Tốn thêm tiền, thời gian
Một hộ dân đi xin cấp phép xây dựng (CPXD) căn nhà 80 m2, cao 3 tầng trên đường Phạm Thế Hiển (Q.8) cho biết theo quy định trước đây chỉ cần bản vẽ kiến trúc, tốn khoảng 3-4 triệu đồng, còn quy định mới phải thuê làm bản vẽ kết cấu tốn thêm khoảng 10 triệu đồng và khoảng 1 tháng để hoàn thành. Trước đây, người dân có thể sử dụng 17 loại giấy tờ nhà, đất được cấp trước và sau năm 1975 để làm cơ sở xin CPXD. Thậm chí nhà, đất chưa có giấy chủ quyền, nhưng trong khu dân cư ổn định, không có tranh chấp, đủ điều kiện cấp giấy chủ quyền nhưng chưa làm thủ tục cấp giấy cũng được CPXD. Giờ đây, theo Nghị định 64, phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất mới được CPXD.
Quy định cấp phép xây dựng mới phát sinh nhiều vướng mắc - Ảnh: Đình Sơn
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, nhận xét quy định mới yêu cầu phải có quy hoạch chi tiết 1/500, có quy chế quản lý đô thị… thì mới được CPXD. Trong khi ở TP.HCM chưa quận, huyện nào có quy hoạch 1/500, chỉ những dự án của doanh nghiệp mới có quy hoạch này.
Bản thân quy hoạch chi tiết 1/500 đã quy định rõ về khoảng lùi, tầng cao, kiến trúc… rất chi tiết, đầy đủ trước đây, những dự án đã được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 thì không phải xin CPXD, chủ nhà chỉ xây dựng theo mẫu nhà chung của toàn dự án. “Những người đã mua nền đất tại các dự án mà chưa kịp xây dựng sẽ phải làm thêm khâu xin phép. Như vậy sắp tới, hàng ngàn lô đất trong các dự án nhà ở liên kế phải làm thêm khâu xin CPXD. Điều này chỉ thêm phiền toái, làm khổ dân, thêm việc cho doanh nghiệp. Bản thân nhà nước ôm thêm việc không cần thiết, tốn kém kinh phí thực hiện”, ông Nghĩa nói.
Không thể thực hiện
Lộ giới không được CPXD tạm Trước đây, TP.HCM cho CPXD tạm trên đất lộ giới, thì nay với Nghị định 64 không được CPXD đối với các trường hợp này mà chỉ cho tiếp tục sử dụng theo hiện trạng cũ. Theo UBND TP.HCM, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu sửa chữa, cải tạo và xây dựng lại công trình, nhà ở của người dân khi đã xuống cấp, có nguy cơ sập. Đồng thời cũng ảnh hưởng đến bộ mặt kiến trúc đô thị. UBND thành phố kiến nghị trong một số trường hợp được CPXD tạm và tồn tại cho đến khi thực hiện mở rộng đường. |
Lãnh đạo một quận thừa nhận hiện quy hoạch chi tiết 1/500 hầu hết đều do chủ đầu tư lập khi triển khai một dự án cụ thể. Theo tiến độ, quy hoạch chung 1/2.000 ở các quận, huyện đến tháng 9.2013 mới xong, còn 1/500 thì chưa biết khi nào. Như vậy, ngoài các dự án mà doanh nghiệp đã lập quy hoạch 1/500 thì phần diện tích còn lại (chưa phủ quy hoạch 1/500 - PV) sẽ không thể nào CPXD được.
“Người soạn thảo không làm ở địa phương, nên đưa ra quá lý tưởng nhưng không thể thực hiện được với thực tế hạ tầng hiện nay. Nếu áp dụng theo đúng quy định này thì ở địa bàn quận sẽ không cấp được giấy phép nào cả. Không nên chi tiết như vậy, mà nên giao về cho địa phương có khoảng hở để địa phương cấp phép cho phù hợp, làm sao không trái với luật Xây dựng, luật Quy hoạch là được”, vị này đề xuất.
Một cán bộ của Sở Xây dựng nói rằng nếu quy định mới không được sửa thì không CPXD. Không chỉ ở TP.HCM mà các tỉnh thành khác cũng vướng vì chưa có địa phương nào có quy hoạch 1/500. Hiện Sở đang có khoảng 50 hồ sơ chưa được giải quyết gồm những hồ sơ đã nộp trước khi Nghị định 64 có hiệu lực nhưng chưa kịp cấp và một số hồ sơ mới.
Liên quan đến điều kiện khi được CPXD phải phù hợp quy hoạch 1/500, quy chế quản lý đô thị, kiến trúc đô thị, thiết kế đô thị… được cơ quan nhà nước ban hành, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng kiến nghị, đối với nhà liên kế trong khu đô thị cho phép thành phố được CPXD theo quy định cũ. Đối với các khu vực chưa có quy hoạch 1/500 cho phép căn cứ giấy phép quy hoạch, chứng chỉ quy hoạch… để CPXD. Thành phố cũng kiến nghị không quy định bản vẽ kết cấu trong hồ sơ CPXD, nhằm tách công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình ra sau giai đoạn CPXD.