Biệt thự đồng nát
Những ngôi biệt thự bỏ hoang là thiên đường của dân thu gom và buôn đồng nát. Họ chọn đây là nơi chứa đồ cũng như tá túc qua ngày, chỉ vài người là thuê chủ nhà, còn lại là đều đổ bộ không xin phép.
Lý do dân đồng nát lại thích các khu đô thị mới, là do công trường xây dựng nhiều vật liệu bỏ loại cũng như tình trạng nhiều công nhân ăn trộm sắt thép, xăng dầu đem bán.
Bà Hòa quê ở Hà Nam đang chiếm giữ một biệt thự 3 tầng ở Văn Quán để làm ăn. Nơi đây chứa đủ các thể loại thế liệu từ vỏ chai, lon bia, xô nhựa, sắt thép,... bên ngoài được bảo vệ bằng những dây thép gai, tấm sắt. Theo một số người xung quanh, bà Hòa tới đây ở buôn bán chỉ cần làm luật với bảo vệ khu đô thị là có thể sử dụng ngôi biệt thự này.
Bà Hòa kể: "Nghe nói, chủ nhà này làm to lắm có vài cái nhà, có khi họ chẳng bao giờ quan tâm tới. Đấy cái nhà bên cạnh của một bác ở quận Hai Bà Trưng, họ cũng chỉ biết có nhà ở đây chưa bao giờ xuống. Đúng là lãng phí thật."
Tại khu đô thị mới Văn Phú, ngay mặt đường cũng xuất hiện một nhà liền kề đồng nát, ngay cửa đã đề tấm biển "mua dầu, sắt vụn hàng thanh lý". Xung quanh khu vực này, nhiều dự án lớn đang xây dựng đó chính là cơ hội kiếm lời của họ.
Anh Hải, một lao động cho biết: "Trông thế thôi họ cũng kiếm tiền triệu đấy". Không phải ngẫu nhiên mà dân đồng nát họ lại thích các công trường xây dựng, người bán sẽ có người mua.
Những căn liền kề ở Văn Quán cũng được một số hàng thu mua phế liệu chọn làm đại bản doanh. Chủ một hàng đồng nát cho hay, những ngôi nhà tiền tỷ bỏ hoang lãng phí nên họ thuê lại để làm hàng. Khu vực này cũng ít người ở nên có thể tận dụng được cả những ngôi nhà bên cạnh.
"Tiền tỷ bỏ không hàng năm trời đúng là lãng phí. Tôi nghe nói người ta sắp đánh thuế biệt thự bỏ hoang gì đó chúng tôi cũng lo lắng, nếu thế thì không còn chỗ để làm ăn.", bà chủ ngậm ngùi.
Biệt thự bốn không
Đang thi công công trình xây dựng tại khu đô thị mới Văn Khê, anh Trí và nhóm công nhân xây dựng quê Ý Yên, Nam Định chọn một ngôi biệt thự ba tầng cách đó không xa làm nơi trú ngụ. Cuộc sống trong ngôi nhà không điện, không nước, không nhà vệ sinh, không đồ đạc tuy có khó khăn, chật vật nhưng đã giúp cho những người lao động nghèo như anh Trí đỡ một khoản lớn tiền nhà.
Anh Trí kể, công việc xây dựng nay đây mai đó, chính vì thế họ không thuê nhà, thường ở vật vạ ngay công trường trong những túp lều tạm. Khi công trình đổ mái, xây lên tầng, họ lại dọn vào bên trong để ở. Cứ thế, hết dự án này đến dự án khác.
Cách đây hơn một năm nhóm anh nhận được công việc xây dựng ở khu Văn Khê, thấy những ngôi nhà bỏ không, cỏ mọc um tùm, mấy anh liền dọn tới để ở tạm. Anh Trí chia sẻ, nhìn những ngôi nhà có giá trị hàng chục tỷ đồng bỏ không những người xây dựng như chúng tôi cảm thấy xót lòng.
Trước khi vào đây sinh sống, nhóm công nhân cùng anh Trí đã phải mất một ngày dọn dẹp cỏ rác và phế liệu xung quanh nhà. Ngôi nhà ba tầng trống không, chưa kịp trát đã mốc rêu theo năm tháng. Nhà không có cửa, mua đông gió thổi vào tận trong nhà, họ phải lấy phên, gỗ, vải bạt che chắn, bộc lại tạm bợ.
Vừa đi anh Trí vừa giới thiệu: "Bọn mình cũng oách ra phết, tầng một để nấu nướng, toàn gom củi về đun. Còn tầng hai anh em trải gỗ ra dải chiếu ngủ, ban công thì căng dây phơi quần áo. Còn nước thì phải mang từ công trường về để dùng. Còn khoản vệ sinh thì tự túc, tùy cơ mà di tản."
Chị Hải, phụ hồ kiêm cấp dưỡng phục vụ cơm nước cho anh em công nhân, vui vẻ nói: "Nói những căn nhà này tiền tỷ lúc đầu tôi cũng sững sờ cả người. Đúng là phí thật. Mình cũng may mới có cơ hội sống trong những ngôi nhà này". Trong số công nhân, chị Hải cùng mấy chị em được ưu ái hơn cả ở trên tầng ba. Chị theo chồng lên Hà Nội làm được gần sáu năm nay.
"Ở kiểu này cũng bất tiện nhưng có chỗ chui ra chui vào là tốt lắm rồi. Ở ngay bên công trình xây dựng thì cứ phải đổi chỗ liên tục. Biết là vào ở như vậy là bất hợp pháp nhưng có hơi người nhà cũng sạch sẽ hơn. Một số nơi chủ họ biết cũng tới nhắc nhở, còn có nhà chủ chẳng tới bao giờ nên không biết chúng tôi ở đây", chị Hải nói.
Theo chia sẻ của chị Hải, sống trong những ngôi nhà bỏ hoang sợ nhất là chuột quậy phá, thỉnh thoảng cũng có vài người lạ ngòm ngó nhưng không có đồ đạc gì họ cũng bỏ đi. Thỉnh thoảng cũng có bảo vệ khu đô thị đi qua nhắc nhở, nhưng họ cũng quen rồi.
Nhiều khu đô thị mới như Văn Quán, Xa La, Văn Khê,... đang tồn tại hàng trăm căn biệt thự tiền tỷ bị bỏ hoang một cách lãng phí, nhưng dù sao với những người công nhân nào chúng vẫn còn giá trị là nơi tạm trú qua ngày.
-
Chưa rõ ý Hiến pháp, khó sửa luật đất đai
Xét trên lợi ích chung của xã hội, việc công chứng, chứng thực các giao dịch về đất là cần thiết.
-
Xã hội hóa đầu tư hạ tầng - Bài 1: Được công trình và… hơn thế nữa
Khoảng 10 năm nay, TPHCM đã tiến hành xã hội hóa thu hút nguồn vốn đầu tư xã hội vào rất nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, từ giao thông cho tới cấp, thoát nước, xử lý rác… Những thành quả đạt được từ chủ trương này là không thể phủ nhận và rất cần nhìn lại để rút ra những bài học trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay.
-
Ngày 21.3, trao đổi với phóng viên, một vị cán bộ sở Xây dựng TP.HCM cho biết, nhu cầu nhà ở xã hội tại TP.HCM hiện nay là rất lớn khi thành phố đang có khoảng 20.000 hộ là cán bộ công nhân viên, sĩ quan, quân nhân cần hỗ trợ về nhà ở.