14/11/2012 10:00 PM
Những năm qua, các chung cư cao tầng ở Hà Nội đua nhau mọc lên như nấm nhằm phục vụ nhu cầu ở của nhiều người dân. Tuy nhiên, đã nhiều năm trôi qua, cách thức quản lý tại các chung cư vẫn còn nhiều bất cập, sự mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và người dân vẫn diễn ra thường xuyên và chưa có biện pháp tháo gỡ.
Thời gian qua, đã xảy ra hàng loạt các vụ tranh chấp giữa chủ đầu tư và các cư dân sinh sống tại các tòa nhà chung cư cao tầng. Những vấn đề khiến người dân bức xúc và khiếu kiện thường xuyên lên các cơ quan chức năng là việc các chủ đầu tư thu phí cao quá quy định, chất lượng bảo trì, phí dịch vụ, vấn đề tranh chấp sở hữu chung riêng…


Ảnh minh họa

Nhiều vụ việc, người dân chọn cách phản đối bằng cách căng băng rôn, kêu gọi những cư dân sinh sống trong tòa nhà gây áp lực với chủ đầu tư. Điển hình là đã có nhiều vụ việc xảy ra tại một số chung cư như: khu Ciputra, Keangnam… mà báo chí đã từng phản ánh.

Khảo sát của phóng viên tại nhiều chung cư ở Hà Nội cho thấy, hầu hết những vụ khiếu kiện của người dân đa phần đều bị chủ đầu tư làm ngơ, chỉ một số ít trường hợp được giải quyết thỏa đáng, do đó, sự mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và người dân sống tại các chung cư cao tầng, đến nay, vẫn chưa có hồi kết.

Anh N, sống tại một căn hộ chung cư tại quận Cầu Giấy cho biết: tại các chung cư cao tầng, Ban quản lý tòa nhà do chủ đầu tư lập nên đã tự ý đặt ra các quy định… phi lý để… tận thu. Ngay như tại chung cư chúng tôi ở, người dân cư sinh sống trong tòa nhà đều rất bức xúc bởi trong hợp đồng, khu chung cư có khu vui chơi cho trẻ em có nhưng đến khi các hộ cư dân đến nhận nhà, khu vui chơi đã biến thành bãi… đỗ xe ô tô

“Theo tôi biết, tại nhiều khu chung cư cao tầng hiện nay, từ các khu cao cấp đến cấp thấp, chủ đầu tư thường ủy thác cho Ban quản lý tòa nhà tận thu mọi phí của người dân, khi người dân thắc mắc thì được Ban quản lý tòa nhà “thay mặt” chủ đầu tư để đưa ra những bản hạch toán với các khoản thu rất phi lý để chống chế… trong khi đó, chẳng thấy có cơ quan quản lý nhà nước can thiệp và chấn chỉnh, nên chăng cần có quy định rõ ràng, cụ thể về vấn đề quản lý các tòa nhà chung cư… ”, anh N bức xúc, cho biết.

Bên cạnh đó, nhiều người dân bức xúc khi phát hiện một số đồ nội thất khi bàn giao đã không đúng như trong hợp đồng, một số chung cư bị xuống cấp khi bàn giao một thời gian…

Tìm hiểu, được biết, tại nhiều chung cư cao cấp, người dân đã thành lập Ban quản trị để bảo vệ quyền lợi cho cư dân, nhưng hầu như những nhóm người này chưa có tiếng nói và chưa có vị thế bởi cái “bóng” của nhà đầu tư…

Một số chủ đầu tư cho rằng: toàn bộ diện tích công cộng và hệ thống kỹ thuật từ điện, gas, nước, thang máy… là tài sản riêng của doanh nghiệp, không thể bàn giao lại cho cư dân được, cái đó chỉ có doanh nghiệp mới hiểu và nắm rõ, mà xét cho cùng là để phục vụ cho người dân, nên cần phải có chi phí để duy trì thường xuyên, bên cạnh đó còn là những vấn đề như: an ninh, vệ sinh, quản lý…

“Khi chung cư xảy ra những sự cố, dù sự cố lớn hay nhỏ, chủ đầu tư là người bị “gõ” và chịu trách nhiệm… thế nên, các chủ đầu tư cũng mong muốn cần có một cách nhìn khách quan và có một cơ chế quản lý nhất định trong vấn đề quản lý chung cư, chứ động tý dân khiếu kiện giải quyết thì bao giờ mới xong”, một chủ đầu tư cho hay.

Nhiều chuyên gia trong ngành xây dựng cho rằng: muốn cởi nút thắt của vấn đề trong quản lý chung cư hiện nay, các Ban quản lý trong các chung cư trước tiên cần phải kinh nghiệm và chuyên nghiệp. Chủ đầu tư và người dân cần ngồi lại với nhau và thỏa thuận. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải công khai các khoản thu chi mà người dân đóng góp từ các khoản phí do doanh nghiệp đặt ra để phục vụ tòa nhà. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm các trường hợp tự ý thu các khoản thu vượt quá quy định cho phép…

Theo Hoàng Cường (Thời Báo NH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.