Phố cổ Hà Nội bây giờ được coi là một trong những khu thương mại truyền thống còn được bảo tồn tốt nhất châu Á. Nguồn: internet
Ngày nay, trong khi các tòa tháp văn phòng cao tầng, các trung tâm thương mại điện tử hiện đại mọc lên như nấm sau mưa, ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội, tại Khu phố cổ người dân phải chen chúc trong những cung đường chật hẹp, những căn nhà thấp tầng cũ kỹ.
Dự án giãn dân
Phố cổ Hà Nội bây giờ được coi là một trong những khu thương mại truyền thống còn được bảo tồn tốt nhất châu Á. Rộng khoảng 82 ha, nằm giữa trung tâm thành phố, những căn nhà cổ hiện nay đều đã ghi màu thời gian với sự xuống cấp cả cấu trúc bên trong và hình thức bên ngoài.
Nhưng với giá trị khai thác cao, khu phố này hoàn toàn có thể thay đổi đáng kể trong những năm tới như những gì đã diễn ra tại Singapore, Thượng Hải hay nhiều thành phố khác trên thế giới. Chính quyền TP. Hà Nội đang có kế hoạch tái cấu trúc Khu phố cổ bằng cách di cư 6.200 hộ gia đình sinh sống tại khu vực này từ nay đến năm 2020. Hoạt động xây dựng có thể một vài năm nữa mới bắt đầu, nhưng một phần cư dân đã bắt đầu di dời.
Ông Phạm Đình Tranh, một thợ kim hoàn về hưu trong Khu phố cổ, đã chứng kiến rất nhiều các cửa hàng trang sức truyền thống của phố Hàng Bạc dần dần biến thành quán cà phê và cửa hàng lưu niệm. Ông thừa nhận hầu hết các căn nhà trong phố Hàng Bạc đã quá mức xập xệ và chật hẹp với cuộc sống của một gia đình. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng các cơ quan chức năng cần có một kế hoạch để thuyết phục người dân tái định cư. "Chúng tôi sẵn sàng dời đi, nhưng với điều kiện chính quyền không thu hồi đất rồi bán lại chỉ vì mục đích lợi nhuận", ông Tranh nói.
Bà Vũ Thị Hồng, một cán bộ thuộc Dự án Tái định cư nhà ở Khu phố cổ Hà Nội cho biết, mục tiêu chính của dự án theo kế hoạch là giãn dân đi kèm với việc bảo tồn các di sản văn hóa. Với khoảng 66.000 người, khu vực này có mật độ dân số 823 người/ha – gần gấp 8 lần mật độ thành phố New York.
Mức bồi thường tái định cư được trả theo giá thị trường do quyết định của Chính phủ. Ủy ban quy hoạch thành phố chưa quyết định địa điểm tái định cư, nhưng chắc chắn những khu đô thị mới sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dân. Đã có khoảng vài trăm hộ gia đình di dời khỏi Khu phố cổ và chính quyền đang lên kế hoạch xây dựng một khu chung cư ở ngoại ô Hà Nội cho hàng ngàn người khác chuyển tới.
"Hầu hết những người đã di cư khẳng định rằng họ đang có một cuộc sống tốt hơn trong quá khứ. Chính phủ có thể trả tới 81 triệu đồng (khoảng 4.000 USD) cho mỗi mét vuông đất mặt đường ở Khu phố cổ", bà Hồng nói.
Chuyện hậu di dời
Theo ông Nguyễn Sơn, một đại lý kinh doanh bất động sản Hà Nội, giá trị giao dịch bình quân tại các Khu phố cổ hiện nay rơi vào khoảng 12.500 USD đến 15.000 cho mỗi mét vuông đất. Mức giá này vượt xa mức giá trung bình 9.337 USD/mét vuông cho những khu nhà sang trọng tại thành phố Thượng Hải – theo tính toán của đơn vị tư vấn Knight Frank.
Tuy nhiên, ông Bảo, một người dân từng được di dời khỏi khu phố Hàng Bạc trong năm 2010, không hoàn toàn hài lòng với cuộc sống mới của mình. Ông cho biết, ông đã nhận được 900 triệu đồng (khoảng 42.300 USD) tiền đền bù và sau đó mua lại một căn hộ cách trung tâm khoảng 10 km, với giá chỉ 474 triệu đồng (khoảng 22.278 USD).
"Tôi hài lòng với căn hộ này, nhưng lại không thể tự nuôi sống bản thân và gia đình", ông Bảo nói. Ông cho biết, ông từng kiếm được 200.000 đến 300.000đồng/ngày, nhờ việc bán nước tại ngôi nhà cũ. Tuy nhiên, bây giờ về cơ bản ông chỉ có thể dựa vào nguồn thu nhập khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng của người con gái chu cấp nhờ vào công việc làm tóc. Nhiều học giả đã chỉ ra rằng các nhà bán lẻ và các nghệ nhân là những cư dân đầu tiên của Hà Nội 36 phố phường.
Chuyện của ông Bảo là ví dụ điển hình cho thấy việc tạo ra công ăn việc làm cho người dân tái định cư cũng quan trọng ngang với việc trả cho họ một mức đền bù xứng đáng.
Tuy nhiên, có không ít người vẫn lạc quan về những thay đổi sắp xảy ra. "Dự án sẽ giúp cho Khu phố cổ đẹp hơn, cải thiện đời sống người dân và thu hút khách du lịch nước ngoài", một người dân cho biết. "Dù vậy nó cũng sẽ đòi hỏi rất nhiều nguồn lực và quyết tâm trên của chính quyền. Nhà nước sẽ cần phải tốn rất nhiều tiền đền bù để thuyết phục những người dân ra đi".