Phú Quốc vừa thông qua quy hoạch chi tiết 1/2.000 Dự án Vọng An Bình ngay trên phần đất nhà tù Phú Quốc xưa, nhằm lưu giữ di tích chiến tranh, góp phần thu hút du khách.
Từ địa ngục trần gian

Năm 1953, thực dân Pháp đã cho xây dựng tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang một nhà tù để giam giữ các chiến sĩ cách mạng với tên gọi Căn Cây Dừa. Từ năm 1953 đến 1955, Pháp đã giam cầm 14.000 tù binh cách mạng tại nhà lao này. Năm 1956, chính quyền Sài Gòn sửa chữa nhà lao và đặt tên là “Trại huấn chính Căn Cây Dừa”. Đến năm 1967, chính quyền Sài Gòn đã xây dựng “Trại giam tù binh Cộng sản” trên phần đất này, với diện tích 40 ha, chia thành 12 khu. Khoảng 40.000 cán bộ chiến sĩ cách mạng ở mọi miền đất nước bị giam giữ tại đây.

Để trấn áp các chiến sĩ cách mạng của ta, lực lượng quân cảnh và giám thị trại giam đã nghĩ ra rất nhiều ngón đòn tra tấn tàn độc. Trong đó, dã man nhất là nhốt trong “chuồng cọp” được làm toàn bằng dây kẽm gai. Tù binh ở trong “chuồng cọp” không được che nắng, che mưa, mỗi khi cử động sẽ bị kẽm gai đâm vào da thịt. Đã vậy, cai ngục còn lấy nước lạnh (ban đêm), nước nóng (ban ngày) dội vào người, gọi là để “tắm cọp”.

Trong quyển sách viết về nhà tù Phú Quốc, tác giả Trần Văn Kiêm, cựu tù binh ở trại giam này đã kể chi tiết nhiều kiểu tra tấn rợn người, man rợ của bọn cai ngục. Có thể kể đến cách đục xương bánh chè, sắt nướng xuyên bắp chuối chân đối với liệt sĩ Nguyễn Văn Ni, quê ở huyện Củ Chi, TP.HCM; hay lấy bao bố trùm người ném vào vạc nước sôi đối với liệt sĩ Đặng Văn Bê, quê ở Cai Lậy, Tiền Giang; rà đèn điện cho mù mắt, đổ nước xà phòng sôi vào miệng đối với liệt sĩ Dương Bá Ngãi (Hà Đông).

Ngoài ra, nhiều ngón đòn hành hạ man rợ khác cũng được kẻ định áp dụng nhằm trấn áp tinh thần cách mạng của lực lượng ta, như đóng đinh vào người, đục bẻ răng, dùng kềm rút móng tay, móng chân, đánh bằng chày vồ, roi đuôi cá đuối, chôn sống… Bằng các hình thức tra tấn man rợ, vô nhân tính, trại giam tù binh Phú Quốc đã giết hại hơn 4.000 chiến sĩ cách mạnh trung kiên.

…đến trung tâm du lịch nghỉ dưỡng

Ông Văn Hà Phong, Bí thư huyện ủy, kiêm Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết, Dự án trùng tu Khu di tích nhà tù Phú Quốc được triển khai từ năm 2007, với số vốn đầu tư 19 tỷ đồng. Huyện Phú Quốc cũng vừa thông qua quy hoạch chi tiết 1/2.000 Dự án Vọng An Bình, với quy mô hơn 500 ha ngay trên phần đất nhà tù Phú Quốc xưa. Với 8 hạng mục, vốn đầu tư ước hơn 331 tỷ đồng, được đầu tư theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, Dự án nhằm tạo thêm điểm tham quan du lịch, lưu giữ di tích chiến tranh, góp phần thu hút du khách đến với huyện đảo Phú Quốc.

Phú Quốc cách trung tâm TP. Rạch Giá 115 km, cách vùng phát triển du lịch, công nghiệp Đông Nam Thái Lan khoảng 500 km, cách miền Đông Malaysia khoảng 700 km và cách Singapore khoảng 1.000 km. Phú Quốc còn nằm gần kề cửa ngõ Tây Nam của Campuchia. Do đó, Phú Quốc rất thuận lợi trong việc liên kết giao thương, phát triển du lịch trong vùng Đông Nam Á.

Với vị trí trọng yếu, đắc địa như trên, trong những năm qua, huyện Phú Quốc đã đón tiếp khá nhiều nhà đầu tư, trong đó phần lớn là nhà đầu tư nước ngoài, đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Lĩnh vực được quan tâm nhất vẫn là khu nghỉ dưỡng cao cấp và các dịch vụ du lịch khác.

Theo ông Phong, thời gian qua, đã có nhiều dự án trong lĩnh vực du lịch đăng ký, nhưng tiến độ triển khai chậm do cơ sở hạ tầng còn yếu kém. Theo kế hoạch, đến hết năm 2012, các công trình quy mô lớn quyết định sự phát triển của huyện Phú Quốc như: Sân bay quốc tế Phú Quốc, đường Bắc - Nam đảo, cáp điện ngầm 110KV Hà Tiên - Phú Quốc sẽ được đưa vào sử dụng. Khi ấy, một phần khiếm khuyết về cơ sở hạ tầng sẽ được tháo gỡ, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Do đảo Phú Quốc nằm ở vĩ độ thấp, lại lọt sâu vào vùng vịnh Thái Lan, xung quanh biển bao bọc, nên thời tiết rất mát mẻ, nhiệt độ trung bình chỉ từ 27-28 độ C. Phú Quốc còn sở hữu bãi biển cát trắng xóa bao bọc, nước trong xanh ngắt, môi trường sinh thái trong lành, với nhiều làng nghề có truyền thống hàng trăm năm.

Với những điều kiện thuận lợi đó, Phú Quốc có đủ tiềm năng để trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giao thương mang tầm cỡ du lịch quốc tế; trung tâm về khoa học công nghệ du lịch cao cấp của khu vực Đông Nam Á. Dự kiến, mỗi năm, Phú Quốc đón 5-7 triệu du khách đến tham quan nghỉ dưỡng, như tinh thần Quyết định 633/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030.

Tính đến nay, đã có 74 dự án được cấp chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký gần 50.000 tỷ đồng, tại Phú Quốc. Trong đó, 49 dự án trong các khu chức năng theo quy hoạch, diện tích thuê đất gần 4.000 ha và 25 dự án ngoài khu chức năng.

Trong số này, đã có 8 dự án (vốn đầu tư 888 tỷ đồng, diện tích 17,2 ha) đã đi vào hoạt động; dự án khác đang xây dựng, với diện tích 456 ha, vốn đầu tư gần 2.580 tỷ đồng; số còn lại đang lập quy hoạch chi tiết.

Ngoài ra, 180 dự án đã có chủ trương đầu tư, với diện tích thuê đất lên đến hơn 7.500 ha, vốn đầu tư dự kiến lên đến hàng tỷ đô la.

Nguồn: Ban quản lý Đầu tư phát triển đảo Phú Quốc

Cafeland.vn - Theo Báo Đầu Tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland