Trời không mưa gió đất ở đây nứt ra, thụt xuống 7 hộ thất kinh.
Vết nứt sâu quá đầu người, dài mấy chục mét, loằng ngoằng như tia chớp, in xuống mặt đất, tàn phá nhà cửa, vườn tược của 7 hộ dân trên phố núi mà người dân quanh vùng quen gọi là đồi bà “Bầu”.
Đồi bà “Bầu” phố núi này chắc nhiều người có chửa? Tôi hỏi. Bà Trần Thị Hậu tổ trưởng dân phố giải thích: Đấy là tên người khai khẩn đất này từ ngày tiếp quản khu Mỏ. Những phố núi này cũng có đặc điểm riêng: Hầu hết cư dân là thợ lò.
Nghe danh “thợ lò” bất giác tôi nhớ lại bài báo “Nỗi lo đô thị trên nền đất rỗng”, mách có chứng: Sự lún thụt mặt đất là do khai thác than hầm lò không hoàn nguyên lòng đất. Lò cũ không còn chèn chống như hang động, hầm hố dưới lòng đất thình lình sập xuống.
Mặt đất trên quả đồi này biến dạng, nguyên nhân liệu có như bài báo kia nêu không? Nếu đúng vậy, đất ơi nghiệp chướng! Những người dân bất hạnh này, họ vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân.
Vết nứt sâu quá đầu người, dài vài chục mét.
Trong số 7 hộ bị thiệt hại nặng, bác Phạm Ngọc Thành nguyên là công nhân mỏ, thợ lò bậc 6/6 cho biết: Ông cụ đẻ ra bác nguyên là một kỹ sư mỏ. Cụ Phạm Minh Châu, một lão tướng của mỏ than Hà Lầm; và đến con bác nữa cũng làm mỏ. Cha truyền con nối 3 thế hệ làm mỏ, “sinh nghề-tử nghiệp” nay nghề mỏ gieo họa.
Năm 2004, Cty CP than Hà Lầm khai thác than lộ thiên, mìn nổ giật lên từng cơn dữ dội, địa tầng xô lệch khiến nhà bác hư hỏng. Bác được Mỏ bồi thường 79 triệu đồng sửa chữa, tưởng yên thân.
Ngờ đâu nay công trường cơ bản II của mỏ này từ lò thượng + 44 hạ xuống - 50. Các đường lò đang tụt độ sâu xuống mức - 100 rồi - 300, ngóc ngách của chúng tiến vào khu dân cư đến đâu, đất trời và lãnh đạo mỏ biết.
Còn dân sống trên mặt đất chỉ biết khi những hố “tử thần” xuất hiện, bởi lòng đất ung ruỗng, lún thụt. 10 năm tưởng an cư, nay mới hay nhà mình xây trên nền đất rỗng. Dưới nền nhà là ung nhọt, hầm hố, đường lò cũ. Mặt đất đang lún thụt, nguy cơ chôn sống cả nhà.
Ông Bùi Hữu Thiêm và anh Bùi Khắc Hoàn, cha con công danh sự nghiệp gắn bó với đường lò vì dòng suối than, nay ăn nghỉ không yên chẳng biết ngôi nhà mình khi nào thụt xuống lòng đất. Thành quả lao động cả đời chắt chiu đi toi.
Bà Nguyễn Thị Quang 89 tuổi, mồ hôi đổ xuống đất này từ năm 1959 nay mất nhà mất cửa.
Cụ Nguyễn Thị Quang 89 tuổi, vợ cụ Bầu “thành hoàng” đất này, nay rơi vào cảnh “vô gia cư”. Căn nhà cụ phải “niêm phong” tránh sập đổ chết người rầu rầu cho biết: Ở đây sống không yên, chết cũng không yên. Theo tay cụ chỉ cùng ở vạt đồi trên độ cao 101m này có 49 ngôi mộ, phần nhiều là cải táng từ năm 60 của thế kỷ trước vừa khẩn di, tránh hài cốt tụt sâu xuống lòng đất.
Hai anh Nguyễn Văn Thanh, Lê Văn Đồn sớm chiều vẫn lặng lẽ đến khai trường xuống lò đào than, nghề mỏ vẫn là cần câu cơm. Còn bà Nguyễn Thị An, chị Phạm Thị Tâm nhảy lên cồ cồ tuyên bố: Phen này phải kiện Mỏ khai thác than làm đổ nhà mình.
Nhìn những người thợ mỏ vào ca, sau lưng họ mái nhà không yên ấm, lòng tôi se lại. Ngành than (Vinacomin) sau năm 2015, các doanh nghiệp chuyển hướng xuống khai thác hầm lò ở độ sâu - 300m đến -350m bỏ dần công nghệ khai thác lộ thiên, nhằm bảo vệ cảnh quan môi trường. Người vùng than “tránh vỏ dưa, lại gặp vỏ dừa”.
Trên mặt đất người ở, dưới đường lò một năm xuyên vào lòng đất trên dưới 400km, sản lượng than moi lên trên 20 triệu tấn/năm, đào một tấn than hầm lò, làm ung ruỗng 6m3 lòng đất. Đào than khai nghiệp từ trên 100 năm nay, lòng đất bất an, ẩn họa ngay dưới nền căn nhà người thợ mỏ.
Quảng Ninh, đất lún thụt chưa có giải pháp xử lý từ gốc. Năm ngoái hố “tử thần” há ra tại các phường: Cẩm Sơn, Cẩm Thủy thành phố Cẩm Phả. Các chuyên gia địa chất mỗi người nói một phách. Người cho rằng nó là họng núi lửa. Người cho đây là hiện tượng sụt tầng nước ngầm. Người phỏng đoán hố “tử thần” dưới đáy có dòng sông cổ.
UBND thành phố Cẩm Phả đã mời Cty CP Công nghệ Địa Vật Lý đến kiểm tra, khảo sát hiện trường cho biết: Vùng đất sụt lún này nằm trên vùng đất có chứa nước ngầm, không phải do khai thác than hầm lò.
Báo mạng (Tinmoi.vn) dẫn lời ông Lê Huy Y, Ủy viên BCH tổng Hội địa chất Việt Nam: “Dưới vùng đất phủ bằng phẳng của thành phố Cẩm Phả là một cánh đồng Karst của đá vôi tuổi Cổ sinh muộn”.
Chưa tìm được nguyên nhân, thì chưa có giải pháp khắc phục, liệu đây có phải sự đùn đẩy trách nhiệm không? Mắt thường cũng nom rõ lún thụt đất là do khai thác khoáng sản dưới lòng đất, bao gồm nước và than.
Vậy nên chăng khai thác khoáng sản phải tính toán mức độ tác động môi trường trong lòng đất, phải công khai khai trường dưới lòng đất, giám sát công trình ngầm dưới lòng đất. Khai thác khoáng sản đến đâu, vùi lấp vít ngay khoảng rỗng trong lòng đất đến đó.
Nên tách biệt đất khai khoáng với đất ở, không để tình trạng đất xây dựng xen kẽ, hoặc chồng lấn trên đất ranh giới bảo vệ tài nguyên mỏ. Phải khắc phục những tồn tại trong quản lý đất đai, bao năm nay vô tình đã cấp quyền sử dụng đất, cấp phép xây nhà ở ngay trên vỉa than, trên các đường lò cũ, trên các túi nước ngầm cạn kiệt.
Lời gợi ý trên bỏ ngỏ, chờ ý kiến của cơ quan quản lý và Vinacomin, vì sự bình yên cho chính những người thợ mỏ ở đất này.