15/07/2011 12:40 PM
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) hàng không đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, mạng lưới cảng hàng không nước ta có kết cấu trục nan, Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh là ba điểm gom tụ lưu lượng hành khách, hàng hóa để kết nối với các đường bay nội địa và quốc tế.

Nước ta hiện đang khai thác 22 cảng hàng không, đến năm 2020, sẽ xây dựng 26 cảng hàng không, trong đó có 10 cảng hàng không quốc tế và 16 cảng hàng không nội địa.


Vừa qua, Bộ GTVT công bố quy hoạch một loạt các sân bay như An Giang, Thanh Hoá, Kon Tum,… và điều đáng lưu ý là các sân bay này không nằm trong danh mục 26 sân bay kể trên.


Trong một chuyến khảo sát tại một số tỉnh tây bắc, Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng đã phải kêu lên ngao ngán khi lãnh đạo tỉnh nào cũng đề xuất được xây dựng sân bay, trừ mỗi Điện Biên là không, vì đã có sân bay Điện Biên Phủ.


Trong năm nay, theo kế hoạch, Cục Hàng không Việt Nam sẽ hoàn thành quy hoạch sân bay Phan Thiết, còn quy hoạch các sân bay Lào Cai, Quảng Ninh, Quảng Trị,… sẽ được tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới. Như vậy, có nghĩa là, “phong trào” xây dựng sân bay đang “nở rộ như hoa mùa xuân” ở nhiều địa phương, bất chấp có hợp lý hay không.


Khi nhìn vào tấm bản đồ chi chít sân bay, người ta dễ dàng đặt câu hỏi: Liệu có cần thiết phải đầu tư xây dựng sân bay Phan Thiết không, khi dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) cách đó không xa sẽ đưa vào khai thác trước năm 2020? Quy hoạch sân bay Thanh Hóa có là hợp lý, khi chỉ cách sân bay Vinh khoảng 100 km, còn từ Vinh vào Hà Tĩnh cũng chỉ khoảng 100 km.


Qua Hà Tĩnh vào Quảng Bình đã có sân bay Đồng Hới, Quảng Trị cũng không xa Quảng Bình là bao. Sân bay quốc tế Đà Nẵng chỉ cách Huế 100 km và cách sân bay Chu Lai khoảng 90 km. Dọc dải miền trung còn nghèo khó này mà có tới ba sân bay quốc tế, còn tính bình quân, cứ khoảng 100 km mọc lên một sân bay.


Thật khách quan mà nói, do đặc thù địa lý chia cắt mạnh, trải dài trên cơ sở một hạ tầng giao thông còn lạc hậu, việc các tỉnh muốn xây dựng sân bay xét cho cùng cũng là điều dễ hiểu. Các tỉnh không chỉ đơn thuần muốn “chơi sang”, hoặc mang tính cục bộ, cát cứ, mà xuất phát từ lòng nhiệt tình, mong muốn tạo cơ sở hạ tầng thuận lợi nhất như sân bay, bến cảng nhằm phát triển kinh tế địa phương.


Tuy nhiên, sân bay chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải đủ để phát triển kinh tế địa phương. Nhìn lại, việc xây dựng sân bay nở rộ thành phong trào ở nhiều tỉnh thật sự chưa cần thiết và không hiệu quả.


Đơn cử như sân bay An Giang vừa mới được công bố quy hoạch, các chuyên gia hàng không phân tích, tỉnh này chỉ có thế mạnh về thuỷ sản và lúa gạo, không có thế mạnh về du lịch cũng như thu hút đầu tư. An Giang chỉ nên xây dựng sân bay nếu mỗi ngày lượng khách cả đi lẫn về tương đương 20 chuyến bằng máy bay ATR 72. Trong khi nhu cầu đi lại bằng hàng không của tỉnh còn quá ít, việc tìm nguồn kinh phí gần 3.500 tỷ đồng xây dựng sân bay này khó như tìm đường lên trời.


Thực tế, nhiều sân bay hoạt động một thời gian đã phải thu hẹp dần vì các hãng hàng không tạm ngừng hoặc cắt đường bay đến do lượng khách quá ít, không thể duy trì. Xây một sân bay, đồng nghĩa với việc phải dành cho nó vài trăm ha đất, hàng nghìn tỷ đồng trong hàng chục năm, đồng nghĩa với việc mất đất canh tác, gây đảo lộn cuộc sống của hàng nghìn người dân.


Những bài học đầu tư tràn lan ở các địa phương diễn ra trong thời gian qua như sân gôn, cảng biển, khu công nghiệp, các nhà máy đóng tàu,… mà không mang lại hiệu quả kinh tế vẫn còn nóng hổi tính thời sự. Vì vậy, công tác quy hoạch sân bay, cảng hàng không phải căn cứ thực tế thị trường, dựa vào tình hình kinh tế - xã hội từng địa phương, không nên theo phong trào mà đầu tư tràn lan, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Chủ đề: Sân bay Phan Thiết
Theo Minh Trang (Nhân Dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Lập hội đồng thẩm định BOT sân bay Phan Thiết

    Lập hội đồng thẩm định BOT sân bay Phan Thiết

    CafeLand - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành tổ chức thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT....

  • Bất động sản 24h: Đất quanh sân bay Phan Thiết lại "sốt"?

    Bất động sản 24h: Đất quanh sân bay Phan Thiết lại "sốt"?

    CafeLand - Cảnh báo 'cò đất' đổ xô về dự án sân bay Phan Thiết; “Thượng đế” cũng mệt mỏi với ban quản trị; Mua nhà nhưng không được vào nhà... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.

  • Cảnh báo 'cò đất' đổ xô về dự án sân bay Phan Thiết

    Cảnh báo 'cò đất' đổ xô về dự án sân bay Phan Thiết

    Chiều 11.3, Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết (Bình Thuận) gửi văn bản lưu ý Công an, Phòng TN-MT và UBND xã Thiện Nghiệp (TP.Phan Thiết) có biện pháp cấp bách để ngăn chặn tình trạng 'cò đất' tập trung bất thường khu vực sân bay Phan Thiết....

Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.