22/03/2013 8:25 AM
Sau rất nhiều lần ra quân, định thời hạn "chốt hạ", việc xử lý dứt điểm nhà siêu mỏng, siêu méo (SMSM) đến thời điểm này vẫn án binh bất động, cho dù thành phố nhiều lần đôn đốc các quận, huyện phải hoàn thành. Theo lý giải của lãnh đạo cơ quan chuyên môn và những cán bộ trực tiếp giải quyết công việc tại cấp xã, phường thì có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng "đến hẹn… lại hẹn" này.

Vướng từ nhiều phía

Sau những cuộc khảo sát thực tế của phóng viên Báo Hànộimới tại một số quận, huyện, chúng tôi nhận thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ này. Trước hết, Quyết định số 02/2010/QĐ-UBND ngày 18-1-2010 của UBND TP Hà Nội về việc thu hồi đất… để thực hiện dự án đầu tư tại điểm dân cư nông thôn, khoản 3, Điều 1 có quy định: “Trường hợp thu hồi đất còn lại ngoài chỉ giới xây dựng đường giao thông nhưng không đủ điều kiện để xây dựng được áp dụng theo quy định riêng của UBND TP”. Quy định này được hiểu là, thẩm quyền thu hồi những diện tích đất còn lại ngoài chỉ giới đường giao thông mà không đủ điều kiện xây dựng tại các điểm dân cư nông thôn thuộc thẩm quyền của UBND TP. Trong khi đó, “thanh bảo kiếm” của chiến dịch xử lý nhà SMSM là Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 6-5-2011 của UBND TP Hà Nội tại khoản 2, Điều 4 lại quy định: “UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức việc thu hồi đất để thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt đối với những trường hợp không thực hiện được việc hợp thửa, hợp khối nhà... hoặc chủ sử dụng đất không có nhu cầu, không thỏa thuận được việc hợp thửa, hợp khối”. Rõ ràng, giữa hai văn bản trên đã có sự “vênh” nhau nên việc triển khai trên thực tế rất khó khăn là chuyện dễ hiểu?

Ngôi nhà có kiến trúc kỳ dị án ngữ trước cổng UBND xã Phú Diễn (Từ Liêm).
Không chỉ vướng về các căn cứ pháp lý, trong khi thực thi nhiệm vụ, nhiều cán bộ cấp xã, phường cũng vấp phải những khó khăn điển hình. Ông Nguyễn Mạnh Dũng - Phó Chủ tịch UBND phường Phương Liên, quận Đống Đa cho biết, sau khi giải phóng mặt bằng (GPMB) làm đường Xã Đàn, hiện trên tuyến đường này còn 4 trường hợp nhà SMSM thuộc thẩm quyền giải quyết của phường. Việc vận động người dân hợp thửa, hợp khối không phải trường hợp nào cũng thành công, nhất là khi một mét vuông đất mặt phố Xã Đàn có giao dịch lên đến vài trăm triệu đồng. Nhà ngoài còn vài mét vuông nên đòi giá cao, nhà phía trong biết chắc diện tích SMSM kia trước sau cũng bị xử lý nên chỉ trả giá thấp. Việc thỏa thuận là vô cùng khó, thu hồi là giải pháp cuối cùng. Sau khi mở đường, hầu hết những gia đình thuộc diện GPMB đều di chuyển chỗ ở, nhượng lại phần diện tích cắt xén cho người khác, thậm chí bán trao tay cho những phần tử “đầu gấu” trong khu vực. Việc mua bán trái pháp luật diễn ra nhiều lần, cho nhiều đối tượng nên nếu ra quyết định thu hồi đất, việc tìm chủ sử dụng hợp pháp để tiến hành các trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật đòi hỏi nhiều thời gian, công sức của chính quyền địa phương.

Đại diện các quận Cầu Giấy, Đống Đa lại băn khoăn đến kinh phí, thời gian hoàn thiện các thủ tục thu hồi đất. Diện tích mỗi nhà SMSM rất ít, chỉ vài mét vuông nhưng giá cả thị trường mỗi mét vuông đất không hề nhỏ, kinh phí GPMB trích từ ngân sách địa phương khó điều chỉnh. Bên cạnh đó, thời gian để hoàn tất thủ tục thu hồi, GPMB luôn khó khăn, phức tạp, thường kéo dài cả năm, dễ gây khiếu kiện.

Một vấn đề khác nảy sinh trên địa bàn xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm. Theo ông Nguyễn Hữu Sự - Phó Chánh Thanh tra xây dựng huyện Từ Liêm, sau khi mở rộng đường 32, rẻo đất còn lại trước trụ sở đại lý Toyota Mỹ Đình trên địa bàn xã Phú Diễn dài hàng trăm mét bám sát mặt đường, trong khi bề ngang lại rộng chỉ từ 50cm đến gần 4m. Huyện Từ Liêm không dưới 3 lần thực hiện các biện pháp cưỡng chế nhằm lập lại trật tự xây dựng và mỹ quan đô thị khu vực này. Nhưng cho đến thời điểm chúng tôi đến tìm hiểu thực tế, 4-5 chiếc lều lán tạm bợ, nhếch nhác vẫn mọc lên ngay cạnh tuyến đường mới mở phong quang sạch đẹp. Ông Sự cho biết, diện tích này đã được cấp có thẩm quyền cho phép làm bãi đỗ xe ô tô nhưng vì thiếu kinh phí nên huyện Từ Liêm và Sở Giao thông - Vận tải chưa thể đưa vào khai thác. Nhiều diện tích đất SMSM khác, sau khi xây dựng bị cưỡng chế dỡ bỏ, vẫn trơ lại những bức tường nham nhở hoặc người dân lại lắp ghép lều lán để bán hàng, rửa xe. Vấn đề đặt ra là, sau khi xử lý nhà SMSM, cơ quan chức năng sẽ quản lý những diện tích đất này như thế nào cho hiệu quả?

Những “nút thắt” đã dần được gỡ

Ngày 5-2-2013, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh đã ký Quyết định số 07/2013/QĐ-UBND với nội dung “ Bãi bỏ khoản 3, Điều 1 của Quyết định số 02/2010/QĐ-UBND vì đã được quy định tại Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND…”. Như vậy, xét trong phạm vi hẹp, thẩm quyền thu hồi những diện tích đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng đang tồn tại dọc các tuyến đường giao thông thuộc về UBND cấp quận, huyện, thị xã. UBND cấp quận có thể giao cho cấp phường hoặc Ban quản lý dự án quận làm chủ đầu tư, lập dự án để thu hồi các diện tích đất này.

Ông Trần Đức Học - Phó Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định, tính đến thời điểm này, mọi vướng mắc liên quan đến cơ sở pháp lý trong việc xác định thẩm quyền thu hồi đất có nhà SMSM đều đã được tháo gỡ. Với tổng số 11 quận, huyện có nhà SMSM, Sở chủ trương yêu cầu vận động người dân hợp thửa, hợp khối tối đa vì đây là giải pháp hiệu quả và nhanh gọn nhất, nếu thành công sẽ giải quyết được trên 50% số trường hợp nhà SMSM. Hiện đã có 40% nhà SMSM thỏa thuận được việc hợp khối, việc thu hồi đất chỉ là giải pháp cuối cùng. Kinh phí GPMB nếu các quận không tự điều chỉnh được cần chủ động báo cáo thành phố (vì có quận dự kiến phải cần tới 60 tỷ đồng). Về quỹ nhà tái định cư, thành phố yêu cầu Sở Xây dựng sẵn sàng cấp nhà tái định cư cho người dân có nhà SMSM đủ điều kiện trong quỹ nhà sẵn có. Sau khi thu hồi xong, trách nhiệm quản lý sử dụng các quỹ đất trên thuộc chính quyền địa phương. Có thể dùng diện tích này làm bảng tin, lát vỉa hè hay vườn hoa công cộng phụ thuộc vào nhu cầu và tình hình thực tế mỗi vị trí.

Trong quá trình tìm hiểu thực tế để thực hiện loạt bài này, chúng tôi nhận thấy một vài cách làm khá hiệu quả từ cơ sở. Ví dụ như ở quận Cầu Giấy, ông Trần Việt Hà - Phó Chủ tịch UBND quận cho biết, việc vận động hợp thửa, hợp khối không phải khi nào cũng thành công. Để bảo đảm cảnh quan đô thị, quận chủ trương lấy cải tạo chỉnh trang các diện tích SMSM là giải pháp chính. Đó là khống chế chiều cao, chỉ cho phép xây một tầng, nhà liền nhau sẽ sơn màu đồng bộ, kiến trúc nhà phía ngoài phù hợp với khối nhà bên trong, trồng cây hoặc đặt biển quảng cáo che mặt tiền những góc cạnh thiếu thẩm mỹ… Một cách khác như ở phường Phương Liên, quận Đống Đa, chính quyền địa phương đã vận động được gia đình chị Nguyễn Thị Hồng ở số nhà 159 đường Xã Đàn hiến 1,2m2 đất mà không đòi hỏi bất kỳ khoản đền bù nào. Điều đáng nói là diện tích đất này gia đình chị đã phải dàn xếp hàng trăm triệu để mua lại của ba hộ gia đình khác sau khi GPMB mở đường Xã Đàn. Trao đổi với chúng tôi, chị Hồng nói đơn giản: “Tôi làm thế cũng là vì ích nước, lợi nhà. Nếu cứ để một bức tường nham nhở án ngữ trước mặt thì nhà tôi cũng không đẹp mà phố phường lại nhếch nhác thêm”.

Không ai có thể phủ nhận, xử lý nhà SMSM là một chủ trương lớn của thành phố nhằm cải tạo, chỉnh trang bộ mặt đô thị, trong đó gắn với quyền lợi của chính người dân. Tuy nhiên, một thành phố muốn đẹp thì phải có sự chung tay, chung sức của tất cả cư dân, không một kiến trúc sư tài năng nào có thể làm thay hàng triệu người dân được. Vì vậy, bên cạnh sự quyết liệt, phối hợp đồng bộ của chính quyền địa phương và ngành chức năng, chính mỗi người dân cần có ý thức ủng hộ chủ trương của thành phố để công tác xử lý nhà SMSM đạt được tiến độ đề ra.
  • Ở nhà triệu đô hành nghề đồng nát

    Ở nhà triệu đô hành nghề đồng nát

    Họ đang là những người sủ dụng những căn biệt thự được định giá tương đương cả triệu USD. Nghề nghiệp chính là thu gom và mua bán đống nát, nơi ở cũng chính là điểm giao dịch, nhà kho và chỗ ở của nhân viên. <br/br>

  • Chưa rõ ý Hiến pháp, khó sửa luật đất đai

    Chưa rõ ý Hiến pháp, khó sửa luật đất đai

    Xét trên lợi ích chung của xã hội, việc công chứng, chứng thực các giao dịch về đất là cần thiết.

  • Xã hội hóa đầu tư hạ tầng - Bài 1: Được công trình và… hơn thế nữa

    Xã hội hóa đầu tư hạ tầng - Bài 1: Được công trình và… hơn thế nữa

    Khoảng 10 năm nay, TPHCM đã tiến hành xã hội hóa thu hút nguồn vốn đầu tư xã hội vào rất nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, từ giao thông cho tới cấp, thoát nước, xử lý rác… Những thành quả đạt được từ chủ trương này là không thể phủ nhận và rất cần nhìn lại để rút ra những bài học trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay.

  • “Phẫu thuật dị tật” đô thị - Vô vàn khó khăn

    “Phẫu thuật dị tật” đô thị - Vô vàn khó khăn

    Từ nhiều năm nay, sự xuất hiện và tồn tại của những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo (SMSM) - một dạng "dị tật đô thị" - ngay tại mặt tiền những tuyến phố trung tâm Thủ đô đã gây bức xúc dư luận và làm đau đầu các cấp quản lý trong việc tìm ra phương án hữu hiệu để xóa bỏ. <br/br>

Bảo Nga - Văn Ngọc Thủy (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.