Theo UBND Thành phố, việc phân nhóm này cũng nhằm ngăn chặn các chủ đầu tư và đơn vị tư vấn chọn giải pháp thiết kế chừa trống các ô sàn và sau khi nghiệm thu, đưa công trình vào sử dụng sẽ thực hiện lấp ô thông tầng để tăng diện tích sàn sử dụng của công trình.
Việc này dẫn đến gia tăng áp lực lên hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, phá vỡ quy hoạch khu 930ha đã được duyệt, tiềm ẩn nguy cơ cháy lan, cháy lớn và nguy hiểm cho người và công trình.
Theo Quy chế quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị khu trung tâm hiện hữu TP.HCM (khu 930ha) được duyệt vào tháng 6/2013, Khu vực được xây cao nhất khu trung tâm 930 ha thuộc về 12 ô phố tại lõi trung tâm thuộc phân khu 1 với chiều cao tối đa tới 150-160 m. Ví dụ như ô phố Hồ Huấn Nghiệp - Đồng Khởi - Ngô Đức Kế có tầng cao tối đa 150 m. Trong khi đó, bảy ô phố thuộc phân khu 4 được xây thấp nhất. Ví dụ như ô phố Trương Định - Nguyễn Đình Chiểu - Bà Huyện Thanh Quan - Nguyễn Thị Diệu tầng cao tối đa 25 m.
5 phân khu trong khu trung tâm
Phân khu 1: Lõi trung tâm thương mại tài chính được giới hạn bởi các tuyến đường Tôn Đức Thắng, Lê Lai, Lê Thánh Tôn, Phạm Ngũ Lão và Hàm Nghi. Diện tích: 92,3 ha, dân số dự kiến: 31.800.
Phân khu 2: Trung tâm văn hóa - lịch sử, từ rạch Thị Nghè tới đường Hoàng Sa, Nguyễn Thị Minh Khai, Cống Quỳnh, Lê Lai và Lê Thánh Tôn. Diện tích: 212,2 ha; dân số dự kiến: 42.700.
Phân khu 3: Khu bờ Tây sông Sài Gòn, từ cầu Sài Gòn, Nguyễn Hữu Cảnh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành, Kênh Tẻ tới sông Sài Gòn. Diện tích: 274,8 ha; dân số dự kiến: Tối đa là 56.490.
Phân khu 4: Khu thấp tầng, từ rạch Thị Nghè, đường Hoàng Sa, Võ Thị Sáu, Cách Mạng Tháng Tám tới Nguyễn Thị Minh Khai. Diện tích: 232,3 ha; dân số dự kiến: 74.400.
Phân khu 5: Khu lân cận lõi trung tâm, bắt đầu từ đường Hàm Nghi, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thái Học, Cống Quỳnh, Hoàng Diệu, Tôn Đức Thắng và Nguyễn Tất Thành. Diện tích: 117,5 ha; dân số dự kiến: 42.800.