Ngày 31.3, UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng, Sở GTVT, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND Q.1 phối hợp tìm chỗ đậu xe cho người dân sau khi phố đi bộ Nguyễn Huệ chính thức vận hành toàn bộ vào ngày 20.4 sắp tới.
Phối cảnh phố đi bộ Nguyễn Huệ sau khi hoàn thành - Ảnh: Đình Nguyên
Theo khảo sát của Sở Xây dựng, có 59 cao ốc trong phạm vi bán kính 500 m quanh khu vực đường Nguyễn Huệ có 1 - 5 tầng hầm dùng làm chỗ đậu xe, nhưng hầu hết công trình này chỉ bố trí chỗ để xe nội bộ. Vào ban đêm các công trình có chức năng thương mại - dịch vụ có nhận giữ xe cho khách hàng đến tham quan, ăn uống, mua sắm. Trong khi đó, các công trình có chức năng văn phòng đều không nhận giữ xe hoặc đóng cửa. Một lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng với điều kiện thực tế hiện nay, việc tìm chỗ cho người dân gửi xe là vấn đề hoàn toàn không đơn giản. “Có những cao ốc xây dựng từ nhiều năm trước, nay chỉ lo việc bố trí xe cho nội bộ đã khổ nên rất khó gánh thêm lượng xe công cộng, trong khi các bãi đậu xe ngầm thì chưa làm”, vị này nói.
Đưa ra giải pháp tình thế, Sở Xây dựng đã kiến nghị UBND TP.HCM giao UBND Q.1 làm việc với chủ đầu tư các công trình có tầng hầm nhằm khuyến khích sử dụng chỗ để xe còn trống nhận giữ xe cho khách vãng lai; đồng thời giao Sở Tài chính nghiên cứu, có cơ chế chính sách để các đơn vị hành chính nhà nước có thể bố trí chỗ để xe ngoài giờ làm việc nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ để xe cho khu trung tâm TP, trong khi chờ xây dựng các bãi đậu xe ngầm.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ rộng 64 m, dài 670 m (từ trụ sở UBND TP.HCM, đường Lê Thánh Tôn đến bến Bạch Đằng, đường Tôn Đức Thắng), tổng số tiền đầu tư gần 430 tỉ đồng. Trên phố đi bộ có xây ngầm nhà vệ sinh; trung tâm điều khiển ánh sáng nghệ thuật, nhạc nước, âm thanh. Toàn bộ hệ thống điện, ống cấp nước, hệ thống tưới cây xanh, trụ cứu hỏa đều được ngầm hóa. Toàn tuyến phố được lót đá hoa cương và được bố trí những dãy, bồn hoa theo 4 mùa…
*Tiêu đề được đặt lại cho phù hợp với quan điểm CafeLand.