27/08/2015 9:50 PM
Các nông, lâm trường sau 10 năm chuyển đổi sang mô hình công ty vẫn hoạt động kém hiệu quả, và tình trạng buông lỏng quản lý đất đai, tranh chấp, khiếu kiện vẫn còn rất phổ biến, theo một báo cáo trình bày tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày hôm nay, 27-8.

Rừng quốc gia Ba Vì, nơi có 2000 đồng bào Dao không có đất canh tác, phải đi làm thuê cho Trung Quốc với nhiều rủi ro, theo đại biểu Quốc hội Chu Sơn Hà - Ảnh:TL

Theo báo cáo liên bộ do Bộ NN-PTNN và Bộ Tài nguyên - Môi trường giải trình tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại tất cả các nông lâm trường sau chuyển đổi mô hình hoạt động, tình hình quản lý đất đai vẫn bị buông lỏng. Theo Bộ NN-PTNN, hầu hết chưa hoàn chỉnh được hồ sơ làm thủ tục giao đất, thuê đất, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.

Báo cáo giải trình lần này nhằm chuẩn bị cho việc công bố hoạt động quản lý, sử dụng đất đai tại các nông lâm trường quốc doanh giai đoạn 2002-2014 tại kỳ họp tháng 10 tới, có trong chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đó là lý do mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu hai bộ này thực hiện giải trình.

Theo báo cáo của liên bộ, sau 10 năm, đã chuyển đổi hình thức quản lý các nông truờng, công ty nông nghiệp thành Công ty TNHH một thành viên nông nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu, rút gọn từ 185 nông trường xuống còn 145 công ty (không tính các công ty nông nghiệp do Bộ Quốc phòng quản lý).

Tương tự, đã sắp xếp lại 256 lâm trường xuống còn 148 công ty lâm nghiệp; thành lập 91 Ban quản lý rừng; và giải thể 14 lâm trường hoạt động kém hiệu quả.

Theo báo cáo, cơ quan quản lý khi cổ phần hóa không xác định rõ chủ quản lý, sử dụng đất sản xuất và không lưu ý hướng dẫn giải quyết về đất đai, nhiều công ty cổ phần mới chỉ có biên bản nhận bàn giao đất.

Ngoài các công ty cao su và một số công ty cà phê, chăn nuôi gia súc, còn một số công ty chưa tổ chức quản lý, sử dụng đất sản xuất phù hợp với năng lực hiện có. Tình trạng đất sản xuất để hoang hoá và sử dụng kém hiệu quả không ít. Việc tổ chức quản lý, sử dụng đất chưa chặt chẽ, lãng phí, hiệu quả thấp nên sau cổ phần hóa không có nguyên liệu để sản xuất.

Bộ NN-PTNN cho rằng chính quyền địa phương thiếu quan tâm quản lý đất đai, không thể hiện được vai trò quản lý nhà nước về đất đai, nhiều nơi phó mặc cho công ty tự quản lý và sử dụng.

Một số công ty để tình trạng quản lý lỏng lẻo dẫn đến phát sinh nhiều khiếu nại phức tạp và kéo dài, kể cả công ty cổ phần. Nhiều công ty thực hiện không nghiêm túc, không đúng quy hoạch sử dụng đất của địa phương và của ngành…

Tình trạng này cũng diễn ra tương tự đối với đất ở các công ty lâm nghiệp.

Việc giao khoán rừng và đất lâm nghiệp đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, có biểu hiện vi phạm pháp luật, như giao khoán diện tích đất lâm nghiệp cho những người không thuộc đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp; có nơi ký hợp đồng giao khoán với người ngoài thay vì giao khoán với người dân tại chỗ để đảm bảo cuộc sống hàng ngày. Một số công ty đã khoán cho các hộ gia đình nhưng thực chất bên giao khoán chỉ khoán trắng, thu địa tô, gây nên những tiêu cực về lợi dụng chính sách khoán đất lâm nghiệp.

Đặc biệt, tình trạng hộ nhận khoán đất của công ty lâm nghiệp tự do chuyển nhượng, mua bán hợp đồng giao khoán không thông qua công ty, sang tên đất cho các đối tượng khác không phải là cán bộ, công nhân của công ty diễn ra ở một số nơi; tự ý xây dựng nhà kiên cố trên đất nhận khoán khá phổ biến đối với vùng đất ven đô thị.

Trước tình hình lỏng lẻo và lộn xộn đó, hai bộ nói trên đều thống nhất kiến nghị một số giải pháp chấn chỉnh.

Cụ thể, sẽ giải thể công ty nông nghiệp trong trường hợp: Kinh doanh thua lỗ ba năm liên tiếp vì lý do chủ quan của công ty và có số lỗ lũy kế bằng 3/4 vốn nhà nước tại công ty trở lên; Khoán trắng, giao khoán đất nhưng không quản lý được đất đai và sản phẩm trên diện tích chiếm từ 3/4 tổng diện tích đất công ty được giao, thuê.

Các công ty có quy mô diện tích dưới 500 ha, phân tán, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả cũng sẽ bị giải thể. Trường hợp quy mô diện tích dưới 500 ha, liền vùng, tập trung và sản xuất kinh doanh hiệu quả cần giữ lại thì sẽ xem xét.

Các lâm trường thuộc các đối tượng giống như các công ty nông nghiệp kể trên cũng sẽ được giải thể. Quy mô để giải thể các lâm trường: Có quy mô diện tích dưới 1.000 ha, phân tán, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả. Trường hợp quy mô diện tích dưới 1.000 ha, liền vùng, tập trung và sản xuất kinh doanh hiệu quả cần giữ lại thì cơ quan chủ sở hữu xem xét.

Đại biểu Chu Sơn Hà, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNN Cao Đức Phát rằng tại sao ngay tại rừng quốc gia Ba Vì có 2.000 đồng bào người Dao không có đất sản xuất, phải sang làm thuê cho Trung Quốc với rất nhiều rủi ro.

Trả lời vấn đề này tại phiên giải trình, Bộ trưởng Phát hứa sẽ tạo điều kiện cho đồng bào người Dao canh tác tại đây, tận dụng đất trồng cây thuốc. Song ông lại nói trách nhiệm quản lý rừng thuộc về bộ và cả UBND các địa phương.

Bộ trưởng Phát còn cho rằng các quyết định, chủ trương cho các nông, lâm trường đều có nhưng kém hiệu quả khi thực thi. "Chúng tôi có một phần trách nhiệm trong đôn đốc, giám sát thực hiện," ông Phát nói.

Lan Nhi (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.