tiến độ sử dụng đất thực hiện dự án. Quy định này đã giúp giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trên thực tế trong việc xác định đúng trường hợp thu hồi đất cụ thể, đồng thời khắc phục tình trạng tùy tiện trong thu hồi đất.
Luật Đất đai sửa đổi cũng bổ sung các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục cưỡng chế thực hiện thu hồi đất, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết về điều này để áp dụng thống nhất trong cả nước vì đây là vấn đề phức tạp và có liên quan đến quyền và lợi ích của người dân.
° Về vấn đề bồi thường khi nhà nước thu hồi đất: Luật quy định việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Việc bồi thường khi nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm “dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật”. Bên cạnh đó, Luật Đất đai sửa đổi đã bổ sung những quy định khá chi tiết về điều kiện được bồi thường về đất (Điều 75), cũng như các quy định liên quan đến bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất đối với từng loại đất, từng đối tượng cụ thể. Để đảm bảo cuộc sống ổn định của người dân sau khi bị thu hồi đất, Luật Đất đai sửa đổi bổ sung quy định về các khoản hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất như: hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm; hỗ trợ tái định cư và các khoản hỗ trợ khác.
° Đối với vấn đề tái định cư: Thực tế cho thấy có nhiều trường hợp bố trí nơi ở tái định cư không phù hợp, kém chất lượng, hoặc nhà tái định cư chưa được xây xong nhưng người dân đã bị thu hồi đất, dẫn đến tình trạng nhiều người phải bán đi suất tái định cư của mình để lấy tiền mua nhà mới. Để khắc phục tình trạng này, Luật Đất đai sửa đổi đã quy định khi thu hồi đất mà phải bố trí tái định cư, UBND cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và tổ chức thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất. Khu tái định cư tập trung phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền. Việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng của khu tái định cư.
Việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai sửa đổi với những quy định chặt chẽ và hợp lý hơn về thu hồi, bồi thường đất sẽ góp phần giảm bớt khiếu kiện kéo dài, gây mất thời gian, tiền bạc của nhà nước và người dân.
Luật sư Phan Vũ Tuấn (Văn phòng Luật sư PHANS)
-
Xử lý thế nào đối với trường hợp xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp rồi bán cho người khác?
UBND thành phố Bảo Lộc vừa báo cáo một số nội dung về sự bất cập của một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực đất đai.
-
Hạn chót báo cáo Chính phủ kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo về Luật đất đai (sửa đổi)
Thủ tướng ấn định thời hạn Bộ TN&MT phải trình lên dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là 1/4, trong đó báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo này. Theo thống kê của Bộ TN&MT, cơ quan đã tiếp nhận gần 8.000 ý kiến đóng góp của người dân....
-
Đề xuất ban hành bảng giá đất 2-3 năm một lần
HoREA đề xuất không ban hành bảng giá đất hàng năm mà nên ban hành bảng giá đất định kỳ 3 năm hoặc 2 năm một lần.