05/05/2015 7:55 AM
Trước tình trạng nhiều dự án "treo", gây bức xúc trong dư luận, gây khó khăn cho công tác quản lý của chính quyền, trong buổi làm việc với Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội, nhiều quận kiến nghị thành phố cần thu hồi các dự án chậm đầu tư do năng lực chủ đầu tư có hạn hoặc sử dụng đất sai mục đích. Đồng thời xem xét giao lại cho UBND các địa phương quản lý, đầu tư xây dựng trường học, công trình phúc lợi công cộng hoặc giao cho các chủ đầu tư có uy tín, năng lực tài chính, tránh lãng phí.

Đất đai là lĩnh vực còn nhiều “lỗ hổng” trong quản lý. Ảnh: Nhật Nam


Thiếu sự phối hợp trong quản lý

Có một thực tế các địa phương phản ánh là: Một số dự án UBND thành phố giao cho các chủ đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB), việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giao nhận mốc giới… không bàn giao về địa phương quản lý theo dõi. Vì thế, có dự án không sử dụng đất liên tục sau 12 tháng kể từ khi bàn giao thực địa, có dự án chậm tiến độ so với dự án đầu tư phê duyệt 24 tháng, chủ đầu tư không đủ khả năng tài chính thực hiện dự án… đã gây khó khăn cho quận trong kiểm tra, giám sát.

Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Đỗ Anh Tuấn cho biết, UBND quận không có đủ hồ sơ của các đơn vị do việc giao đất thuộc thẩm quyền UBND thành phố. Khi tiến hành giao nhận mốc giới, hồ sơ cũng không gửi về UBND quận để quản lý, theo dõi; một số đơn vị chuyển đổi cho đơn vị khác nhưng hồ sơ cũng không gửi về quận… Đặc biệt, năm 2014, UBND quận đề xuất UBND thành phố thanh tra 17 dự án, sau đó Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thanh tra 9 đơn vị, nhưng đến nay UBND quận Tây Hồ vẫn chưa nhận được kết luận thanh tra. Vì sự phối hợp lỏng lẻo này mà quận không nắm rõ các dự án thế nào để tiếp tục quản lý, kiểm tra, giám sát.

Tương tự tại quận Cầu Giấy, việc theo dõi kết quả xử lý sau thanh tra còn nhiều khó khăn, thông tin gia hạn thời gian thực hiện dự án chậm cập nhật, nên không kịp thời báo cáo UBND thành phố để có biện pháp xử lý vi phạm. Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Dương Cao Thanh cho biết, hiện tại trên địa bàn có gần 100ha đất thuộc các dự án đang trong tình trạng đầu tư dang dở, chậm GPMB, bỏ hoang, quây tôn để đấy, hoặc sử dụng sai mục đích. Sau đợt giám sát của HĐND thành phố, quận sẽ rà soát, tổng hợp toàn bộ dự án, làm việc với chủ đầu tư nếu thấy năng lực tài chính hạn chế, không thể tiếp tục triển khai, UBND quận sẽ chính thức báo cáo UBND thành phố
thu hồi.

Kiên quyết thu hồi dự án "chết"

Để bảo đảm nguồn thu ngân sách và hơn hết là không làm ảnh hưởng đến việc GPMB triển khai thực hiện dự án mới, lãnh đạo các quận kiến nghị với HĐND và UBND thành phố có giải pháp thu hồi các dự án chậm triển khai do chủ đầu tư không đủ năng lực, sử dụng đất sai mục đích hoặc chuyển nhượng trái phép.

Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Tứ đề xuất, thành phố cần phân loại dự án để ra quyết định. Đó là những dự án do nhà đầu tư có năng lực tài chính hạn chế hoặc dự án đã "chết" ngay trên thương trường (dự án bất động sản) cần sớm xử lý. Quá trình xử lý, thành phố phải bảo đảm tính đồng bộ trong quyết định. Với dự án xin chủ trương đầu tư xây dựng trường tư thục nhưng chậm triển khai, thành phố nên thu hồi giao cho quận xây dựng trường công lập. Các dự án xây dựng văn phòng cho thuê, nếu chậm cũng nên thu lại giao cho địa phương xây dựng trụ sở cơ quan; dự án trung tâm thể thao chậm hoặc không đủ năng lực thì thu hồi xây dựng các thiết chế văn hóa. "Dự án nào "chết" trên thương trường thì phải tìm cách "chôn" nó theo cách hủy dự án, thu hồi đất; dự án còn "sống" được trên thương trường, nhưng chủ đầu tư thiếu năng lực cũng cần phải thu hồi sớm" - Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm kiến nghị.

Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Lâm Anh Tuấn cho rằng, dù trên địa bàn quận không có trường hợp nào cho thuê lại đất trái pháp luật, tình trạng đầu tư chậm đa phần do thị trường bất động sản đóng băng. Do vậy, thành phố nên xem xét, phân loại nhóm dự án để xử lý, đặc biệt cần sớm thu hồi các dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai, giao cho địa phương quản lý, giao cho chủ đầu tư mới có đủ năng lực tài chính triển khai.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội Nguyễn Văn Nam cho rằng: Những dự án vi phạm về sử dụng đất đai trên địa bàn đang tạo ra những hệ lụy, khó khăn trong thu hút đầu tư mới. Việc kiểm tra, giám sát dù đã được chú ý nhưng chưa thường xuyên, việc xử lý vi phạm chưa quyết liệt, dứt điểm; công tác phối hợp giữa sở chuyên ngành với quận trong lĩnh vực này còn hạn chế, thiếu thông tin. Do đó, các ngành nên nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin công khai thực trạng của các dự án, vừa để chính quyền cơ sở nắm được, phối hợp giám sát, vừa để nhà đầu tư biết rõ, tránh chuyển nhượng, dự án chồng dự án. Đồng thời, các ngành, địa phương cần tham mưu cho thành phố xử lý dứt điểm những chủ đầu tư không có khả năng tài chính, thu hồi dự án cố tình vi phạm.

156 dự án chậm triển khai 12 tháng

Theo Sở TN&MT Hà Nội, nhóm dự án chậm 12 tháng kể từ khi bàn giao thực địa có 156 dự án vướng mắc về khách quan (do quy hoạch, thị trường…); 29 dự án vi phạm quy định đầu tư, sử dụng sai mục đích hoặc không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh; 10 dự án có quyết định, bản án của tòa án.

Nhóm dự án chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư được phê duyệt có 6 dự án UBND thành phố có quyết định thu hồi do vi phạm quy định của Luật Đất đai; 23 dự án được gia hạn thời gian hoàn thành công tác đầu tư; 26 dự án vướng mắc trong GPMB, chưa hoàn tất các thủ tục đầu tư, chưa được giao đất, chưa thi công; 6 dự án tiến hành thi công, nhưng chậm tiến độ so với giấy chứng nhận đầu tư. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn 107 dự án nợ tiền nghĩa vụ tài chính về đất đai.
Chủ đề: Bỏ hoang
  • “Lỗ hổng” trong quản lý  giao đất, cho thuê đất tại Hà Nội:  Vì sao nhiều dự án vẫn… “treo”?

    “Lỗ hổng” trong quản lý giao đất, cho thuê đất tại Hà Nội: Vì sao nhiều dự án vẫn… “treo”?

    Hàng trăm héc ta đất "vàng" thuộc khu vực nội thành đã được các tổ chức, doanh nghiệp "xí phần", quây tôn để đấy, vì lý do thiếu vốn chưa thể triển khai hoặc chậm GPMB. Từ đợt giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố về tình hình sử dụng đất của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án trên địa bàn thành phố, vấn đề đặt ra là phải có biện pháp xử lý cương quyết để công tác quản lý, sử dụng đất đai thực sự hiệu quả.

Việt Tuấn (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.