Trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị, GS. TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết: Ưu điểm nổi bật của chung cư mini là giá thành không quá cao, người có thu nhập trung bình cũng có thể mua được. Bên cạnh đó, vị trí của các chung cư mini khá thuận lợi, nhiều chung cư nằm ngay trong khu vực nội thành Hà Nội. Nguồn cung cũng không nhiều, vì chung cư mini được xây dựng chủ yếu trên diện tích đất mà người dân được sở hữu, hoặc những mảnh đất vườn chuyển sang đất ở.
- Đã có quy định về việc cấp "sổ đỏ" cho chung cư mini, nhưng tại một số địa phương vẫn chưa thực hiện. Theo ông, cần hoàn thiện thêm những chủ trương, chính sách gì để người dân yên tâm khi mua chung cư mini?
Nghị định 71 đã quy định khá đầy đủ và chi tiết về vấn đề này. Tuy nhiên, vướng mắc ở chỗ chính quyền địa phương chưa nghiêm túc thực hiện. Trong trường hợp này, Bộ Xây dựng nên có thông tư hướng dẫn riêng về chung cư mini vì Nghị định 71 đã quy định, thông tư hướng dẫn chung cũng đã có rồi. Nếu có thêm một thông tư hướng dẫn riêng về chung cư mini, các nơi sẽ rất yên tâm. Chung cư mini là hình thức khá mới mẻ mà trước đây chưa cho phép cấp "sổ đỏ". Lại thêm các luồng dư luận nhiều chiều khiến các địa phương cũng thận trọng, chưa thông thoáng trong việc cấp "sổ đỏ", tuy nhiên sự thận trọng này là thiếu trách nhiệm. Nghị định 71 đã quy định, nếu chưa rõ, các địa phương còn lúng túng thì có thể làm công văn hỏi lên Bộ Xây dựng.
- Việc cho phép phát triển chung cư mini sẽ kéo theo những trở ngại trong quản lý phát triển đô thị. Vấn đề này nên giải quyết như thế nào, thưa ông?
Điều này không đáng lo ngại, vì chung cư mini xây dựng chỉ khoảng 3 - 4 tầng. Áp lực có tăng lên, nhưng không lớn bằng các trường hợp chúng ta cải tạo những chung cư cũ trước đây 5 tầng thành 20 tầng. Chung cư mini không phải là dự án lớn, mà chỉ là dự án nhỏ lẻ, không tạo ra nhiều áp lực về hạ tầng.
- Theo quan điểm của ông, chúng ta có nên phát triển chung cư mini ở nội thành?
Theo tôi rất nên. Phát triển chung cư mini ở nội thành để đảm bảo nguồn cung cho các đối tượng tiếp cận khó khăn đến quỹ nhà ở, mà họ có khả năng chi trả. Đây cũng là cách để giải quyết bài toán nhà ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp. Chúng ta đừng hy vọng có dịch vụ nhà ở hiện đại ngay lập tức, vì thu nhập của chúng ta chỉ có thế thôi. Ngoài ra, chất lượng chung cư chưa chắc đã như mình mong muốn, bởi giá thành rẻ chắc chắn chất lượng chưa cao cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, tôi cho rằng, chung cư mini có nhiều ưu điểm hơn nhược điểm.
- Liệu có xảy ra các trường hợp rủi ro khi mua chung cư mini, thưa ông?
Tôi nghĩ không đến nỗi mạo hiểm, vì người mua có quyền xem xét chất lượng nhà ở. Hơn nữa, chất lượng chung cư mini 3 - 4 tầng cũng không quá phức tạp để thẩm định, chúng ta hoàn toàn có thể tự xây được. Người mua có thể thuê một anh kỹ thuật thẩm định chất lượng nhà theo tiêu chí do mình đặt ra.
- Ông nhận định thế nào về thời thế của chung cư mini?
Tôi cho rằng, từ nay đến năm 2020, mốc mà nước ta sẽ trở thành nước công nghiệp, chung cư mini hoàn toàn có chỗ đứng vững chắc. Sau khi trở thành nước công nghiệp, thu nhập của người dân cao hơn, chúng ta có thể có cách xử lý, quy hoạch lại. Ví dụ chung cư mini 10 - 20 hộ có thể cơ cấu lại thành 2 - 4 hộ. Khi tiềm năng thu nhập của người dân cao, chúng ta có cách thu xếp lại quỹ nhà sao cho phù hợp với mặt bằng của đô thị đòi hỏi lúc đó.
- Xin cảm ơn ông!
T heo Nghị định 71, cá nhân xây dựng nhà ở tại đô thị từ 2 tầng trở lên mà mỗi tầng có từ 2 căn hộ trở lên và mỗi căn hộ được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín thì diện tích sàn xây dựng mỗi căn hộ tối thiểu phải là 30m2; đồng thời phải đáp ứng các quy định về nhà chung cư theo quy định tại điều 70 của Luật Nhà ở. Nhà ở có đủ điều kiện quy định như nêu trên mà hộ gia đình, cá nhân có yêu cầu sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó.