03/08/2010 2:21 AM
Bà Đỗ Thị Loan, Tổng Thư ký HOREA, cho biết nếu doanh nghiệp bất động sản phải nộp tiền SDĐ tính theo giá thị trường theo Nghị định 69 thì gần như 100% doanh nghiệp đều chết.

Nhiều ý kiến cho rằng, những hệ lụy từ quy định của Nghị định 69/2009/NĐ-CP về quy hoạch sử dụng đất, giá đất bồi thườn đang khiến nhiều dự án đình trệ, doanh nghiệp bất động sản có nguy cơ… phá sản


Bà Loan dẫn chứng hiện nay doanh nghiệp Sacomreal có nguy cơ mất đối tác ngoại trong một dự án lớn. Vì nếu áp dụng quy định mới về nộp tiền SDĐ thì đối tác ngoại… sẽ xem xét lại việc hợp tác đầu tư giữa hai bên.

Đại diện của Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị HUD cho rằng với quy định nộp tiền SDĐ mới này thì doanh nghiệp chỉ muốn làm dự án nhỏ mà không dại đi làm cả khu đô thị. Như trường hợp của HUD giải phóng mặt bằng đến đâu làm hạ tầng đến đó, khi hạ tầng làm xong thì giá đất khu ấy tăng lên. Nếu áp dụng Nghị định 69 tính tiền SDĐ theo giá thị trường thì doanh nghiệp chỉ có… chết đứng.

Nhiều ý kiến khác phát biểu hạn chế lớn nhất của nghị định này là tính hồi tố vì doanh nghiệp đang thực hiện chính sách cũ sẽ bị tăng chi phí ngoài dự tính. Thậm chí những dự án đã đưa vào kinh doanh, đã bán cho khách hàng trên cơ sở cách tính tiền SDĐ cũ nay không thể xử lý vì vượt quá khả năng doanh nghiệp…

Theo ông Nguyễn Văn Tạo, Giám đốc Công ty Bất động sản NVT, trước khi có Nghị định 69 thì tiền SDĐ tại các dự án được thu 100% theo bảng giá đất được UBND tỉnh, TP ban hành trừ đi chi phí bồi thường và hỗ trợ di dời. Cách tính này chưa phải tối ưu nhưng dễ tính, dễ thu và mức thu không cao (do bảng giá đất ban hành hằng năm chỉ bằng 30%-40% giá thực tế thị trường - PV).

Nay thực hiện theo Điều 11 Nghị định 69 thì các dự án bất động sản (thực hiện theo hình thức giao đất có thu tiền SDĐ) muốn nộp tiền SDĐ trước hết phải mời tư vấn định giá đất theo sát giá thị trường, sau đó Sở Tài chính địa phương xem xét, trình UBND TP quyết định số thu tiền SDĐ với mức bằng 100%.

“Cách tính mới này khiến tiền SDĐ doanh nghiệp nộp rất cao và doanh nghiệp không biết ấn định vào giá thành sản phẩm để kinh doanh như thế nào” - ông Nguyễn Văn Tạo cho biết.

Ông Lương Trí Thìn, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Đất Xanh, cho biết: “Một dự án căn hộ ở Gò Vấp của chúng tôi đã xây đến tầng bảy nhưng không bán hàng được vì không biết sẽ nộp tiền SDĐ như thế nào”. Việc này hiện nay doanh nghiệp qua Sở Tài chính thì sở này bảo mời công ty thẩm định giá đất rồi xem xét.

Cùng cảnh ngộ, ông Lê Văn Tú, Giám đốc Công ty Phát triển nhà Bình Dân, cho biết đã có đơn kêu cứu gửi UBND TP về vấn đề nộp tiền SDĐ tính theo giá thị trường. Theo ông Tú, cách tính giá mới này không hợp lý, thiếu khoa học “như dao sắc kề vào cổ doanh nghiệp”.

Công ty ông khi làm một dự án khu dân cư ở Thủ Đức đã không triển khai được. Vì khi nhờ một công ty thẩm định giá về mức giá thị trường để nộp tiền SDĐ, số tiền phải nộp hơn 54 tỉ đồng. Trong khi với 7.000 m2 đất ở thì số tiền công ty bán ra (mỗi m2 hơn 7,7 triệu đồng) cũng chỉ hơn số tiền SDĐ phải nộp một chút xíu.

Ông Phan Văn Thọ, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng việc doanh nghiệp lấy Nghị định 69 để bức xúc vấn đề nộp tiền SDĐ là không chính xác. Theo ông Thọ, quy định này đã có trong nhiều văn bản pháp luật khác của Bộ Tài chính. Vấn đề nộp tiền SDĐ theo cách tính mới và nộp như thế nào là trách nhiệm của các cơ quan hành pháp như Sở Tài chính…

Còn đại diện Sở Tài chính TP thì phát biểu dưới dạng chung chung: “Đến dự tọa đàm này để tiếp thu kiến nghị đề xuất của doanh nghiệp để trình lên các cấp thẩm quyền cao hơn xem xét”.

Chốt lại buổi họp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HOREA cho biết, hiệp hội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan thẩm quyền khác để kiến nghị và đề xuất tháo bỏ những vướng mắc trong cách tính về việc nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường. Theo ông Châu, đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của doanh nghiệp và cả thị trường bất động sản.

"Từ khi Nghị định 69 (Nghị định 69/2009/NĐ-CP về quy hoạch sử dụng đất, giá đất bồi thường, hỗ trợ tái định cư) có hiệu lực đến nay chưa có doanh nghiệp nào ở TP.HCM đóng tiền sử dụng đất (SDĐ) vì thủ tục xác định giá thị trường quá phức tạp. Không chỉ vậy, những hệ lụy từ quy định của nghị định này đang khiến nhiều dự án đình trệ, doanh nghiệp bất động sản có nguy cơ… phá sản", ông Châu nhấn mạnh.

Chưa có doanh nghiệp nào nộp tiền sử dụng đất

Đây là số liệu do Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM công bố tại hội nghị trực tuyến về đất đai do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 18-5.

Cũng tại hội nghị này, ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, phân tích Nghị định 69 đang gây ách tắc cho doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính. Vì thực tế thủ tục xác định giá đất sát giá thị trường quá phức tạp nên nhà nước phải thuê tư vấn thẩm định giá và qua hội đồng xét duyệt.

Ngoài ra, số tiền sử dụng đất doanh nghiệp phải nộp là một ẩn số nên doanh nghiệp không tính được mức đầu tư để đưa ra các quyết định kinh doanh…


Cafeland.vn - Theo Pháp luật TP HCM
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.